Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ cuối: Đánh thức tiềm năng sông Soài Rạp
Sau khi Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã phát triển ổn định, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bắt đầu triển khai cụm dự án Hiệp Phước từ năm 1994 để tiếp tục thực hiện định hướng TP.HCM tiến ra Biển Đông.
Hai chương trình lớn của dự án này gồm nạo vét sông Soài Rạp và xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Phước được triển khai song song. Trong đó, việc nạo vét sông Soài Rạp là tiền đề cực kỳ quan trọng để khơi dòng phát triển thành phố về hướng Nam, tạo nền móng cho Khu công nghiệp và khu đô thị cảng Hiệp Phước phát triển.
Từ nhà máy điện
Từ những năm 1990 của thế kỷ 20, mức tăng trưởng cao về kinh tế - xã hội của TP.HCM đã đặt ra vấn đề chiến lược là thành phố muốn phát triển vững mạnh thì phải tăng công suất cảng và di chuyển hệ thống cảng hiện hữu ra khỏi khu vực trung tâm. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng từ con sông Soài Rạp có thể phát triển cụm cảng biển cho công suất lớn thay cho cụm cảng TP.HCM.
Năm 1994, IPC được giao nhiệm vụ nghiên cứu, kiểm tra, thực hiện dự án Hiệp Phước, trọng tâm từ sông Soài Rạp vào Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Sông Soài Rạp là phân lưu lớn nhất của hệ thống sông Đồng Nai, nơi hẹp nhất cũng rộng đến 660m (sâu 28m), nơi rộng nhất đến 2.000 - 3.000m (độ sâu chỉ 6 - 7m). Lòng sông có những khúc cạn nên trước nay không được sử dụng như một luồng tàu chính của thành phố ra Biển Đông.
Nếu được nạo vét lấy cát dưới lòng sông, đưa độ sâu lòng sông xuống đến 13m thì vừa tạo ra một luồng tàu cho tàu viễn dương có trọng tải lớn vào cảng Hiệp Phước, vừa có một lượng cát tại chỗ cung cấp cho việc san lấp mặt bằng cho Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Ngoài ra, dọc theo bờ sông, còn có thể xây dựng những khu công nghiệp gắn liền với kinh tế biển như sửa chữa tàu biển, đóng tàu, kho trung chuyển khu vực Đông Nam Á...
Năm 1995, IPC và Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi (thuộc Bộ Nông nghiệp) đã hoàn thành đề án nghiên cứu khả thi mở luồng tàu qua cửa sông Soài Rạp vào KCX Tân Thuận và đã kiến nghị chính quyền Trung ương và thành phố tiến hành nạo vét để mở tuyến đường thủy mới ra vào TP.HCM.
Việc nạo vét cải tạo sông Soài Rạp nếu thành công sẽ đem lại một luồng tàu an toàn, ổn định, hạn chế các tai nạn hàng hải, là lợi ích bao trùm lên các lợi ích khác.
Luồng tàu này sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế quốc dân, nhưng trước hết là tiết kiệm chênh lệch giá cước vận tải khi sử dụng tàu có trọng tải lớn, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho luồng vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long trực tiếp đi vào TP.HCM thông qua cảng Thị Vải - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, còn có lợi ích kinh tế lớn do sử dụng đất nạo vét được san lấp mặt bằng cho các công trình, tăng nhanh thu phí hàng hải do tăng khối lượng hàng hóa đi qua cụm cảng TP.HCM.
Nhà máy điện Hiệp Phước manh nha ý tưởng từ rất sớm. Từ những ngày KCX Tân Thuận mới khởi công năm 1991, chúng tôi đã đề nghị với đối tác CT&D về một nhà máy cung ứng điện cho KCX. Ông Lawrence S. Ting đồng ý với đề xuất của chúng tôi, nhưng ông băn khoăn là một mình KCX Tân Thuận thì rất khó tiêu thụ hết 30% công suất nhà máy điện.
Vì vậy, chúng tôi lại bắt đầu lên ý tưởng về cụm khu công nghiệp - khu đô thị cảng ở Hiệp Phước. Nghe về dự án này, đối tác CT&D đồng ý ngay.
Thế là, Nhà máy điện Hiệp Phước 100% vốn đầu tư nước ngoài được nghiên cứu và trình duyệt.
Năm 1993, dự án điện Hiệp Phước bắt đầu khởi công, bao gồm một nhà máy nhiệt điện đốt bằng dầu, một nhà máy điện diesel và đường dây truyền tải phân phối điện tiêu thụ trên địa bàn xã Hiệp Phước.
Nhà máy điện có công suất 675 MW đã được xây dựng (giai đoạn 1 là 350 MW) nhằm cung cấp điện năng cho KCX Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước và cả vùng phía Nam thành phố.
Nhà máy điện này hiện đã chuyển giao có bồi hoàn cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý và kinh doanh, hiện đang hoạt động vừa cung cấp điện cho KCX Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp cảng Hiệp Phước và vùng lân cận, vừa cung cấp vào điện lưới quốc gia.
Đến cụm dự án liên hoàn Hiệp Phước
Khu công nghiệp Hiệp Phước gắn với cụm cảng nước sâu Soài Rạp như hình với bóng. Chính vì vậy, IPC định hướng phát triển Khu công nghiệp Hiệp Phước thành một ngành công nghiệp cơ bản, phải có giải pháp xử lý môi trường cho các ngành cần sử dụng đất, cần bến cảng cho tàu có trọng tải lớn cập bến.
