Nhóm cổ phiếu nào bật tăng mạnh nhất sau mỗi đợt downtrend lớn trong 10 năm gần đây?
Theo thống kê những nhịp giảm mạnh trong 10 năm trở lại đây, ABS cho rằng có một số nhóm ngành có sự hồi phục và tăng trưởng nhanh nhất, phù hợp với đầu tư dài hạn.
Kể từ tháng 4/2022, thị trường chứng khoán gặp nhiều sóng gió khi ghi nhận nhiều phiên điều chỉnh mạnh. Hiện, giá các nhóm cổ phiếu hiện tại đã chiết khấu sâu so với đỉnh trong đó ngành tài chính và ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất lần lượt là -31% và -26%.
Nhóm cổ phiếu nào thường hồi phục tốt nhất sau mỗi nhịp giảm mạnh?
Theo thống kê của Chứng khoán An Bình (ABS), trong những nhịp giảm mạnh trong 10 năm vừa qua, mức độ giảm từ đỉnh xuống đáy khoảng 20-25%. Hiện tại, sau 3 nhịp giảm đầu tiên và giai đoạn tích luỹ đáy, VN-Index ghi nhận mức giảm khoảng 26%. Mức độ chiết khấu sâu của thị trường chỉ sau giai đoạn Covid trong 10 năm nay, P/E đang tiến tới vùng định giá hấp dẫn 10-11x.
Thứ nhất, ngành dầu khí (có nhịp tăng trong cả 4 giai đoạn với mức chốt lời thấp nhất 21,14% sau 1 tháng kể từ ngày tạo đáy năm 2018 và lớn nhất là 106,77% sau 1 năm trong giai đoạn 2022).
Thứ hai, ngành tiện ích cộng đồng bao gồm điện, nước (có mức tăng thấp nhất 31,71% và cao nhất lên tới 105,97%).
Thứ ba, các nhóm ngành khác như công nghệ thông tin, nhóm nguyên vật liệu, nhóm ngành tài chính, ngân hàng có mức tăng cao hơn VN-Index cũng có thể là cơ hội đầu tư trong nhịp chỉnh khi định giá về mức hấp dẫn.
Nhà đầu tư cần đưa ra chiến lược phù hợp
Dự báo diễn biến tiếp theo, ABS cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục giao dịch trong xu hướng giảm theo xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Do đó, trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng 1.050 -1.080 trước bối cảnh vĩ mô nhiều rủi ro và dòng tiền bị rút ra để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn hơn.
Nhìn về triển vọng cuối năm nay, ABS kỳ vọng trong dài hạn VN-Index vẫn sẽ hồi phục và quay lại vùng 1.200 – 1.300 nhờ một số yếu tố hỗ trợ.
Hỗ trợ tới từ các yếu tố vĩ mô khi kinh tế Việt Nam trong năm 2022 dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng tốt theo kế hoạch GDP ở mức 7,5% - 8% cuối năm 2022.
Thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn khi VN-Index đã giảm 26% từ vùng đỉnh và mức định giá P/E của toàn thị trường hiện ở mức 12x.
Kết quả kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các cổ phiếu có yếu tố tài chính tốt nhưng đang bị giảm theo áp lực của thị trường.
Về chiến lược hành động, ABS cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời chưa nên giải ngân khi thị trường vẫn đang trong trạng thái rung lắc . Đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc đang sử dụng margin cần tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng.
Đối với nhóm nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, thích giao dịch ngắn hạn có thể chú ý đến 3 nhóm ngành (1) ngành dầu khí khá nhạy sóng và có mức độ hồi phục cao hơn VN-Index trong 4 nhịp giảm gần đây, hưởng lợi thông tin giá dầu (2) ngành đạm hưởng lợi từ xu hướng tăng giá ure và căng thẳng địa chính trị, tỷ trọng tiền mặt ròng/tổng tài sản cao (3) ngành bán lẻ với KQKD quý 3 bùng nổ từ nền thấp năm 2021 và giai đoạn mua sắm cuối năm, ra mắt iphone,…
Đối với những nhà đầu tư giá trị cần bình tĩnh quan sát thị trường và có thể giải ngân sau khi thị trường đạt trạng thái cân bằng và tích luỹ ở vùng đáy. Đối với nhà đầu tư có rủi ro cao, ưa thích giao dịch ngắn hạn, có thể tận dụng nhịp hồi để tham gia giao dịch với tỷ trọng nhỏ .