Những bà chủ trở thành shipper sau đại dịch ở Trung Quốc
Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn làm shipper bán thời gian để giải quyết áp lực kinh tế, đồng thời có thể bảo đảm trách nhiệm chăm lo cho con cái, gia đình.
Những bà chủ trở thành shipper sau đại dịch ở Trung Quốc
Suốt 3 năm nay, Ah-Feng (42 tuổi) làm shipper giao đồ ăn ở Bắc Kinh. Công việc này không hoàn hảo, nhưng cô có rất ít lựa chọn.
Trước khi làm nghề này, cô từng cùng chồng điều hành một cửa hàng bán đồ thể thao ở quê nhà Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Nhưng tình hình kinh doanh thua lỗ khiến họ nợ hơn 100.000 nhân dân tệ ( 14.400 USD ).
Năm 2019, vợ chồng Ah-Feng quyết định đi tìm kiếm vận may ở thủ đô.
Từ bà chủ thành shipper
Vợ chồng A-Feng sống trong căn phòng trọ chật chội với giá thuê hàng tháng 1.000 nhân dân tệ. Họ phải để con gái 15 tuổi ở lại quê nhà cho người thân chăm sóc. Hiện tại, chồng cô không có việc làm.
Anh muốn sử dụng số tiền tiết kiệm để bắt đầu kinh doanh nhỏ nhưng Ah-Feng không đồng ý. "Không nên làm thế giữa lúc dịch bệnh đang phức tạp như thế này", cô nói với The Paper.
Để kiếm sống và có thể trả nợ, cô muốn tìm một công việc có thu nhập đều đặn.
Lần đầu tiên, cô đi phỏng vấn xin làm vị trí quản lý ca ở siêu thị, với mức lương 6.500 nhân dân tệ. Dù phỏng vấn tốt, cô đã quá độ tuổi giới hạn là 38.
Sau đó, Ah-Feng thử vị trí bán hàng tại một công ty bất động sản, có mức lương cơ bản là 2.000 nhân dân tệ/tháng, cộng với tiền hoa hồng. Kín đáo hỏi một phụ nữ trẻ đã làm việc ở đó 2 năm, cô biết thu nhập hàng tháng cũng chỉ khoảng 4.000 nhân dân tệ. Mức đó không thể đủ trang trải nên cô quyết định từ bỏ.
Cuối cùng, một cuộc gọi tuyển dụng nhân viên giao đồ ăn đã hấp dẫn cô. "Nếu làm việc tốt, bạn sẽ có thu nhập 6.000-7.000 nhân dân tệ/tháng. Làm tốt hơn, bạn sẽ kiếm được 8.000-9.000 tệ. Nhưng hãy cố gắng hơn nữa vì có thể đạt mức 10.000 tệ", Ah-Feng kể.
Miễn cô biết đi xe đạp điện và sử dụng ứng dụng định vị giao hàng, công việc khá đơn giản. Vì thế, Ah-Feng bắt đầu với nghề này.
Liu Qing (32 tuổi) là shipper giao hàng tại thành phố ven biển phía bắc thành phố Thiên Tân. Giống như Ah-Feng, Liu không có lựa chọn nào tốt hơn.
Cô và chồng từng sở hữu một nhà hàng nhỏ ở Thiên Tân, cho tới khi Covid-19 giáng một đòn chí mạng vào năm 2020 khiến kinh doanh đổ bể. Chồng Liu sau đó làm việc cho một nhà hàng khác, còn cô về quê nhà Tín Dương (Hà Nam) để chuẩn bị sinh con.
Hai vợ chồng đã có con gái đầu 7 tuổi. Nhưng lần sinh nở này, Liu gặp vấn đề lớn.
Khi mang thai được 5 tháng, khám tiền sản cho thấy thai nhi có 60% khả năng bị dị tật phát triển. "Nếu chuyện đó xảy ra, gia đình tôi khó lòng giải quyết", cô nói, cuối cùng đành quyết định chọn phá thai ở tháng thứ 7.
Liu trở lại Thiên Tân sau một năm nghỉ ngơi. Nhưng sự lo lắng lớn dần lên mỗi ngày.
"Tôi không kiếm được đồng nào, và đã không chăm sóc tốt con mình. Tôi thấy mình thật vô dụng", Liu nói.
Chồng cô đang làm việc ở một nhà hàng lớn, ca làm kết thúc vào 22h. Anh thường về nhà và đi thẳng vào giường. Anh cũng không có ngày nghỉ để cả hai trò chuyện. Cô còn phải một mình chăm sóc con gái, nên chuyện tìm được một công việc ổn định không phải dễ.
Nhưng Liu nhất quyết không gửi con về quê và biến nó thành "đứa trẻ bị bỏ lại". "Khi tôi học cấp 1, bố mẹ đã đi làm ăn xa nên tôi rất hiểu cảm giác ấy như thế nào, tôi phải theo sát con mình".
Liu thường đưa con gái đi học lúc 8h sáng và đón con về lúc 17h30, đó là trọng tâm cuộc sống của cô. Cho đến tháng 9 năm ngoái, khi con vào lớp 1, cuối cùng cô đã có thời gian để tìm việc.
