Nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng toàn cầu suy yếu
Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang gặp thách thức với đầu ra khi nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng suy yếu.
Sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, ngành sản xuất toàn cầu đã hướng tới sự phục hồi nhanh chóng với động lực chính đến từ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ của người dân. Tuy nhiên, gần đây, các số liệu thống kê lại đang kể một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tại Mỹ, trong tháng 6, cả chỉ số PMI sản xuất và số đơn hàng mà các nhà máy ở đây nhận được đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Còn tại châu Âu, chỉ số PMI sản xuất tháng 6 cũng giảm xuống còn 52,1 trong khi lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.
Trong khi đó, tại châu Á, công xưởng của thế giới, trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19, ngành sản xuất khu vực này từng được hưởng lợi lớn với lượng đơn hàng rất lớn sang Mỹ và châu Âu, từ máy tính xách tay, điện thoại, và nhiều thiết bị điện tử khác.
Nhưng giờ đây, nhiều nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu trong khu vực đang ghi nhận sự chững lại của các nhà máy. PMI sản xuất của Nhật Bản cũng giảm tốc trong khi chỉ số PMI sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) thậm chí còn giảm xuống dưới ngưỡng 50, cho thấy sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy. Số đơn đặt hàng xuất khẩu cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất 2 năm.
Trong đại dịch, người ta mong chờ mãi các nhà máy sáng đèn, và tiếng động cơ máy móc dấu hiệu của sản xuất phục hồi. Nhưng hiện thực sau đại dịch cho thấy con đường phục hồi chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là khi tình trạng lạm phát cao đang ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia, xói mòn sức chi tiêu của người dân và làm suy giảm nhu cầu hàng hóa.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều nước suy yếu
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu cho hàng hóa của các hộ gia đình nước này trong tháng 5 đã giảm 1,6%, còn chi tiêu cho hàng hóa lâu bền giảm tới 3,5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Lạm phát tăng cao và việc FED nâng lãi suất đã gây sức ép lớn lên tâm lý người dân Mỹ, khiến niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh nhất trong vòng 9 năm qua.
Tại châu Âu, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục cũng khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu mua sắm lớn trong 12 tháng tới. Các chuyên gia kinh tế tại UBS dự báo, chi tiêu của người tiêu dùng Eurozone sẽ giảm nhẹ trong quý III, đi ngang trong 3 tháng cuối năm, và phải tới đầu năm 2023 mới có thể tăng trở lại. Xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu hiện cũng đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, không phải nền sản xuất lớn nào cũng có xu hướng giảm tốc bởi Trung Quốc vừa ghi nhận một sự phục hồi khá tích cực trong tháng 6 vừa qua.
Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số PMI sản xuất tại trung Quốc đã vượt ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự mở rộng hoạt động sau 3 tháng thu hẹp liên tiếp.
Tuy nhiên, bức tranh tích cực này, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố đáng lo ngại, khi mà số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm trong tháng 6. Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến bờ Tây nước Mỹ cũng đã giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu suy yếu.
Dẫu vậy, ngành sản xuất Trung Quốc vẫn có thể trông cậy vào thị trường nội địa rộng lớn. Dịch bệnh lắng dịu và lạm phát ở mức thấp đã tạo điều kiện để nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tăng trở lại, với doanh số bán ô tô tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhiều thiết bị gia dụng đạt mức tăng 100%.
Và để tận dụng hơn nữa tiềm năng này, bên cạnh các chương trình kích cầu, Trung Quốc đang triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Trung Quốc tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác sâu thị trường tỷ dân
Bộ Thương mại cùng 16 ban ngành vừa đưa ra các biện pháp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô chất lượng cao và tăng mạnh doanh số bán hàng. Mục tiêu xây dựng thị trường ô tô quốc gia thống nhất, phát triển xanh, carbon thấp - tái chế, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ trong toàn bộ chuỗi và các phân ngành của lĩnh vực công nghiệp ô tô. Năm qua, doanh số bán lẻ ô tô 4.400 tỷ nhân dân tệ, gần 657 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng mức bán lẻ tiêu dùng xã hội.
Ông Thịnh Thu Bình, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Trước áp lực tiêu thụ đi xuống từ tháng 4, Bộ Thương mại đã phối hợp với các ban ngành đưa ra 12 biện pháp nhằm thúc đẩy mở rộng tiêu thụ ô tô, củng cố xu hướng bình ổn, thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp thị trường ô tô, đẩy mạnh thực hiện phát triển ô tô chất lượng cao".
Nằm trong Kế hoạch thúc đẩy các sản phẩm chất lượng của 5 bộ ngành, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin tập trung đầu tư kinh phí để quảng bá 200 thương hiệu nổi tiếng với quy mô 10 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 1,5 tỷ USD từ nay đến năm 2025 để nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của các thương hiệu chất lượng cao. Các thiết bị gia dụng thông minh, hàng điện tử nội địa ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa và thay thế dần hàng ngoại nhờ giá cả rẻ và chất lượng.
Ông Hà Á Quỳnh, Cục trưởng Cục Hàng tiêu dùng - Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, nói: "Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có 200 nhà máy trình diễn sản xuất thông minh, thúc đẩy 300 kịch bản ứng dụng điển hình để giúp người tiêu dùng trải nghiệm tiêu dùng thông minh".
Chỉ số thịnh vượng bán lẻ Trung Quốc tháng 7 50,2 - chỉ số trên 50 cho thấy nhu cầu tiêu dùng được mở rộng. 78 công ty niêm yết, tức hơn 2/3 số công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán hạng A vừa báo cáo kết quả tài chính tích cực trong nửa đầu năm nay. Chính sách hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng về vốn vay ưu đãi và chính sách đã phát huy tác dụng.
Ngay sau khi dịch cơ bản ổn, sức mua tại các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc đều tăng từ 50 đến hơn 100%. Nay những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa càng khiến cho người dân tăng chi tiêu vào các mặt hàng nội địa.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bình luận, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc không chỉ thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, mà còn có thể hỗ trợ phần nào cho ngành xuất khẩu tại nhiều quốc gia khác, tuy nhiên, điều này sẽ còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và chính sách chống dịch của Trung Quốc.
Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu vẫn sẽ chịu nhiều sức ép từ lạm phát cao, và việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất. Do vậy, ngành sản xuất toàn cầu, được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ nhu cầu yếu trong thời gian tới.