Nhờ "sóng hạ tầng", giá bất động sản tại "điểm nóng" Gia Lâm vẫn tiếp tục tăng
Chuyên gia Savills đánh giá, là một trong năm huyện sắp lên quận, Gia Lâm sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung tương lai. Giá bán phân khúc căn hộ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Cơ sở hạ tầng thúc đẩy thị trường bất động sản
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. UBND huyện Gia Lâm được giao là cơ quan tổ chức lập quy hoạch.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 11.473 ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 450.000 người; năm 2050 khoảng 540.000 đến 555.000 người.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc lên quận vào năm 2023, Gia Lâm tập trung hoàn thành các chỉ tiêu mà thành phố đề ra. Theo đó, hệ thống hạ tầng khu vực là một trong những yếu tố được chú trọng triển khai thực hiện.
Tháng 1/2022, Hà Nội phê duyệt quy hoạch công viên hơn 18 ha tại Trâu Quỳ (Gia Lâm). Trong ranh giới khu đất nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 18 ha được phân bổ các chức năng gồm: Đất đường giao thông khu vực khoảng 4,4 ha; đất hồ điều hòa có diện tích khoảng 9 ha; đất cây xanh thể dục thể thao có diện tích khoảng 5 ha.
Theo bản đồ quy hoạch huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường, gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư ở Gia Lâm. Trong đó có thể kể đến các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận. Đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố cũng chú trọng phát triển hạ tầng khu công viên, vườn hoa, hồ nước phía trước trụ sở huyện (khu 31 ha) nhằm mang tới diện mạo hoàn toàn mới cho Gia Lâm.
Cụ thể, tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ - trung tâm huyện Gia Lâm ghi nhận hàng loạt công trình giao thông được đề xuất. Đáng chú ý có tuyến đường Nguyễn Mậu Tài đến Quốc lộ 5, đường Chính Trung kéo dài đến Quốc lộ 5, tuyến đường từ Ngô Xuân Quảng đến ngõ 64 Ngô Xuân Quảng… tăng khả năng kết nối nhanh chóng giữa các khu vực.
Bên cạnh các dự án mới được đề xuất, UBND huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh tập trung nguồn lực hoàn thành các tuyến đường giao thông chính kết nối huyện với vùng lân cận. Kết quả, chỉ trong năm 2021, huyện ghi nhận nhiều dự án vượt tiến độ, hoàn thành và đưa vào lưu thông.
Điển hình là tuyến đường Đông Dư - Dương Xá có tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng, hoàn thành sau một năm triển khai xây dựng với chiều dài 3,4 km. Nút giao Vành đai 3, kết nối Hà Nội - Hải Phòng cũng chính thức được thông xe…
Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 - công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đã bước qua giai đoạn phức tạp nhất. Hiện dự án đã dần thành hình khi hoàn thành 90% số cột trụ và dự kiến hoàn thành trước tiến độ, sớm đưa vào hoạt động.
Trước thông tin lên quận cùng việc đẩy mạnh hạ tầng, thị trường bất động sản Gia Lâm thời gian qua có nhiều biến động.
Giá đất tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm
Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, giá đất nền tại Gia Lâm vẫn tiếp tục tăng giá, mức giá rao bán đất nền tăng 21% so với mức giá trung bình năm 2021, trong khi đó mức độ quan tâm tại Gia Lâm giảm 14%, theo số liệu của Batdongsan.com.vn.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá nhà đất tại khu vực huyện Gia Lâm đã tăng bình quân từ 20-30% so với hồi đầu năm, mức tăng cao chủ yếu ở những khu vực “hot” của huyện nằm ở trục đường chính, gần trung tâm và khu vực có dự án lớn như Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá, Trâu Quỳ.
Cụ thể, giá nhà đất khu vực Trâu Quỳ hiện được rao bán ở mức trung bình từ 40-90 triệu/m2. Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng cách đây mấy năm được chào giá từ 100-120 triệu đồng/m2 nay giá rao bán là 180-220 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số dự án nhà biệt thự, liền kề trên đường Ngô Xuân Quảng còn rao bán tới hơn 230 triệu đồng/m2.
Khu vực Kiêu Kỵ giáp với các dự án lớn có giá chào bán 40-70 triệu đồng/m2. Tại các xã lân cận như Đông Dư, Đa Tốn, Đặng Xá, giá đất rao bán từ 35-75 triệu đồng/m2.
Một môi giới bán đất ở khu vực Gia Lâm cho hay, từ khi Gia Lâm có thông tin lên quận, được đầu tư hạ tầng giúp rút ngắn khoảng cách từ trung tâm đến vùng ven, bất động sản ở đây tăng chóng mặt. Hiện, giá đất ở đây đã neo ở mức cao.
Theo Savills, thị trường bất động sản Hà Nội năm 2022 có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong đó, nổi bật hơn cả là đà phát triển của thị trường tại các quận, huyện ngoài trung tâm và ngoại thành. Savills cho rằng, tại Hà Nội, hiện có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là giá của bất động sản ở nội thành đã được thiết lập mức cao. Do đó, kỳ vọng về khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn khiến nhà đầu tư tìm cơ hội ở những quận, huyện ngoài trung tâm.
Giá bán phân khúc căn hộ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2021 đến 2025, thành phố dự kiến sẽ giải ngân khoảng 650 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Các dự án ưu tiên gồm các đường Vành đai 2,5; 3; 3,5; 4; các cây cầu lớn như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu Thượng Cát; nâng cấp, xây mới các tuyến quốc lộ như đường 6, đường 32, 1A, 2B; và các dự án đường sắt đô thị.
Do sự khan hiếm nguồn cung ở vùng trung tâm, các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng tìm đến vùng ven nhiều hơn. Điều này khiến thị trường đất nền ở những khu vực ven đô ngày càng sôi động và đây là xu thế tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa cảnh báo, với thị trường đất nền ven đô, trước đó đã có hàng loạt tin đồn quy hoạch khiến giá đất đã neo ở mức cao.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Đính cho rằng, nhà đầu tư có nhu cầu tìm mua bất động sản thời điểm này cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường. Bất động sản tăng giá hàng năm chỉ 5-10% còn mức 30-50% là quá cao. Bất động sản tăng giá khi có những đầu tư về hạ tầng, nhưng phải là đầu tư thực không chỉ dựa vào quy hoạch.