NHNN sẽ thanh tra, xử lý tổ chức tín dụng ép mua bảo hiểm mới cho vay
Đây là nội dung được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề cập trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu.
Theo Cử tri tỉnh Bạc Liêu phản ánh, khi vay tiền tại một số ngân hàng thương mại, khách hàng được khuyến khích (nhưng thực chất là ràng buộc) mua bảo hiểm nhân thọ, giá trị hợp đồng hàng trăm triệu đồng; lần đầu từ 10 đến 15 triệu đồng. Đa số khách hàng đều phải chấp nhận, sau đó bỏ hợp đồng.
"Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra việc này, nếu đúng, kiến nghị có giải pháp chấn chỉnh kịp thời; nếu không đúng, cũng cần có thông tin chính thức về nội dung phản ánh này đến cử tri”, cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị.
Về vấn đề này, NHNN cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Trong thời gian qua, trước thông tin phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn (như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ), NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.
Thực hiện chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cũng như các hoạt động đại lý bảo hiểm khác cho các khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật nhằm giúp khách hàng hiểu đúng/đủ quyền và lợi ích hợp pháp, các điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các TCTD trên địa bàn; lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của NHNN đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này. Đồng thời, tiếp tục có văn bản chỉ đạo các TCTD phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; thực hiện các nghĩa vụ khác theo phạm vi được ủy quyền trong hợp đồng đại lý bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trên cơ sở các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Tuệ Minh