Cụm cảng Hiệp Phước cũng là đầu mối phát triển giao thông thủy, bộ không chỉ cho khu vực phía Nam mà mở rộng tiến ra Biển Đông, lan tỏa đến Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) và Gò Công (Tiền Giang), đến các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.
Từ Hiệp Phước ra cửa sông Soài Rạp chỉ khoảng vài chục cây số, nên từ Hiệp Phước đi về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất thuận tiện. Hiệp Phước lại có đủ các yêu cầu của nhà đầu tư: có bến cảng, nguồn điện, có điều kiện giao thông với hệ thống trong nước và nước ngoài.
Trong trường hợp Soài Rạp không hoàn thành thì Hiệp Phước vẫn hoạt động hiệu quả. Còn nếu sông Soài Rạp hoạt động tốt thì kết hợp với cụm dự án Hiệp Phước sẽ là một cửa ngõ quan trọng cho TP.HCM và cho cả nước.
Đô thị Hiệp Phước ra đời như một tiền đề của sự phát triển khu đô thị cảng. Đi theo khu công nghiệp là cụm cảng trên sông Soài Rạp.
Chúng tôi dự kiến xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước trên tổng diện tích 3.800ha, phát triển khu đô thị liên kết hài hòa giữa các khu dân cư với các phân khu chức năng cảng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nên sự phát triển lan tỏa ra các vùng Cần Giuộc, hướng ra Biển Đông.
Khu đô thị Hiệp Phước cũng sẽ là đầu mối hàng đầu trong giao thông thủy, bộ và giao lưu kinh tế quốc tế, vận chuyển hàng hóa cho TP.HCM và các địa phương Nam Bộ, Nam Tây Nguyên và một phần duyên hải miền Trung.
Khu công nghiệp Hiệp Phước rộng 2.000ha thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, bên cạnh sông Soài Rạp, phía Tây giáp tỉnh Long An. Từ trung tâm thành phố theo hương lộ 34 (nay là đường Nguyễn Hữu Thọ) xuống tới đây khoảng 16km, xuôi dòng sông Soài Rạp ra bờ Biển Đông khoảng 20km.
Theo dự án, nơi đây sẽ xây dựng một khu công nghiệp cơ bản với các ngành cần sử dụng mặt bằng rộng, cần bến cảng cho tàu có trọng tải lớn cập bến...
Cụm cảng Hiệp Phước từng giữ kỷ lục là nơi đã đón tàu container lớn nhất cập cảng ở TP.HCM vào ngày 22-6-2016. Tàu Dignity có tải trọng 54.255 DWT với sức chở lên đến 4.400 TEU của Hãng tàu ZIM đã cập cảng Tân Cảng - Hiệp Phước.
Sự kiện này là một mốc son đầy ý nghĩa với hoạt động của cảng Hiệp Phước nói riêng cũng như cụm cảng Hiệp Phước nói chung về mặt khai thác cảng lẫn chiến lược mở rộng hệ thống cảng tại khu vực cửa ngõ, nhằm tăng cường sự kết nối giao thương giữa các thị trường trọng điểm trong khu vực với nhau và vươn ra thế giới.
Và một lần nữa, hệ thống cảng TP.HCM được khẳng định vai trò trung tâm, là đầu mối xuất nhập khẩu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiệp Phước hiện nay vẫn trên đường tiến ra Biển Đông. Dự án Nhà máy điện Hiệp Phước đã thành công. Dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước mới hoàn thành giai đoạn 1, lấp đầy 332ha, vẫn còn 1.600ha đang náo nức bước vào thời kỳ phục hồi.
Cụm cảng nước sâu Soài Rạp chỉ mới khởi động những bước đi ban đầu. Khu đô thị cảng Hiệp Phước đang trong giai đoạn thiết kế tạo dáng trong tư duy đang chờ được thực hiện. Dù chưa hoàn thành, nhưng cụm dự án Hiệp Phước có chung mục tiêu là cùng đưa TP.HCM tiến ra Biển Đông như một tất yếu khách quan.
Đây là cụm dự án liên hoàn, đồng bộ có quy mô lớn nhất của TP.HCM từ khu công nghiệp đến cụm cảng nước sâu và cả Nhà máy điện Hiệp Phước. Dự án này bắt nguồn từ dự án kia và ngược lại. Tính liên hoàn này chính là mối liên kết liên ngành trên một vùng đất có lợi thế nhiều mặt về đầu tư.
Cụm dự án Hiệp Phước làm rõ hơn nội dung định hướng tiến ra Biển Đông của TP.HCM. Dự án hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ làm thay đổi cơ bản bộ mặt phát triển của thành phố.
* Loạt bài này được trích đăng từ hồi ký của ông Phan Chánh Dưỡng "Ký ức theo dòng đời" do NXB Đà Nẵng và Phanbook thực hiện. Sách sẽ phát hành trong tháng 6-2022.
Từ vùng đất nhiều đối tác nước ngoài đến thăm rồi lắc đầu từ chối, một vùng đất Nhà Bè hoang vu đã chuyển biến thành đô thị thịnh vượng Phú Mỹ Hưng như thế nào?