Những bài học đắt giá khi tiêu tiền không kiểm soát
Không có tiền mua thuốc lúc ốm, mất hơn nửa số tiền vào việc đầu tư!
Không biết cách quản lý túi tiền nên có đồng nào là tiêu đồng đó
Mình vẫn luôn nghĩ quản lý tài chính cá nhân là một cái gì đó rất cao siêu, và chỉ những người có tiền mới cần phải học. Nhưng cho đến năm thứ 2 đại học, mình gặp phải tình trạng “túi tiền khét lẹt”, và thời điểm này mình nhận ra rằng, quản lý tài chính cá nhân là bài toán bạn cần giải càng sớm càng tốt.
Chuyện là thế này: “Kể ra thì chắc mọi người sẽ mắng mình là ngốc. Nhưng thời điểm khi mới bước chân vào đại học, mình được ba mẹ cấp cho khá nhiều tiền để chi trả sinh hoạt phí. Cộng thêm cả việc mình đã đi làm thêm từ năm nhất. Thế nên tổng số tiền khi đó của mình khá lớn so với 1 cô sinh viên năm nhất có thể sở hữu. Nhưng bạn biết không, tất cả số tiền khi đó mình tích lũy được, mình đã tiêu xài một cách vô tội vạ: nào là mua sắm đủ thứ linh tinh, ăn uống cùng bạn bè, chi tiêu cho mỹ phẩm, sách báo,.. và đủ thứ không thể gọi tên nhưng tiêu tốn một đống tiền.
Cho đến khi rơi vào hoàn cảnh không còn xu dính túi, mình mới tỉnh ngộ. Lúc có nhiều tiền thì chả bao giờ nghĩ đến việc đi học thứ gì đó, nhưng khi hết tiền lại nảy sinh bao ý tưởng học đàn rồi học vẽ. Thế là mình đã vay tiền để học, và rồi sau đó phải còng lưng mà trả nợ.
Trong lúc đang hết tiền, mình lại dính phải một cơn ốm dai dẳng, nhưng không có tiền mua thuốc chỉ vì nghèo.
Những bài học đắt giá này khiến mình trân trọng đồng tiền hơn bao giờ hết. Để giờ đây, mỗi đồng tiền mình kiếm được đều trở nên đáng quý. Và mình tâm niệm rằng, tiêu đồng nào là phải đáng giá đồng ấy.”
Đây là câu chuyện mà Minh Châu (1999, Hải Dương) chia sẻ khi chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân.
Tiêu tiền không đúng chỗ, mình đã mất rất nhiều
Cũng thuộc trường hợp từng tiêu tiền không đúng chỗ, Nguyên Phong (TPHCM, hiện đang là Co Founder của 1 nền tảng website tại Việt Nam) cho biết:
“Hầu hết mọi người hay bị cháy túi vì không biết quản lý túi tiền của bản thân và mình cũng vậy. Mình đã có rất nhiều lần tiêu tiền vào những mục tiêu không đem lại kết quả gì.
Một trong số đó, là khi mình đầu tư 20 triệu để phát triển tiện ích ứng dụng, chạy nền trên trình duyệt Facebook nhưng không hiệu quả, do yếu tố thuật toán thay đổi. Điều này không nằm trong tính toán của mình. Và lần gần đây nhất là mất tiền cho chuyện đầu tư. Giai đoạn cuối năm 2021, có thể coi đây là thời điểm nhiều thị trường đầu tư bị ảnh hưởng. Và mình cũng không tránh được việc bị thiệt hại. Con số lên tới 60% tổng số tiền mình đầu tư khi đó. Lúc mất tiền, mình cũng cảm thấy khá tiếc, nhưng mình coi đó như khoản “học phí” để mua kinh nghiệm đầu tư khôn ngoan hơn cho những lần sau.
Vậy có cách nào giúp bạn tiêu tiền thông minh hơn không?
