Nhớ mình một thuở trong veo

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 02:42:15

Khó có ai xem kịch "được cho là" viết cho con nít mà khóc, nhưng với riêng tôi, tôi không cho rằng "Làm bạn với bầu trời" (biên kịch Việt Linh, đạo diễn Việt Linh - Võ Cẩm Tiên) là kịch phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ.

Cảnh trong vở Làm bạn với bầu trời - Ảnh: Hồng Hạc


Như Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry, hay phần lớn các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, "Làm bạn với bầu trời" vẫn có thể là một món quà bạn tự tặng cho "đứa con nít" vẫn tồn tại thành công bên trong mỗi người lớn.


Làm bạn với bầu trời gần gũi, dễ thương với những thông điệp nhỏ mà không nhỏ làm người lớn cũng phải suy ngẫm. Xem kịch, tôi phục các em diễn viên nhí, nghiệp dư mà diễn rất tròn vai. Chính thế lại còn phục "đội người lớn" - những người tham gia dựng vở, đã hết lòng hết sức với sân khấu kịch như thế nào mới có thể kiên trì đồng hành với đội trẻ để ra được sản phẩm như vậy.

TS tâm lý Lê Thị Linh Trang

Và tôi đã khóc như vậy, dù vở kịch không hề có lấy một thủ pháp bi lụy nào.

Mọi thứ trong vắt, bình thản, điềm nhiên.

Trong ký ức chỉ chang chang nắng của những mùa hè bầu trời còn là bạn.


Thế là khóc, không nức nở, không khoa trương. Một cái gì đó len lén dâng đến gần khóe mắt mà thôi, khi hơi thở bị cắt ngang bởi một cái gì nhỏ xíu mà quá đẹp.

Không phải vẻ đẹp lộng lẫy mà kịch nghệ thường ban phát cho đời tầm thường, mà gần gũi, đẹp, nhưng từng - thuộc - về - mình.

Những lý giải hồn nhiên của tình yêu thương, một thế gian nhỏ xíu đầy lỗi lầm ngô nghê của trẻ nít, nhưng trong vắt và xa lạ với những trạng huống tâm lý chỉ có khi ta trưởng thành: thù hằn, trách giận, ngờ vực, hay tâm lý nạn nhân.

Tôi nhớ mình cũng từng sạch bong và nhẹ tênh như thế.

Một phần tôi vẫn thế, và cái phần bé nhỏ sống sót trong tôi ấy cảm động vô chừng, khi được dành cho nguyên một đêm để sống lại và nhớ mọi thứ trong thế - giới - tôi từng dễ thương và vẫn dễ thương bất chấp như thế nào.

Tôi xoa đầu đứa con nít bên trong mình, để nó sống sót tới giờ. Nó phải can trường lắm lắm, nó giỏi thiệt, chớ tôi thì không.

Vẫn là dấu ấn Hồng Hạc và thủ pháp điện ảnh được sân khấu hóa của đạo diễn Việt Linh, khán giả không bị mỏi giò chạy theo những biến cố lật xoành xoạch từng cảnh theo lối tư duy lấy thông tin làm trọng tâm - một lối kể chuyện mà bản thân tôi bị lậm nặng và đôi khi giận mình về điều ấy.

Mỗi cảnh mở ra là một ngón đòn tâm lý buộc khán giả phải thư giãn và ngưng lùng sục tìm tòi cốt truyện, như cái cách ta từng thảnh thơi để mặc gió thổi lật thêm một trang sách, rồi thêm trang nữa.


Mỗi một trang như thế cứ lặng đi bởi một dòng thoại đẹp thảng thốt khiến ta cầu gió cứ lặng đi một lúc vì ta cần ngả dựa mình ra lưng ghế, nhấm nháp cho hết những gì vừa ngẫm ra.

Bằng cách đó, chỉ sau hai cảnh của vở, Hồng Hạc đã có cho mình một khán phòng chứa đầy hình ảnh đáng thèm muốn: những người Việt trầm ngâm, người lớn, và cả nít nhỏ nữa.

Người Việt mình giá như mỗi ngày có thể trầm ngâm thêm một xíu, mọi thứ sẽ hay ho hơn ít nhiều cho tất cả, thật!


Tôi nhận lời mời đến xem kịch một cách dè dặt, và tôi tới với sân khấu của Nhà văn hóa Thanh niên một cách dè dặt hơn. Có lẽ ngoài sân khấu Hoàng Thái Thanh và những vở diễn của bạn bè, em út đồng nghiệp, tôi luôn ái ngại với những đám đông trước khi vào xem kịch. Ở đây là một đám đông có cả con nít ở đó.

Tôi dạt ra đứng thật xa và lưỡng lự tự hỏi mình có nên co giò tháo chạy hay hành xử đàng hoàng như một người trưởng thành. May mắn tôi đã chọn điều sau.

Phải nhấn mạnh lại là "may mắn", vì nếu bỏ lỡ dịp xem "Làm bạn với bầu trời", kẻ thiệt thòi sẽ chính là tôi, là "đứa con nít" vẫn sống bên trong tôi và liên tục bị lừa phỉnh, bị giam nhốt quá lâu...


Sau suất diễn ngày 1-6 đầy kín người xem, sân khấu Hồng Hạc tiếp tục mang vở " Làm bạn với bầu trời" đến với khán giả vào 19h30 ngày 30-6 tới tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Làm bạn với bầu trời diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên Tối 27-3, vở kịch Làm bạn với bầu trời của sân khấu Hồng Hạc sẽ có suất diễn tại địa điểm mới: Nhà văn Thanh niên TP.HCM.

Chia sẻ Facebook