Những ai sau tập thể thao tuyệt đối không tắm nước lạnh?
Một số trường hợp có nguy cơ khởi phát bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao tiềm ẩn, thậm chí bị ngừng tim hoặc đột quỵ nếu bạn ngâm mình trong bồn nước lạnh quá lâu.
Liệu pháp cho người bị chấn thương và hồi phục
Mỗi lần đi tập gym hay đi đá bóng về, Huy (20 tuổi) thường tắm ngay bằng nước lạnh dù mùa đông hay hè. Thanh niên này cho rằng người đang nóng, mồ hôi nhễ nhại tắm nước lạnh mới dễ chịu.
Dù mẹ thanh niên này không khỏi lo lắng việc làm này ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng cậu lý sự “vận động viên bóng đá người ta còn phải ngâm người vào nước đá sau mỗi trận mà”.
Vậy việc tắm nước lạnh sau luyện tập thể thao có thực sự an toàn hay không?
Chia sẻ điều này, PGS. TS. BS. Thầy thuốc ưu tú Võ Tường Kha, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam cho biết, trong y học thể thao, việc chườm (ngâm) lạnh được áp dụng cho các trường hợp chấn thương và hồi phục.
Cụ thể, với chấn thương cấp tính trong vòng 72 giờ đầu, chườm (ngâm) lạnh là liệu pháp nhiệt trị liệu của vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
“Đây là một nội dung của nguyên lý PRICE (Pressure, Ice, Compression, Elevation). Nó có tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm phù nề, chống co cơ tiếp diễn khi chấn thương trong vòng 72 giờ đầu. Ngoài ra, ngâm lạnh ở nhiệt độ sâu thậm chí âm độ C cũng là một trong nhiều liệu pháp giúp phục hồi thể lực sau tập luyện, thi đấu, đặc biệt tại những giải thể thao mà các trận đấu diễn ra liên tục, dày đặc”, PGS. TS Võ Tường Kha cho hay.
Những ai không nên áp dụng?
Tuy nhiên, theo PGS. TS Võ Tường Kha liệu pháp làm lạnh cũng có những tác dụng không mong muốn. Cụ thể, ngâm mình trong nước lạnh thường xuyên làm giảm khả năng thích ứng của cơ với việc rèn luyện sức mạnh.
Ngoài ra, một tình huống khác có thể gặp phải khi sử dụng liệu pháp làm lạnh nữa là bỏng da (bỏng lạnh). Theo đó, người bệnh sẽ có cảm giác tê hoặc ngứa ran, có thể gây đỏ và kích ứng da, có thể gây ra tổn thương ngay lập tức (bao gồm cả tê cóng trong trường hợp nghiêm trọng).
"Do đó, liệu pháp lạnh tại chỗ không bao giờ được áp dụng lâu hơn 30 phút và phải theo dõi tình trạng toàn vẹn của da trong suốt quá trình", TS Kha nhấn mạnh.
Đối với người bình thường sau khi tập gym, chạy bộ, tập yoga thì có thể tắm nước lạnh.
Tuy nhiên, PGS. TS Võ Tường Kha nhấn mạnh, chỉ nên tắm nước lạnh khi nghiêm túc thực hiện được những nguyên tắc cơ bản. Cụ thể, độ lạnh của nước giảm dần cho người mới luyện tập, tránh giảm nhiệt độ quá sâu, đột ngột. Thời gian ngâm/chườm lạnh cục bộ không quá 30 phút và cho toàn thân không quá 3 phút. Đồng thời phải đảm bảo bản thân không có bệnh lý huyết áp, tim mạch cấp tính.
“Bạn có thể tắm nước lạnh để xả cơ, để cơ không bị căng, không mỏi mệt sau khi tập thể dục. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu và cũng có tác dụng ngoài ý muốn đặc biệt với người có bệnh lý huyết áp, tim mạch...
Tùy thuộc tình trạng thể lực, trình độ và thời gian tập luyện thể dục thể thao, thời tiết khí hậu mà chọn tắm ấm hay lạnh sau khi tập thể thao”, TS Kha cho biết.
Do đó, Giám đốc Bệnh viện Thể thao khuyến cáo đối với vận động viên, người khỏe mạnh, sau khi tập xong, lau mồ hôi, có thể đi tắm ngay. Nhưng với người bình thường hay vận động viên nghiệp dư, sau khi lau mồ hôi có thể tắm bằng nước nước ấm (5-10 phút) - lạnh dần (2-3 phút) - ấm (5-10 phút) luân phiên. Tổng thời lượng là 20-30 phút.
Ngoài ra, để hạn chế những rủi ro gặp phải khi rèn luyện thể dục thể thao, PGS. TS. BS Võ Tường Kha cho rằng, mỗi người dân trước khi quyết định lựa chọn cho mình một môn thể thao để nâng cao sức khoẻ cần đánh giá tình trạng thể chất, thể lực, đánh giá tình trạng bệnh lý (có bệnh lý tiềm ẩn, bệnh mãn tính hay không?).
“Khi đó, bác sĩ thể thao kết hợp với HLV thể thao sẽ tư vấn cho người tập luyện chọn môn thể thao phù hợp, chọn lượng vận động phù hợp, cường độ vận động phù hợp và các biện pháp phục hồi sau tập một cách phù hợp ”, PGS. TS. BS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Theo đó, các biện pháp hồi phục thể lực được sử dụng bao gồm âm thanh trị liệu, nhiệt trị liệu, quang trị liệu, thủy liệu pháp, phục hồi tích cực bằng vận động thể lực, liệu pháp căng giãn cơ, liệu pháp nén ép cơ bắp, xoa bóp, dược trị liệu (thực phẩm chức năng, thuốc đông y dùng xông ngoài và uống trong), các phương pháp không dùng thuốc của y học phương đông (châm cứu, bấm huyệt dưỡng sinh, yoga, thiền...).
Ngoài ra, thư giãn- giảm căng thẳng, ngủ, nghỉ đầy đủ, dinh dưỡng, nước uống cân bằng hợp lý, kịp thời là phương pháp chủ yếu đẩy nhanh quá trình hồi phục thể lực.
N. Huyền