Liu hiện làm nhân viên giao hàng bán thời gian. "Giờ giấc linh hoạt hơn, tôi có thể lựa chọn đơn để giao", cô nói.
Hy sinh
Giống như Liu, nhiều phụ nữ Trung Quốc phải chăm sóc con nhỏ cũng ký hợp đồng làm shipper giao đồ ăn bán thời gian.
Sun Ping, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, và nhóm của cô đã phỏng vấn 30 phụ nữ làm công việc giao hàng vào năm 2020 và 2021. Trong đó, 8 người cho biết họ chọn công việc này vì sự linh hoạt của nó giúp họ có thời gian chăm sóc con cái.
Theo Sun, nhiều phụ nữ được phỏng vấn đến từ các gia đình nông thôn, truyền thống, nơi phụ nữ thường gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình hơn. Sun quan sát thấy số phụ nữ làm nhân viên giao đồ ăn bán thời gian đã tăng lên trong 2 năm qua.
Covid-19 đã đánh mạnh vào các ngành tập trung nhiều người lao động nữ, như thương mại và du lịch. Nhiều người đang cần một công việc cấp bách, ngành giao hàng vì thế đã trở thành chỗ đứng tạm thời của họ.
Với những shipper hợp đồng bán thời gian, giao hàng ban đêm là tốt nhất vì giá mỗi đơn hàng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, kèm theo đó là nhiều mối nguy hiểm rình rập.
Feng nhớ lại một lần cô nhận đơn giao hàng vào ban đêm, cô có thể kiếm được 60 nhân dân tệ trong chuyến đi đó. Nhưng khi tới cách điểm đến vài trăm mét, cô phải rất sợ hãi vì đoạn đường trước mắt không có đèn. Cô toát mồ hôi lạnh khi nhìn vào một góc đường và thấy nghĩa trang.
Trên đoạn đường về, cô phải gọi cho một đồng nghiệp nam để trò chuyện cho bớt sợ.
Ngoài những nguy hiểm khi giao hàng vào đêm muộn, một mối quan tâm khác của shipper nữ là kỳ kinh nguyệt.
Mỗi lần đến kỳ, Feng thường mệt mỏi. Vì vậy, cô phải xin phép trưởng phòng nghỉ hai ngày đầu. Để đề phòng, cô chỉ dám mặc quần tối màu chứ không thể diện những bộ đồ yêu thích.
Cạnh tranh khốc liệt
Thông thường, một đơn hàng trong bán kính 3 km yêu cầu shipper hoàn thành trong 30 phút.
Năm 2019, nhóm của Sun đã tiến hành một thử nghiệm và nhận thấy không thể hoàn thành mà không chạy quá tốc độ hoặc vi phạm quy định giao thông.
Ah-Feng nói rằng nhiều nam giới đi xe máy với vận tốc 80 km/h nhưng rất ít phụ nữ có bằng lái. Với xe đạp điện, tốc độ tối đa họ có thể chạy là 40 km/h.
Trong thời gian Ah-Feng hoàn thành 10 đơn hàng, các đồng nghiệp nam có thể giao 15 đơn. Cô rất cố gắng để đuổi kịp, hy sinh thời gian nghỉ trưa hoặc ăn tối của mình.
"Sau một thời gian, tôi ăn uống không ngon miệng, thường xuyên bị mất nước và kiệt sức. Cuối cùng, tôi tự nhủ 30 hay 40 tệ cộng thêm chẳng đáng là bao", cô nói. Giờ đây, cô kết thúc công việc khi đạt đủ 300 nhân dân tệ chỉ tiêu và không còn cố cạnh tranh với đàn ông.
So với những bất lợi về thể chất phải đối mặt, cuộc đấu tranh để cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến Liu càng cảm thấy bất lực hơn.
"Đôi khi, vào những ngày con nghỉ học, tôi đưa con đi giao hàng. Ngay cả khi đang vội, tôi thà giảm tốc độ hơn là vượt đèn đỏ hoặc đi sai phần đường", cô nói.
Nếu tình cờ điểm đến có sân chơi dành cho trẻ em, người mẹ để con chơi một lúc. Vào những ngày như vậy, thu nhập hàng ngày của cô giảm một nửa, chỉ còn dưới 100 nhân dân tệ.
Liu cũng sợ người khác đánh giá khi đưa con đi làm. Nhân viên bảo vệ một trung tâm mua sắm từng nhìn thấy con gái cô ngồi trên xe giao hàng và nói: "Kiếm bao nhiêu tiền mới đủ với cô". Một lần khác khi đang chờ đèn đỏ, cảnh sát giao thông đã nói: "Làm vậy không an toàn cho đứa nhỏ".
Liu Qing thường thấy có lỗi vì điều đó, nhưng cô không nghĩ ra cách tốt hơn. Cô luôn lo sợ khi nghĩ đến việc để con gái ở nhà một mình: "Điều gì sẽ xảy ra nếu con bé đi ra ngoài rồi bị lạc? Ai sẽ lo bữa ăn cho con?".
Đinh Phạm