Nhu cầu lao dốc, đơn hàng xuất khẩu tới Mỹ của Trung Quốc giảm 40%

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 10:48:17

Trong bối cảnh nhu cầu lao dốc và đơn hàng giảm mạnh, các hãng vận tải biển thông báo hủy chuyến và tạm dừng các dịch vụ để cân bằng cung với cầu.

Nhu cầu lao dốc, đơn hàng xuất khẩu tới Mỹ của Trung Quốc giảm 40%

Joe Monaghan, Giám đốc điều hành của Worldwide Logistics Group, cho biết: “Sự sụt giảm không ngừng về giá cước vận tải container từ châu Á (do nhu cầu sụt giảm mạnh) đang buộc các hãng vận tải biển phải hủy chuyến nhiều hơn bao giờ hết khi mức sử dụng tàu đạt mức đáy mới”.

Số đơn hàng mà công ty Mỹ đặt ở Trung Quốc đã giảm 40%, theo dữ liệu mới nhất của CNBC. Vì số đơn hàng giảm mạnh, Worldwide Logistics dự báo các nhà máy Trung Quốc sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ khoảng 2 tuần để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán (dự kiến diễn ra vào ngày 22/01/2023).

“Nhiều nhà sản xuất sẽ đóng cửa sớm vào đầu tháng 1/2023, sớm hơn năm trước khá nhiều”, Monaghan cho biết.

Công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng Project44 nói với CNBC rằng sau khi giá trị thương mại chạm mức kỷ lục trong đợt phong tỏa dịch bệnh, khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc tới Mỹ đã giảm mạnh kể từ cuối mùa hè năm 2022, bao gồm cả mức giảm 21% tổng khối lượng vận chuyển container trong giai đoạn tháng 8-11/2022.


Công ty vận chuyển toàn cầu HLS cảnh báo khách hàng trong đợt trao đổi gần đây về môi trường ngành vận tải biển. “Đây dường như là một thời điểm rất tệ cho ngành vận tải. Chúng ta có sự kết hợp độc hại giữa nhu cầu suy giảm và tình trạng dư thừa công suất”, HLS cho biết.


Các chuyên viên phân tích HLS dự báo khối lượng container giảm thêm 2.5%, trong khi công suất tăng gần 5-6% trong năm 2023. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới giá cước vận tải trong năm 2023.


“Thị trường vận tải container sẽ càng thêm phức tạp bởi sự bất ổn kinh tế, lo ngại địa chính trị và tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt”, HLS nhận định.


Alan Baer, CEO của OL USA, nói với CNBC rằng hiện đã xuất hiện một số tín hiệu sớm về sự điều chỉnh hàng tồn kho. Tổng khối lượng kinh doanh và dòng chảy đơn hàng từ châu Á tiếp tục ảm đạm khi các hãng tàu hủy chuyến và dường như không có đà tăng trước thềm Tết Nguyên đán.

Sự sụt giảm đơn hàng sản xuất từ Mỹ và châu Âu cũng tác động tới Việt Nam. Đất nước hình chữ S đang từng bước trở thành trung tâm sản xuất mới bên cạnh Trung Quốc.


Kể từ đầu năm 2022, 12,500 công ty đóng cửa mỗi tháng, tăng 24.8% so với cùng kỳ, theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam. Việc thiếu đơn hàng và lãi suất vay tăng từ 6.5% lên 13.2% tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhà máy thay vì ký hợp đồng đơn hàng mới, theo HLS .

Vũ Hạo (Theo CNBC)

Chia sẻ Facebook