Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 2: Bài học kinh doanh thời khó
Ngày hôm sau, chúng tôi đến thị trấn Năm Căn làm việc với công ty thương nghiệp huyện. Công ty có 8 tấn tôm khô cần bán, đổi lại họ cần xăng dầu, vải, lưới cá, bột ngọt, ống nước máy bơm, máy nổ hiệu Kohler và một vài mặt hàng tiêu dùng khác.
Lời mỏng để bán được nhiều
Anh chủ nhiệm tỏ ra khá thành thạo việc mua bán (sau này chúng tôi mới biết anh gốc Hoa, vừa là chủ tiệm vừa hoạt động cho cách mạng). Tôi sốt ruột thấy anh Lưu X. chuyện gì cũng hứa, khách hàng xin mua gì ông cũng nói có. Giá cả thì món nào có thì anh cho giá luôn, món nào không thì ông nói kiểu "nước đôi" là "sẽ xác nhận lại sau". Một cán bộ khác hỏi xin mua hai cái áo len, một cho người lớn, một cho trẻ em 10 tuổi, anh Lưu X. cũng trả lời là có luôn.
Tối lại, tôi hỏi anh Lưu X.: "Có nhiều mặt hàng ta đâu có mà tại sao anh đều nói có vậy?". "Ô! Ông thầy giáo ơi, đi buôn mà người ta hỏi mua cái gì ông cũng không có thì làm ăn gì nữa?". "Nhưng mình thật không có mà sao anh dám nói có, còn đòi người ta đặt cọc?".
Anh Lưu X. nói ngay: "Nhận cọc cho chắc. Ta về thành phố thì sẽ đi tìm mua hàng đó bán lại cho họ. Nếu tìm không có thì trả lại tiền cọc, nhưng phải tìm cho được. Khi bán lại chỉ tính giá vốn, như thế là ta giữ được khách hàng. Chúng ta chỉ nên lời những mặt hàng nào ta đang có là đủ".
Ông tiếp tục dạy tôi thêm: "Anh biết 3 lần 7 cũng bằng 7 lần 3. Nếu bán 3 khách hàng để lời được 21 đồng (lời đậm) so với bán được 7 khách hàng để lời 21 đồng (lời mỏng), thì nên chọn cách sau (vì ta vẫn được 21 đồng nhưng ta có 7 khách hàng trong tay hơn cách trước là chỉ có 3 khách hàng). Khi có 7 khách hàng, ta tăng lên 8, lên 9 rất dễ. Còn từ 3 khách hàng mà muốn lên 4 rất khó, thậm chí có thể tuột xuống 2 một khi người ta phát hiện có nơi khác bán rẻ hơn.
Bí quyết của mua bán là phải mở rộng thị trường, tăng trưởng số lượng khách hàng thì sự nghiệp kinh doanh mới phát triển bền vững. Người Hoa gọi là "bạc lợi đa tiêu, hóa như luân chuyển" nghĩa là lời mỏng để bán được nhiều, hàng hóa ra vào quay vòng nhanh như bánh xe quay! Biết không ông thầy giáo! Còn nữa, cái ông cán bộ ngồi ngoài bìa đòi đối lưu hai cái áo len đó.
Anh không hiểu hả, ổng muốn xin hai chiếc áo lạnh loại tốt cho vợ và con ổng đấy. Nhớ về kiếm cho được. Nếu không có áo len thì loại khác mà tốt cũng được. Đây cơ hội thuận lợi cho chuyến gặp gỡ kỳ sau đấy".
Thú thật gia đình tôi cũng từng có tiệm tạp hóa buôn bán ở đầu xóm phố, tôi cũng đã có ba năm trong nghề trước khi chạy giặc lên Sài Gòn. Nhưng bí quyết này thật sự tôi chưa biết. Đây quả là phương châm của người kinh doanh bán buôn lớn. Chiếm lĩnh thị trường là mục tiêu hàng đầu. Vì đây là động lực cũng là không gian sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp. Khi đã có thị trường ổn định thì nguồn lợi tự nhiên sinh ra. Đây là bài học đầu tiên, bài học vỡ lòng để tôi từ người buôn bán nhỏ đầu xóm phố bước vào nghề kinh doanh thật sự. Chuyến đi đó của chúng tôi mua được mấy tấn tôm khô.
Khi trở về thị xã Cà Mau, bạn anh Ba Vũ tìm mua được cho chúng tôi khoảng 30kg bong bóng cá đường và khoảng 20kg vi cá loại rất tốt. Điều thành công ngoài kế hoạch là với tài năng của anh Trương C.V., anh làm quen được với bà Bảy - một mối lái thu gom tôm khô trực tiếp từ người đóng đáy (gia đình bà cũng có trại đáy và có chế biến tôm khô). Bà hứa là nếu giá mua cao hơn đôi chút so với của địa phương, bà sẽ giao hàng tại Sài Gòn lấy tiền mặt mà không cần hàng đối lưu nào cả. Điều này đã tạo ra một nguồn hàng quan trọng cho chúng tôi sau này.
