Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 1: Đi buôn thời bao cấp
Đầu năm 1980, tình trạng kinh tế chung của nước ta rất bi đát. Nguyên liệu vật tư, phụ tùng thay thế cho máy móc, thiết bị công nghiệp của thành phố đã cạn kiệt...
LTS: Ngày nay, qua Nam Sài Gòn, ghé Khu chế xuất Tân Thuận rồi về Phú Mỹ Hưng, Hiệp Phước, sức sống đô thị tràn đầy cùng khung cảnh sản xuất, giao thương năng động. Nhưng ít người biết để có được kết quả này là hành trình rất dài của những người dám "vượt rào".
Loạt bài này được trích đăng từ hồi ký "Theo dòng đời" của tác giả Phan Chánh Dưỡng do NXB Đà Nẵng và Phanbook xuất bản tháng 6-2022. Ông Phan Chánh Dưỡng chính là một trong những trụ cột của Nhóm thứ sáu quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế đã tâm huyết đóng góp ý kiến cho TP.HCM đổi mới, phát triển.
Cuối năm 1979, tôi được từ giã ngành giáo chuyển sang làm nhân viên Liên hiệp xã quận 5, TP.HCM. Vừa lúc đó anh Ba Hòa (Hồng Tôn Như), nguyên chủ tịch Mặt trận quận 5, cũng được chuyển qua làm phó chủ nhiệm Liên hiệp xã.
"Dòng chảy lịch sử đã cuốn lấy cuộc đời tôi như dòng sông Cửu Long đưa phù sa về bồi lên miền đồng bằng Nam Bộ. Tôi chỉ cố gắng thích nghi để tồn tại như cây bần, cây mắm ở mép nước Rạch Ruộng quê hương.
"Tư sản nhỏ"
Anh Ba Hòa là người được nhiều người kính trọng. Tôi từng làm việc dưới quyền lãnh đạo của anh qua các đợt công tác tại quận. Nhờ thế khi rời ngành giáo dục qua Liên hiệp xã công tác, tôi cũng không đến nỗi hụt hẫng lắm.
Đầu năm 1980, tình trạng kinh tế chung của nước ta rất bi đát. Nguyên liệu vật tư, phụ tùng thay thế cho máy móc, thiết bị công nghiệp của thành phố đã cạn kiệt. Lãnh đạo TP.HCM chỉ thị cho quận 5 tập hợp các nhà tư sản người Hoa để bàn bạc, tìm cách nối lại mối quan hệ với thị trường Hong Kong và Singapore. Và thông qua mối quan hệ kinh doanh xuất nhập khẩu trước năm 1975, ta có thể xuất khẩu nông sản phẩm và nhập lại nguyên liệu vật tư hàng hóa cung cấp cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố.
Thế là dưới sự lãnh đạo của anh Ba Hòa, tôi tham gia cùng một số anh em được gọi là "tư sản nhỏ" có chút kinh nghiệm buôn bán, tổ chức những chuyến đi buôn tìm nguồn hàng xuất khẩu, trong thời kỳ cả nước thực hiện chánh sách ngăn sông cấm chợ.
Những chuyến hàng đầu tiên chủ yếu là hải sản khô có giá trị cao như vi cá, bong bóng cá, mực khô, tôm khô..., tiếp theo là các loại hàng thuộc nhóm dược liệu quý như quế, kỳ nam hương, trầm hương, yến sào, sa nhân, ba kích... và sau đó mở rộng ra các mặt hàng nông sản như đậu các loại, mè, hạt tiêu, hạt điều... Số lượng hàng này được tập hợp về Liên hiệp xã thành phố, sau đó thống nhất đầu mối chở ra phao số "0" ngoài Biển Đông với sự hộ tống của công an và lực lượng biên phòng để trao đổi hàng với các tàu Hong Kong và Singapore đã hẹn trước.
Hàng nhập về chủ yếu là các loại nhựa PE, PP, các loại sợi tổng hợp, vật tư, phụ tùng giao thông như vỏ xe các loại, thiết bị máy móc nhỏ lẻ, các loại hóa chất cho công nghiệp, thuốc tây, hàng tiêu dùng như bột ngọt, vải, bột giặt...
Những chuyến hàng về sau danh mục càng dài ra, phần lớn được đặt hàng từ các xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất thuộc các quận hay từ các xí nghiệp sản xuất thuộc các bộ ngành Trung ương nằm trên địa bàn thành phố. Một số lượng vật tư, hàng tiêu dùng còn lại thì chuyển đến các tỉnh để trao đổi hàng nông sản, thủy hải sản... Nguồn hàng từ các tỉnh về thành phố chủ yếu để xuất khẩu nên phải gia công, phân loại và đóng gói bao bì theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu tại các tổ gia công. Sau đó tồn trữ chuẩn bị cho các chuyến trao đổi hàng tiếp theo. Đây là những chuyến đi buôn tập dượt "vượt rào" trước khi lập công ty.
