'Những bà già xinh đẹp' và câu chuyện ngoài 50 tuổi chưa phải là già
Người ta vẫn hay gọi tuổi ngoài 50 là độ tuổi xế chiều. Phần lớn những người phụ nữ trong độ tuổi này đã về hưu, lựa chọn cuộc sống ổn định với con cháu. Nhưng tác giả Phạm Thị Ngọc Liên không nghĩ vậy.
Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên đã cất lên tiếng nói cho người phụ nữ ở giai đoạn cuối mùa nhan sắc bằng Những bà già xinh đẹp .
Trong buổi giao lưu và giới thiệu sách Những bà già xinh đẹp vào sáng 27-3 tại Đường sách TP.HCM, Phạm Thị Ngọc Liên dịu dàng trong chiếc áo dài truyền thống. Và khi bà cất giọng, người nghe mới thấy được sự táo bạo của một "bà già xinh đẹp".
Ngay từ tựa đề cuốn sách đã thấy được sự lạc quan, pha chút kiêu hãnh của người viết. Phạm Thị Ngọc Liên chia sẻ: "Tôi viết để thách thức tuổi trẻ, và thách thức cả những người cứ nghĩ mình già. Tại sao cứ nghĩ mình già trong khi mình chưa già. Đồng ý là tôi già đó, nhưng mà tôi đẹp".
Với bà, lứa tuổi 50 không là gì cả. Những người nhiều năng lượng mà phải về hưu lúc 55 tuổi bà cho là quá sớm. Vì thế họ phải tìm cách để giải phóng năng lượng qua những con đường khác, như viết lách, công tác xã hội, hoặc làm những điều lúc trẻ chưa kịp làm.
Những bà già xinh đẹp là 25 câu chuyện của những người phụ nữ ngoài 50 tuổi, có người ít hơn. Họ đại diện cho những câu chuyện, tình huống mà chúng ta sẽ bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hằng ngày.
Hầu hết những câu chuyện trong sách được Phạm Thị Ngọc Liên lấy chất liệu từ đời sống thật, qua bạn bè và chính những trải nghiệm của bản thân nhà văn.
Nói về "xinh đẹp" trong tựa đề quyển sách, bà lý giải: "Từ xinh đẹp của tôi không phải chỉ nói về sắc diện mà còn về tâm tính, tính cách và phong cách sống nữa. Nghĩa là làm sao cho người đối diện nhìn thấy được năng lượng lan tỏa của mình tới họ, chứ không phải nhìn một bà già cau có, lúc nào cũng u buồn".
Những bà già xinh đẹp - một cuốn sách viết về "bà già" với đầy sự kiêu hãnh của tính nữ. Nhưng sẽ thật chưa đầy đủ khi nói đây là quyển sách chỉ phụ nữ mới đọc. Dĩ nhiên, phụ nữ sẽ là những người đầu tiên cầm trên tay quyển sách này. Họ tìm đến để soi chiếu, đánh giá và tìm kiếm bài học cho bản thân.
Phạm Thị Ngọc Liên là một nhà thơ, nhà văn. Do vậy, Những bà già xinh đẹp vẫn là một cái nhìn của sự tinh tế. Nhưng bên cạnh đó, bà còn là một người phụ nữ. Phụ nữ nhìn phụ nữ. Một cái nhìn trực diện, xen lẫn sự đồng cảm.
Trước đây bà đã từng dùng góc độ này để viết, nhưng là viết về tình yêu. Còn về câu chuyện của "những bà già" thì chưa. Bà chia sẻ: "Viết cho tuổi trẻ từ xưa giờ mình đã viết rồi. Lứa tuổi già là lứa tuổi ít được để ý nhất, giờ mình viết cho họ".
Rồi bà nói thêm trong buổi giao lưu: "Không riêng gì vấn đề màu sắc, còn rất nhiều vấn đề nữa mà người trẻ không hiểu người lớn tuổi. Cho nên từ đó tôi mới ghi nhận những người phụ nữ tương đối dày tuổi. Họ ôm ấp những vướng mắc trong lòng nhưng không nói ra được thì mình sẽ viết giùm họ".
Những bà già xinh đẹp đang định nghĩa lại tuổi già, nói đúng hơn là định nghĩa lại cách nghĩ về những người phụ nữ ngoài năm mươi. Không phải chỉ người trẻ mới có thể sống với đam mê.
Mọi người nói chung, và phụ nữ nói riêng, dù ở độ tuổi nào vẫn có thể sống theo cách mình mong muốn, làm điều mình muốn làm. Đó là điều tác giả Phạm Thị Ngọc Liên muốn nhắn gửi.
Ngày 19-3, độc giả Việt Nam đã có cơ hội gặp lại nhà văn gốc Việt Isabelle Müller trong buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm "Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi" tại đường sách TP.HCM.