“Đương nhiên là có rồi. Chỉ cần rơi vào tình trạng rỗng túi vài lần là bạn sẽ phải lao vào tìm cách khắc phục thôi.” Nguyên Phong chia sẻ:
“Mình đã từng áp dụng nguyên tắc 6 lọ vào quản lý chi tiêu. Nhưng vì quá rườm rà và không còn thấy phù hợp nên mình đã rút gọn lại thành 3 lọ, cụ thể như sau:
Lọ 1: Chi tiêu thiết yếu: Đây là các khoản bắt buộc phải có để duy trì sự sống như ăn uống, thuê nhà, đi lại,...
Lọ 2: Chi tiêu cá nhân: Đây là các khoản dành để phát triển bản thân như học thêm kỹ năng, tạo dựng các mối quan hệ, mua sắm những vật dụng cần thiết,...
Lọ 3: Chi tiêu tài chính: Đây sẽ là khoản chi tiêu dành cho bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư.
Và mình đã dành ra 1 tháng để làm điều đó, mỗi ngày chi tiêu các khoản nào, mình sẽ lưu lại vào ứng dụng quản lý chi tiêu. Đến cuối tháng sẽ phân loại từng khoản này theo 3 nhóm chi tiêu phía trên để tính ra tỷ lệ giữa các khoản thu chi. Cuối cùng mình đã biết được chính xác nguyên nhân tại sao mình thường hay “rỗng túi” hoặc biết tiền của mình đã đi về đâu.
Sau khi đã hiểu được thói quen chi tiêu của bản thân, bây giờ là bước bạn đặt ra các quy tắc quan trọng và giới hạn chi tiêu cho từng hạng mục. Điều này tùy từng hoàn cảnh của mỗi người để đặt ra (với mình thì công thức đó là 50-30-20, tức 50% chi thiết yếu 30% chi cá nhân và 20% chi tài chính).
Tuy nhiên nếu ngay lập tức bạn buộc phải chi tiêu khác đi theo quy tắc đã định thì sẽ rất khó khăn vì thói quen của bạn cần một thời gian để chỉnh sửa và thay đổi, do đó bạn cần điều chỉnh từ từ theo thời gian.
Khoản chi tiết thiết yếu của mình hiện tại từ 2021 - 2022 sẽ dao động trong tầm khoảng 6-8 triệu đồng đó là mức min - max. Do đó khi đến ngày lĩnh lương thì mình sẽ trích ra bằng đúng khoảng chi đó. Bằng cách này mình sẽ luôn cảm thấy thoải mái trong một khung chi tiêu cố định, hãy làm quen với điều đó.
Tương tự với các khoản chi cá nhân. Và các khoản dư ra sẽ đều quy về khoản chi đầu tư (đây là khoản luôn phải ưu tiên tăng trưởng).
Điều này sẽ cực kỳ hữu ích trong trường hợp mình cần tích lũy 1 khoản tiền cho việc đột xuất. Khi này, mình chỉ cần ép các khoản chi này về mức MIN hoặc dưới MIN một chút trong vòng vài tháng, mọi khoản dư ra sẽ được dùng cho khoản chi đột xuất đó.
Một điều nữa là ban đầu khi áp dụng công thức đó là TIẾT KIỆM TRƯỚC CHI TIÊU SAU. Tức là bạn nên phân chia rõ ra các khoản chi, áp dụng MIN cho chi mua sắm và đặc biệt khoản tiết kiệm hay đầu tư phải được làm đầu tiên, vì khi các bạn có tiền trong tay rất dễ bị cám dỗ mua này mua kia.
VD: Nhận lương 10 triệu: % triệu chi thiết yếu, 3 triệu để chi cá nhân và 2 triệu dành cho đầu tư.
- 2 triệu đầu tư phải làm ngay (hoặc cất ngay vào tài khoản không thể đụng đến).
- 3 triệu chi cá nhân nên cân nhắc có nên mua hay hoặc gì không. Nếu không thì đưa qua khoản chi đầu tư luôn.
