Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 5: Dọn bãi lầy bờ sông để hút đôla
Năm 1988, Luật thu hút đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành, lãnh đạo TP.HCM chỉ thị các công ty và sở ngành đề xuất các đề án thu hút đầu tư nước ngoài.
Công ty Cholimex với sự nghiên cứu đề xuất của nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề (nhóm Thứ Sáu), xin thành phố xây dựng khu chế xuất.
Cát Lái, Tân Cảng hay Tân Thuận?
Trong nhóm có anh Võ Hùng từng tham gia xây dựng khu kỹ nghệ Biên Hòa và anh Lê Văn Bỉnh từng tham gia quản lý khu chế xuất nước ngoài trong hai năm. Qua phân tích, anh em chọn mô hình Khu chế xuất Cao Hùng (Đài Loan) là phù hợp.
Hơn nữa, tình hình quản lý kinh tế nước ta lúc bấy giờ đang còn bao cấp cho doanh nghiệp nhà nước, nếu chọn mô hình khu công nghiệp thì nguyên liệu cũng như sản phẩm của khu công nghiệp đều có thể mua và bán tại thị trường Việt Nam, như vậy sẽ cạnh tranh trực tiếp với các xí nghiệp quốc doanh.
Nếu đề xuất xây dựng khu công nghiệp, ít có khả năng được lãnh đạo thông qua, vì sẽ khiến quốc doanh phá sản do năng suất kém hơn. Thế nên, mô hình khu chế xuất là tối ưu trong điều kiện nhận thức như vậy.
Đối với khu chế xuất, nhà đầu tư đến Việt Nam chỉ thuê đất, thuê nhà xưởng, thuê lao động..., nguyên liệu nhập từ nước ngoài và khi tạo ra sản phẩm hàng hóa chỉ được bán ra nước ngoài. Như vậy sẽ không tạo áp lực cạnh tranh đối với nền công nghiệp trong nước. Sau đó đề án được Hội đồng Bộ trưởng cho phép làm thí điểm.
Đồng thời chúng tôi đề nghị chọn khu vực gần Tân Cảng (thuộc quận Bình Thạnh), nếu lấy cả khu Tân Cảng khoảng 55ha và phía Văn Thánh khoảng 22ha thì đã lớn hơn Khu chế xuất Cao Hùng, như vậy đầu tư vốn sẽ ít và có thể thu hút xí nghiệp nước ngoài ngay.
Một nơi khác có thể chọn là gần cảng Sài Gòn, xã Tân Thuận Đông thuộc huyện Nhà Bè. Nơi đây dân cư thưa thớt, có diện tích rộng khoảng 300ha, khá thích hợp cho việc xây dựng khu chế xuất vì gần cảng và có nguồn lao động dồi dào.
Tuy nhiên, các sở ngành lại chọn địa điểm Cát Lái vì theo tài liệu lưu lại của Mỹ, phương án thời hậu chiến (sau hiệp định Paris), Thủ Thiêm sẽ xây dựng thành khu đô thị hành chính. Như vậy nếu chọn Cát Lái làm khu chế xuất, ta có thể mượn thế nước ngoài xây dựng hạ tầng cho vùng Thủ Thiêm sau này.
Trong khi đó, quan điểm của tôi là phải chọn những nơi tiện lợi nhất (gần cảng, gần nguồn lao động, chi phí đầu tư ít) để có thể thu hút đầu tư. Nếu không thu hút được nhà đầu tư thì mọi tính toán nhằm đem lại lợi ích của ta đều không hiện thực.
Nhưng lúc bấy giờ ý kiến Cát Lái được chọn và lấy tên là Khu chế xuất Sài Gòn gọi tắt là "Sepzone". Ban lãnh đạo thành phố đã chọn ra một bộ máy nhân sự, đứng đầu là một giáo sư học ở Nhật về làm giám đốc Sepzone, nhưng không bao lâu thì lại thay đổi người khác và tiếp tục lại đổi...
Rõ ràng là yếu tố vị trí hết sức quan trọng (thiên thời, địa lợi, nhân hòa), nếu chọn sai vị trí đề án xem như thiếu yếu tố địa lợi, xác suất thất bại đã xuất hiện ngay từ đầu!
Đến cuối năm 1989, để thực hiện đề án khu chế xuất, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chấp thuận địa điểm xã Tân Thuận Đông, Nhà Bè. Tôi được đề cử là người thực hiện một khu chế xuất mới, nhưng với tên gọi là Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận (gọi khu công nghiệp xuất khẩu để không trùng với khu chế xuất đã có).
Để thực hiện chương trình, tôi rất muốn lấy Công ty Cholimex làm đơn vị thực hiện đề án khu chế xuất nhưng không được chấp thuận.
Bảy người khởi đầu làm việc không lương
Tôi rời khỏi chức vụ giám đốc Cholimex năm 1989 và xin UBND TP.HCM thành lập một pháp nhân với tên gọi là Chương trình xây dựng khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận (Chúng tôi không được dùng tên gọi khu chế xuất, vì thành phố đã có Khu chế xuất Sepzone rồi).
