Nhu cầu đi xuống, smartphone đang bước vào thời kì 'ế ẩm'

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 16:15:40

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Canalys, doanh số bán smartphone trên toàn cầu giảm 9% trong quý 2/2022 do nhu cầu giảm sút và tình trạng hàng tồn kho tăng cao.

Các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, doanh số bán smartphone giảm do lượng đơn đặt hàng linh kiện đang bị cắt giảm và các nhà cung cấp bắt đầu lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường.

Theo báo cáo của Canalys, số lượng điện thoại thông minh bán ra trên toàn cầu đã giảm 9% so với cùng kỳ, xuống còn 287 triệu chiếc trong quý 2. Số lượng điện thoại thông minh toàn cầu được bán ra trong quý 2 là con số hàng quý thấp nhất kể từ quý 2/2020, khi đại dịch bắt đầu xảy ra.

Dữ liệu báo cáo cho thấy, Samsung dẫn đầu thị trường với 61,8 triệu điện thoại thông minh được xuất xưởng và chiếm 21% thị phần. Mặc dù tăng trưởng 6% hàng năm, doanh số bán hàng của Samsung đã giảm 16% so với quý trước do nhà cung cấp phải vật lộn với số lượng sản phẩm tồn kho không nhỏ, đặc biệt là ở phân khúc tầm trung

Apple giữ vị trí thứ hai, xuất xưởng 49,5 triệu chiếc iPhone, chiếm 17% thị phần. Lý do là bởi nhu cầu iPhone 13 vẫn đang được duy trì ở mức ổn định tại khu vực Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Xiaomi đứng ở vị trí thứ ba với 39,6 triệu chiếc, chiếm 14% thị phần. Trong khi OPPO và Vivo hoàn thành top 5 với lần lượt là 27,3 (10%) và 25,4 triệu chiếc (9%).

Nhà phân tích Runar Bjorhovde của Canalys Research cho biết: "Các nhà cung cấp buộc phải nghiên cứu lại chiến lược kinh doanh của họ trong quý 2 khi triển vọng thị trường điện thoại thông minh trở nên thận trọng hơn. Những khó khăn kinh tế, nhu cầu hạn chế và hàng tồn kho tích tụ đã dẫn đến việc các nhà cung cấp phải nhanh chóng đánh giá lại chiến lược danh mục đầu tư của họ trong thời gian còn lại của năm 2022."

Theo ông Runar, phân khúc tầm trung là phân khúc đòi hỏi các nhà cung cấp cần phải tập trung vào việc điều chỉnh các sản phẩm mới ra mắt, khi người tiêu dùng hạn chế về ngân sách chuyển đổi thiết bị. Còn phân khúc cao cấp đã được chứng minh là tương đối phục hồi trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

iPhone 13 là điện thoại bán chạy tại Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Theo nhà phân tích Toby Zhu, nhu cầu giảm mạnh đang gây ra lo ngại lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện thoại thông minh.

Trong khi nguồn cung linh kiện và áp lực chi phí đang giảm bớt, một số lo ngại vẫn tồn tại trong lĩnh vực logistics và sản xuất, chẳng hạn như việc thắt chặt luật nhập khẩu của một số thị trường mới nổi và thủ tục hải quan khiến các chuyến hàng bị trì hoãn.

Trong thời gian tới, các nhà cung cấp sẽ tìm cách đẩy nhanh việc bán hết hàng tồn kho bằng việc sử dụng các chương trình khuyến mãi và ưu đãi trước các đợt ra mắt sản phẩm mới trong kỳ nghỉ lễ để giảm bớt áp lực thanh khoản. Nhưng trái ngược với nhu cầu bị dồn nén của năm ngoái, thu nhập khả dụng của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao trong năm nay.

Theo dự đoán, trong ngắn hạn, căng thẳng sẽ ngày càng gia tăng trong toàn bộ chuỗi cung ứng điện thoại thông minh vì nhu cầu người dùng yếu có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài.

"Thị trường đang trải qua các điều kiện kinh doanh đặc biệt khó khăn. Các nhà cung cấp nên cải thiện tính minh bạch khi làm việc với các nhà cung cấp linh kiện và đối tác kênh trong những quý tiếp theo", Zhu nói.

Chia sẻ Facebook