Đường từ Cà Mau về Bạc Liêu rất xấu nên đi xe như cưỡi ngựa chứng. Dọc đường còn phải qua nhiều trạm kiểm tra hàng hóa nên chúng tôi đến Sóc Trăng là đã mệt nhoài. Anh Trương C.V. đề nghị ngủ đêm tại Sóc Trăng để sáng hôm sau về, luôn tiện thăm lại bạn bè ở đây xem nguồn hàng như thế nào. Cả bọn đồng ý ngay.
Sáng hôm sau, 7 giờ khởi hành nhưng đến 11 giờ mới đến phà Mỹ Thuận, nơi đây bị kẹt phà, xe nối đuôi nhau thành hai, ba lớp. Trong khi chờ phà anh em lại trò chuyện tào lao với nhau. Anh Trương C.V. nhảy xuống xe xem tình hình, một hồi lâu anh xách một giỏ nào bắp, nào xôi, mấy xâu chim sẻ rôti cùng mấy bịch trà đá để anh em ăn cho đỡ đói. Chuyến đi buôn tạo nguồn hàng xuất khẩu thành công khơi dậy cuộc kinh doanh đường dài trước đây. Và tôi cũng học được một bài học quý giá.
Từng bước thoát "vòng kim cô"
Cuối năm 1980, hợp đồng trao đổi hàng trong chuyến đi Cà Mau khá thuận lợi. Tám tấn tôm khô đã giao đủ. Các mặt hàng trên sau khi gia công tái chế, đóng gói lại đủ chuẩn xuất khẩu trong chuyến trao đổi hàng với khách hàng Hong Kong sau đó.
Sau hai đợt cải tạo công thương nghiệp, mạng lưới nền kinh tế thị trường tại miền Nam tan rã, hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh thành phải thông qua hệ thống thương nghiệp nhà nước thực hiện, nhưng hệ thống này lại không thể đảm đương nổi. Do đó, xã hội tự hình thành loại thương lái nhỏ để đưa sản phẩm sản xuất của
nông thôn cung ứng cho thành thị. Và ngược lại, tiểu thương đưa hàng công nghiệp của thành phố về nông thôn. Để chống lại tư thương hoạt động ngoài hệ thống quốc doanh, Nhà nước đã đề ra một loạt biện pháp như lập trạm kiểm soát hàng hóa cũng như việc đi lại của người dân giữa các tỉnh thành, quản lý giá cả hàng hóa, ngăn sông cấm chợ…
Những chuyến đi buôn hàng đổi hàng trong nước cũng như trao đổi hàng với nước ngoài đạt hiệu quả về kinh doanh khá tốt. Riêng tôi nhận thức thêm được việc quản lý trong mỗi khâu kinh doanh mới là yếu tố tạo nên hiệu quả lớn lao. Nhưng lớn nhất là lãnh đạo thành phố đã nhận ra phương hướng, biện pháp vực dậy nền sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, qua đó tạo ra mối liên kết giữa các xí nghiệp công nghiệp trung ương đóng trên địa bàn với thành phố, cũng như giữa thành phố với các tỉnh có nguồn hàng xuất khẩu, mối liên kết tam giác này được hình thành qua phương thức gia công sản xuất, phương thức kinh doanh hàng đổi hàng với các tỉnh bạn, từ đó từng bước thoát ra khỏi "vòng kim cô" của cơ chế quản lý giá, quản lý lưu thông tiền mặt và cả mạng lưới ngăn sông cấm chợ được tổ chức dày đặc ở các cấp địa phương...
Yêu đất nước Việt Nam
Tôi bắt đầu chơi thân với anh Phan Chánh Dưỡng có lẽ từ năm 1993 khi cùng tham gia Tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chánh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhưng phải gần 10 năm sau, tình cờ trong một câu chuyện giữa một số bạn bè tôi mới biết anh là người Việt gốc Hoa, nhưng rồi cũng quên ngay chuyện này, bởi vì anh Dưỡng rất Việt Nam, là người Việt Nam thuần túy. Dĩ nhiên tôi biết anh rành truyện Tàu, am hiểu lịch sử, văn học Trung Quốc. Nhưng văn hóa, lịch sử Việt Nam dường như cũng đã trở thành một phần máu thịt của anh. Anh yêu đất nước Việt Nam. Tôi cũng vừa biết thêm một chi tiết là vào năm 1983, giữa lúc Việt Nam đang trong khủng hoảng kinh tế và gặp muôn vàn khó khăn khác, một người thân đã bảo đảm để gia đình anh đi định cư ở Mỹ nhưng anh quyết định ở lại, quyết gắn bó với quê hương mà anh sinh ra và lớn lên. Và đóng góp của anh sau đó vào việc phát triển TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thật là to lớn.
Giáo sư Trần Văn Thọ
Chúng tôi nhận được giấy mời của văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và được biết rằng Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đề nghị chúng tôi ra Hà Nội trực tiếp trình bày đề án…
Kỳ tới: Khởi đầu của Khu chế xuất Tân Thuận
Đầu năm 1980, tình trạng kinh tế chung của nước ta rất bi đát. Nguyên liệu vật tư, phụ tùng thay thế cho máy móc, thiết bị công nghiệp của thành phố đã cạn kiệt...