Nhức nhối lãng phí đất đai

Chia sẻ Facebook
28/10/2022 08:05:06

Lãng phí đất đai là một trong những thực trạng đáng nhức nhối, nhiều khu đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 27/10.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: QH

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, khác với rất nhiều quốc gia trên thế giới có sở hữu tư nhân về đất đai, thể chế của Việt Nam có đặc thù nhất định. Hiến pháp đã khẳng định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Đó là quan điểm đúng đắn và cũng là con đường mà chúng ta đã kiên định lựa chọn.

"Như vậy, một quyền lực rất lớn được trao gửi cho bộ máy nhà nước là làm sao để sử dụng đất đai cho hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đó là trách nhiệm cao cả và Hiến pháp đã trao cho cơ quan công quyền", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.

Trên thực tế, thời gian qua trong lĩnh vực quản lý đất đai bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được, thì đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra việc chúng ta phải đang đối mặt với rất nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao trong giai đoạn vừa qua. Lãng phí đất đai là một trong những thực trạng đáng nhức nhối, nhiều khu đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích.

Do đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng, sai phải rõ ràng để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, không tạo tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng. "Có như vậy, hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Góp ý về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tán thành cơ bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, và thấy rằng những thành tựu đạt được trong bối cảnh đất nước vừa gượng dậy sau đại dịch Covid-19 và thách thức từ diễn biến phức tạp, bất định, khó lường của thế giới càng thấy rõ giá trị kết quả đạt được, nhân dân và cử tri cả nước rất phấn khởi và tin tưởng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, hiện cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: QH

Từ sự quan tâm vấn đề nêu trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ hơn tình hình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, nhất là tổng thể Hà Tĩnh ứng phó với biến đổi khí hậu để khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ bằng tổng thể giải pháp căn cơ, chiến lược, mạnh mẽ, bài bản và quyết liệt hơn.

Trước mắt, cần tập trung nguồn lực giải quyết cho được bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị xói lở, sạt lở ở vùng miền núi, vùng ven biển, ven sông. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương tới đây nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu, với dự báo tầm nhìn dài hạn, giải pháp khả thi nhất có thể và xem đây chính là động lực cho sự tăng trưởng.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng quan tâm và chỉ rõ, tình hình cháy nổ, hỏa hoạn diễn biến phức tạp với tần suất gia tăng, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, vũ trưởng, karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của các vụ cháy ngoài ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở, sự bất cẩn của người dân do đầu tư hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy chất lượng kém làm cho có để đối phó thì trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách quản lý về phòng cháy, chữa cháy có hay không tiêu cực, xuê xoa trong kiểm tra, thanh tra, cấp phép an toàn về phòng tránh, truy cứu trách nhiệm các chủ cơ sở, công trình để xảy ra cháy, nổ là đúng.

Do đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, quyết tâm và giải pháp căn cơ nào nhằm đẩy lùi sự gia tăng, nâng cao năng lực phòng cháy, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đề nghị Ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc thực hiện kết luận chuyên đề của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chia sẻ Facebook