Tôi nhớ một lần vào đầu năm 1980, nhóm đi mua hải sản khô gồm các thương gia (Lưu X., Quan Đ.T., Trương C. V., Trần T. và tôi) xuống tỉnh Minh Hải (Cà Mau), cùng đi trên chiếc xe Ford cũ kỹ do anh Ba Hòa mượn của mặt trận quận. Trên xe, mọi người nói cười trêu nhau cho đỡ mệt vì đường dài. Ba anh Lưu, Quan, Trương (họ của ba anh) luôn bị anh Trần T. trêu: "Ba anh làm lễ kết nghĩa vườn xoài đi. Nhà nước (anh Ba Hòa) đã "tam cố thảo lư", các anh đã có dịp lập nghiệp trở lại rồi đấy. Chỉ có điều anh Lưu nên đổi tên, chữ Lưu không nên đi với chữ X (chết bỏ xương trận mạc). Các anh sau này cũng không nên đi chung để "lộ tẩy" mánh làm ăn".
Anh Trương C.V. tuổi đã trên 50 nhưng rất phong độ. Anh là người có mối quan hệ làm ăn ở khắp các tỉnh thành miền Nam trước đây. Cứ mỗi lần đến một nơi là anh cũng tìm ra một người bạn hay một nhân viên từng cùng anh làm ăn trước đây để thăm dò tình hình thị trường ở địa phương. Chuyến này chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc và thị trấn Năm Căn để thu mua bong bóng cá và tôm khô.
Những điều trông thấy
Đến Cà Mau vào chiều tối sau gần 10 giờ trên xe, chúng tôi tìm một khách sạn trình giấy đi đường, tắm rửa xong tìm nơi ăn cơm. Anh Trương C.V. đề nghị đến chùa Bà (Bà Thiên Hậu) đốt cây nhang trước, sau đó đến ăn cơm ở tiệm ngay gần đó của một người bạn anh V..
Thế là 6 giờ chiều cả bọn cùng vào chùa đốt nhang. Thật vui vì ông Từ chủ chùa là bạn học của tôi. Qua ông Từ, tôi được biết nhiều gia đình sau đợt cải tạo đã vượt biên. Lúc này, vượt biên đã trở thành chuyện được bàn tán nhiều hơn cả chuyện làm ăn. Thật vậy, hệ thống chành, vựa, đầu mối thu mua nông hải sản bị cải tạo, thương lái không còn, nguồn hàng nhỏ lẻ trong dân không ai thu gom.
Hơn nữa các hệ thống bán buôn từ thành phố xuống tỉnh, thị xã, thị trấn gắn với vô số tiệm "chạp phô" đầu làng, thôn xóm không còn. Như vậy là chuỗi lưu thông hàng hóa hai chiều từ thành thị đến nông thôn và ngược lại đã bị chính sách cải tạo công thương nghiệp làm cho tan nát. Trong khi đó hệ thống thương mại quốc doanh và hợp tác xã mua bán được dựng lên bằng những con người không có nghiệp vụ (không biết mua bán, luôn ở tư thế làm quan, ban phát hay chăn dắt dân) không thể đảm đương được hệ thống cung cầu cho nền kinh tế.
Trong buổi cơm, anh V. hỏi thêm tình hình mua bán hải sản khô tại Cà Mau và thị trấn Sông Đốc. Sau đó anh nhờ người bạn thuê cho một chiếc ghe gắn máy để ngày mai chúng tôi tiện đi Sông Đốc và Năm Căn. Trước khi ra về, anh không quên giúi cho người bạn một cây thuốc lá và nhờ tìm xem trong đám vựa cá khô trước đây còn ai làm kinh doanh hay không. Thế là qua buổi cơm chúng tôi đã nắm bắt được nhiều thông tin và đồng thời giải quyết luôn phương tiện đi lại sau đó.
Hôm sau, vào khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc. Trước tiên chúng tôi đến chùa Bà, đốt cây nhang và tìm hiểu những người quen. Anh Trương C.V. tìm được hai người quen cũ vừa bán dụng cụ đánh bắt vừa thu mua cá khô trước năm 1975. Tôi gặp lại một bạn học là chủ một tiệm cơm đồng thời sở hữu hai tàu đánh cá. Qua anh em, tôi được biết hiện nay việc ra biển đánh bắt được quản lý nghiêm ngặt. Những người có lý lịch "không rõ ràng" khó lên tàu ra khơi. Bạn tôi vừa bán chiếc tàu đánh cá lớn cho những người tổ chức vượt biên.
Nếu chúng tôi mua hải sản khô tại đây thì giá khá rẻ nhưng không chở về được vì không có giấy phép của ủy ban huyện và quản lý thị trường của tỉnh, trừ khi mua trực tiếp từ Công ty thủy hải sản thuộc Sở Thủy hải sản của tỉnh quản lý, nhưng giá thì đắt hơn nhiều. Rất may là chúng tôi có giấy giới thiệu của quận 5, xin đến hợp đồng trao đổi hàng với Sở Thủy hải sản tỉnh Minh Hải.
"Ô! Ông thầy giáo ơi, đi buôn mà người ta hỏi mua cái gì ông cũng không có thì làm ăn gì nữa?".
Kỳ tới: Bài học kinh doanh thời khó
Thời bao cấp tưởng đã lui vào dĩ vãng, nhưng một cuộc trưng bày ở bảo tàng đã bất ngờ hồi sinh quá khứ và biến bao cấp trở thành một xu hướng, một lối sống ở Việt Nam suốt một thập niên qua.