Đây là tiền thân của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) hiện nay. Tuy quyết định của UBND TP.HCM có ghi vốn hoạt động do Sở Tài chính cấp nhưng sở đã không cấp vì nguồn vốn đã cấp cho Sepzone! Chúng tôi phải tự xoay xở lấy.
Lúc bấy giờ nước ta còn bị chính sách cấm vận của Mỹ, nhưng một số doanh nhân nước ngoài từ Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc... cũng đã bắt đầu vào thăm dò cơ hội làm ăn với TP.HCM. Để thực hiện chương trình, tôi cần một tổ chức có đủ nhiệm vụ chức năng quan hệ với nước ngoài, vừa giới thiệu đề án Khu chế xuất Tân Thuận vừa tìm nguồn vốn đầu tư.
Tôi xin thành phố cho thành lập Hiệp hội Xuất nhập khẩu và đầu tư - Hiệp hội Infotra, anh Phạm Chánh Trực (phó chủ tịch UBND TP.HCM) làm chủ tịch HĐQT hiệp hội; anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp (chủ tịch UBND thành phố) và anh Võ Trần Chí (bí thư Thành ủy) làm cố vấn hiệp hội.
Với chức năng là tổng thư ký hiệp hội, tôi có thể đi nước ngoài để tìm hiểu thị trường, được tổ chức tiếp đoàn khách nước ngoài đến TP.HCM và được tổ chức đưa các doanh nghiệp Việt Nam đi tham quan hay đưa hàng đi triển lãm nước ngoài...
Đây là một công việc rất mới lúc bấy giờ. Từ đó chúng tôi cũng có nguồn thu nhập riêng cho việc chuẩn bị xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận.
Về nhân sự của chương trình xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, vì không có nguồn vốn nên chỉ một quyết định, một con dấu và tôi là giám đốc. Dù chưa có bộ máy nhưng tôi được các anh em trong nhóm Thứ Sáu và một vài nhân viên hành chính đang còn làm việc trong Cholimex giúp đỡ làm công việc hành chính văn thư.
Cho đến khi thông qua Hiệp hội Infotra tìm được đối tác đầu tiên là Công ty PanViet (Đài Loan) ký hợp đồng nguyên tắc về đầu tư xây dựng Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận và tiếp theo là có sự tham gia của Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D) thì việc xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận mới thật sự bắt đầu tiến hành.
Và khi các anh em chuyên viên nhóm Thứ Sáu và hai nhân viên hành chính có biên chế tại Cholimex (gồm các anh Phan Thành Chánh, Đỗ Hải Minh, Lê Đình Khanh, Trương Quang Sáng và tôi, cùng các cô Phạm Xuân Yến, Trần Mỹ Xuân) chuyển qua, thì bộ máy của chương trình xây dựng Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận mới có một tổ chức nhân sự đơn giản, tất cả bảy người và không ai có lương.
Năm 1992, Khu chế xuất Tân Thuận đã khởi công xây dựng, chương trình này cũng chính thức có một tên mới phù hợp với pháp lý cũng như nhiệm vụ chức năng của Nhà nước giao; đó là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Trong thời gian này, Công ty IPC với nhóm chuyên viên nòng cốt đã nghiên cứu và tổ chức thực hiện thêm các đề án phát triển kinh tế tiếp theo như tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh), đề án Đô thị mới Nam Sài Gòn, xây dựng Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, rồi Khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước...
Các đề án đều trên cơ sở ý tưởng phát triển TP.HCM tiến ra Biển Đông.
Ba tháng xin chữ ký ở Hà Nội
Ba tháng trời, tôi "ăn dầm nằm dề" ở Hà Nội để chờ đề án xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận có đủ chữ ký của tám bộ ngành. Đến khi có đủ giấy phép, tôi bắt đầu công trình chỉ với một khu đất hoang vu, ngập nước, trong tay hoàn toàn không có vốn và cũng không có nguồn nhân lực nào.
Một dự án chưa từng có tiền lệ như Khu chế xuất Tân Thuận, thì không phải bộ, ngành nào cũng đủ tin tưởng (và dám chịu trách nhiệm) để cấp phép. Trong túi không có nhiều tiền, tôi vẫn lang thang ở Hà Nội để quyết tâm xin cho đủ chữ ký mình cần. Tôi chỉ có đủ tiền thuê một chiếc giường để nghỉ qua đêm, tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt.
Cứ sáng sáng, tôi lại đến ngồi chờ ở Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư nước ngoài (SCCI); chiều chiều thì về ngồi đợi ở Văn phòng Thủ tướng, đều đặn mỗi ngày như vậy trong gần ba tháng ròng rã.
Cũng vì khu chế xuất là mô hình mới, nên tôi nhận được những phản biện hết sức cảm tính, dè dặt rồi cũng được thông qua.
"Tôi vừa mới đi tham quan thành phố Thâm Quyến bên Trung Quốc về. Người ta đã làm từ lâu, anh phải làm ngay đi".
Kỳ tới: Ước mơ "Thâm Quyến Việt Nam"
Đến năm 1988, hàng xuất khẩu của Cholimex phát triển đa dạng hơn trước. Ngoài nông sản, thủy hải sản, lâm sản, dược liệu còn có thêm hàng may mặc xuất khẩu qua châu Âu và Canada.