Nhu cầu gạo chất lượng cao ngày càng nhiều ở thị trường ASEAN

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 21:44:14

Đó là đánh giá của các tham tán thương mại Việt Nam ở các nước ASEAN tại phiên tư vấn thứ 12 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tại tỉnh An Giang vào ngày 5-5.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu đi xuất khẩu - Ảnh: MINH KHANG


Tỉnh An Giang hiện đang là vựa lúa lớn nhất nước xuất khẩu gạo vào ASEAN.

Phát biểu tại phiên tư vấn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại - cho biết ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực này rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo là mặt hàng nông sản chính.

"Phiên tư vấn nhằm giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo vào thị trường ASEAN như: nhu cầu thị trường, chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu", bà Thủy nói.

Tại đây, các đại biểu là tham tán thương mại Việt Nam tại các nước: Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore đã trao đổi, thông tin bằng hình thức trực tuyến về tình hình thị trường gạo tại các nước trên và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là chia sẻ những khó khăn thách thức của doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu gạo tại các nước.

Ông Phạm Thế Cường - tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia - cho hay gạo là lương thực chính trong các bữa ăn hằng ngày của người dân Indonesia, là nguồn lương thực quan trọng trong các sản phẩm từ lúa gạo như loại bánh, đồ ăn nhanh… Tổng nhu cầu tiêu thụ gạo tại nước này trên 30 triệu tấn/năm.

Đây là nước sản xuất lúa gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Quốc đảo này có điều kiện khí hậu thuận lợi để canh tác lúa gạo nhưng người dân không thiết tha với sản xuất lúa gạo, vì năng suất và chất lượng lúa gạo của họ chưa cao.

Để bảo đảm sản xuất trong nước, Indonesia có chính sách quản lý gạo nhập khẩu khá chặt chẽ theo cơ chế cấp phép và giới hạn, chỉ nhập khẩu những loại gạo trong nước không sản xuất hoặc các loại gạo chất lượng cao từ 0-5% tấm (dành cho người đái tháo đường) và gạo 100% tấm phục vụ sản xuất công nghiệp.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo vào đóng thùng container để xuất khẩu - Ảnh: MINH KHANG

"Thu nhập bình quân đầu người của nước này là 4.349 USD/người/năm nên nhu cầu ăn gạo chất lượng cao ngày càng tăng. Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25 hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thời gian tới. Tuy nhiên công tác quảng bá gạo mang thương hiệu Việt cần tăng cường, nhiều đơn vị nhập khẩu lớn của Indonesia chưa biết gạo ST24, ST25", ông Cường nói.

Còn ông Cao Xuân Thắng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore - cho biết hiện nay Singapore đã tự chủ được 10% lương thực thực phẩm các loại. Nhập khẩu từ Việt Nam: gạo, rau củ quả, hạt điều, cà phê… tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này chỉ 0,15% trong tổng số các mặt hàng của Việt Nam. Về lúa gạo, đây là thị trường khó tính, chấp nhận giá cao…

Đây là phiên tư vấn thứ 12 trong tổng số 30 phiên tư vấn do Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp đồng tổ chức trong năm nay, thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

'Đây là thời cơ vàng cho nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt với loại cây trồng quanh năm như lúa gạo thì các doanh nghiệp nên tranh thủ tăng xuất khẩu, đừng chú trọng nhiều vào dự trữ', phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói.

Chia sẻ Facebook