Những bệnh lý tiêu hóa do ảnh hưởng bởi tâm lý và áp lực cuộc sống
Stress và chế độ sinh hoạt không điều độ chẳng những làm khởi phát một số bệnh lý đường tiêu hóa mà còn gây tái phát ở 1 số trường hợp đã được điều trị ổn định trước đó.
Theo phân tích số liệu khám bệnh của phòng khám tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2, trong những tháng vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân bị trào ngược dạ dày và viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích chiếm tới 70%. Đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị ổn định, nay lại tái phát.
Tất cả bệnh nhân này khi được khai thác bệnh sử đều chia sẻ bản thân đang gặp những lo toan và biến cố lớn trong cuộc sống. Có người bị áp lực kinh tế (công việc thay đổi; thu nhập bị cắt giảm; quá tải khi phải "gánh" quá nhiều việc ở cơ quan lẫn gia đình), đau buồn vì người thân qua đời.
Dưới đây là những nhóm bệnh lý tiêu hóa dễ khởi phát do yếu tố tâm lý:
Viêm loét dạ dày: Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh nhân có thể bị suy kiệt, thậm chí tử vong vì chảy máu.
Viêm loét dạ dày có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân (nhiễm vi khuẩn HP, bệnh tự miễn, lạm dụng thuốc kháng viêm - giảm đau). Căng thẳng, lo âu quá mức làm dịch vị tăng tiết, gây mất cân bằng chức năng dạ dày. Bên cạnh đó, ăn uống không điều độ và sử dụng nhiều chất kích thích, gia vị (đồ ăn cay nóng, chua, rượu bia…) cũng ảnh hưởng chức năng co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị dẫn tới viêm loét niêm mạc dạ dày.
Trào ngược dạ dày thực quản: Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng lên cơ quan hô hấp, gây viêm thực quản, khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng.
Các dấu hiệu cảnh báo cần đi khám trào ngược dạ dày thực quản là: ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nóng rát vùng ngực dưới lan lên cổ, khó nuốt, ho, khản giọng, đắng miệng.
Hội chứng ruột kích thích (còn gọi là viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt).
Những tác nhân hàng đầu có liên quan tới hội chứng ruột kích thích: stress, thực phẩm (tùy cơ địa mỗi người), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, yếu tố di truyền và sự thay đổi nồng độ hoóc-môn ở phụ nữ vào chu kỳ kinh nguyệt.
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là đau bụng, đi tiêu phân lỏng hoặc táo bón (nhưng trong phân không có lẫn máu). Cơn đau có thể xảy ra ngay trong hoặc sau khi ăn và tự hết sau khi bệnh nhân đi tiêu. Bệnh này hay tái đi tái lại và gặp nhiều ở phụ nữ.
Ngày nay, ngay cả trẻ em cũng được ghi nhận mắc hội chứng ruột kích thích, khả năng liên quan đến áp lực học hành và thi cử.
Viêm loét dạ dày do dùng vitamin C quá độ: Khi khám, bác sĩ phát hiện rất nhiều người bị viêm dạ dày do muốn nâng cao sức đề kháng đã dùng vitamin C quá độ. Có bệnh nhân chia sẻ: mỗi ngày ngoài một viên C sủi 1.000mg còn uống thêm 1 ly nước cam. Chính điều này đã khiến nồng độ a xít trong dạ dày tăng lên rất cao khiến bệnh nhân bị đau bao tử.
Vì vậy, các bác sĩ lưu ý: Người bệnh cần cân bằng tâm lý trong cuộc sống, đừng để tinh thần bị áp lực mà không được giải tỏa. Mặt khác, nên cố gắng ăn uống đúng giờ, hạn chế thức ăn mang tính kích thích. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa tái đi tái lại, cần thu xếp đi khám để được điều trị kịp thời.