- 5 triệu còn lại để trong ngân hàng, khi nào cần thì chuyển khoản, hạn chế cầm nhiều tiền mặt vì dễ tiêu lố cho các khoản khác. Và dùng chính số tiền này để xài cho hết tháng.
Không khác với Nguyên Phong là bao, cô nàng Minh Châu bổ sung thêm 1 số cách cụ thể giúp chính mình không còn chi tiêu bừa bãi nữa:
- Hạn chế ăn ngoài, ăn vặt, ăn hàng quán,... mà thay vào đó là ăn ở nhà nhiều hơn. Nhiều bạn bị nghiện trà sữa sẽ rất khó bỏ nhưng nếu các bạn học cách từ bỏ mỗi ngày một chút thì chắc chắn bạn sẽ làm được. Hồi xưa mình bị nghiện ăn xúc xích vỉa hè nhưng bây giờ có cho thì mình cũng không ăn nổi.
- Đừng săn sale, đừng mua quần áo hay những thứ mình không cần. Tâm lý chung của chúng ta đó là thấy rẻ thì ham nhưng thật ra giảm giá chỉ là một hình thức marketing của những nhà quảng cáo. Bạn nghĩ mình đang mua được một món hời ư? Tất cả chỉ là một cú lừa thôi!
- Thay vì mua những đồ rẻ tiền, hãy tích cóp để mua những đồ dùng xịn và chất lượng. Nếu xem xét kỹ lại thì mua đồ đểu dùng vừa ức chế, nhanh hỏng mà còn tốn tiền hơn.
- Đầu tư tiền vào trải nghiệm (đi du lịch) hoặc các khóa học (kỹ năng, tiếng anh, nấu ăn,...) chắc chắn bạn sẽ có lãi.
Tóm lại là lớn rồi thì tự ý thức đi, đừng tiêu xài hoang phí nữa. Đừng trở thành rich kid bằng tiền và công sức của người khác.
Sau khi áp dụng những cách quản lý tài chính cá nhân, bạn nhận ra điều gì?
Sau những lần điều chỉnh và áp dụng các công thức vào giải bài toán tài chính cá nhân, Nguyên Phong chia sẻ: “Từ lúc áp dụng công thức tài chính riêng cũng như tập thói quen ghi lại các khoản chi tiêu trong ngày trên các app, mình nhận thức được những khoản chi tiêu thật sự quá hoang phí và vô bổ. Và từ đó, mình tìm mọi cách khắc phục để không mắc sai phạm cho lần sau.
Dần dần nó sẽ thành thói quen tốt cũng như mở ra cho mình nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập. Đặc biệt, việc đăng ký học các khóa về quản lý tài chính cá nhân, tiết kiệm và đầu tư là cực kỳ quan trọng.
Kiếm được tiền đã khó nhưng giữ được nó trên tay càng khó hơn. Nếu được, mình chỉ muốn nhắn nhủ những người trẻ hơn mình, hãy chi tiêu thật tiết kiệm và kiếm nhiều hơn khi còn trẻ. Hãy tập trung phát triển năng lực bản thân, vì chính chúng ta là tài sản lãi kép vô hạn theo thời gian.”
Theo đó, Minh Châu cũng nói: “Hiện tại, cuộc sống của mình đã tốt hơn nhiều nhờ những cách chi tiêu có tổ chức và hợp lý hơn. Mình đã không còn rơi vào tình trạng cuối tháng hết tiền, hay những lúc ốm đau thì không còn tiền mua thuốc. Những chi tiêu lúc bồng bột đã khiến mình phát sợ mỗi khi nghĩ về. Và điều đó thôi thúc mình sử dụng tiền ngày càng có hiệu quả hơn. Mình hi vọng, các bạn trẻ giống mình cũng thế. Có thể nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân càng sớm càng tốt!”
Cảm ơn nhân vật vì những chia sẻ!