Nhịp tim nhanh hay chậm là tốt?

Chia sẻ Facebook
08/02/2023 09:42:21

Tại sao tim của một số người đập nhanh và những người khác chậm? Nhịp tim nhanh hay chậm là tốt?

(Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)


Nhịp tim là nhịp đập của tim, chủ yếu thúc đẩy quá trình lưu thông của máu, vận chuyển chất dinh dưỡng đến các mô và cơ quan của toàn cơ thể, đồng thời lấy đi các chất chuyển hóa. Trong trường hợp bình thường, khi tâm trạng yên tĩnh, tim của trẻ sơ sinh có thể đập 120-140 lần/phút, trẻ nhỏ 90-100 lần/phút, trẻ em tuổi đi học 80-90 lần/phút, người lớn 70-80 lần/phút.


Nói chung, những người trẻ tuổi có nhịp tim nhanh hơn những người lớn tuổi và phụ nữ có nhịp tim nhanh hơn nam giới cùng tuổi. Tóm lại, nhịp tim của một người không phải  là hằng số bất biến. Chẳng hạn như chế độ ăn uống, tình cảm, bệnh tật, v.v., sẽ ảnh hưởng đến biến động nhịp tim. Ở trạng thái nghỉ ngơi, nhịp tim nhanh chậm cũng có thể giúp phản ánh trạng thái sức khỏe trái tim của một người.

Có phải nhịp tim càng chậm càng tốt?


Nhịp tim bình thường của một người trưởng thành nên vào khoảng 60-100 nhịp mỗi phút. Có người nói nhịp tim càng chậm càng tốt, điều này có đúng không? Các chuyên gia chia sẻ rằng, nhịp tim nhanh sẽ tạo ra gánh nặng lớn hơn cho tim. Thật vậy, các nghiên cứu có liên quan đã chứng minh rằng có mối quan hệ nghịch đảo giữa nhịp tim và tuổi thọ. Nói chung, trong phạm vi nhịp tim bình thường, nhịp tim chậm hơn sẽ tốt hơn.

Hãy cảnh giác khi nhịp tim đập quá nhanh hay quá chậm

Nếu thường xuyên có các cảm giác khó chịu như tức ngực, trống ngực, hoa mắt, khó thở, chóng mặt và mệt mỏi cần kiểm tra nhịp tim để có biện pháp cải thiện thích hợp. (Ảnh: S_L/ Shutterstock)


Như đã nói ở trên, nhịp tim dao động trong khoảng 60 – 100 lần/phút là bình thường, vậy chỉ số nhịp tim bao nhiêu thì cần cảnh giác? Trước hết, nhịp tim vượt quá 100 nhịp/phút thuộc về nhịp xoang nhanh, khi xảy ra sẽ gây ra cảm giác khó chịu như tức ngực, trống ngực, hoa mắt, khó thở, chóng mặt và mệt mỏi. Hơn nữa có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc đau thắt ngực và các bệnh khác.


Nhịp xoang nhanh nói chung có thể do các nguyên nhân sinh lý như tập thể dục, thay đổi tâm trạng, hút thuốc và uống cà phê, v.v. hoặc do các nguyên nhân bệnh lý như suy tim, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu, phát sốt, nhiễm trùng, sốc, cường giáp.v.v., cũng liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc như epinephrine.


Trên thực tế, đối với nhịp xoang nhanh sinh lý, miễn là loại bỏ được tác nhân kích thích, nhịp xoang nhanh bệnh lý cần điều trị triệu chứng, chẳng hạn như suy tim sung huyết cần dùng thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch và các loại thuốc khác. Mặt khác, nhịp tim thấp hơn 50 nhịp/phút là nhịp xoang chậm và bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc có biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, tức ngực, hay quên và không chú ý.


Thông thường, nhịp xoang chậm có thể do nguyên nhân sinh lý gây ra. Ví dụ như nhịp tim của vận động viên khi ở chế độ nghỉ ngơi là khá thấp, sự thoái hóa trong cơ thể ở người cao tuổi cũng có thể dẫn đến nhịp tim chậm. Nó cũng có thể được gây ra bởi bệnh lý, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, phẫu thuật tim, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, thiếu máu cơ tim, v.v.


Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng sẽ bị nhịp tim chậm. Đối với những bệnh nhân có nhịp tim thấp hơn 50 nhịp/phút có các triệu chứng chóng mặt, tức ngực, hay quên, cáu gắt, thiếu tập trung và các triệu chứng khác cần đi khám kịp thời. Nếu nhịp tim cao nhưng không phải do bệnh gây ra, bạn có thể làm chậm nhịp tim bằng cách điều chỉnh lối sống.

Điều chỉnh lối sống để giúp làm chậm nhịp tim của bạn

Tập thể dục đều đặn

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục trong hơn 3 tháng là đã có thể làm giảm nhịp tim từ 4 – 5 lần mỗi phút. (Ảnh: Shutterstock)


Kiên trì tập thể dục có thể rèn luyện chức năng tim của chúng ta, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục trong hơn 3 tháng là đã có thể làm giảm nhịp tim từ 4 – 5 lần mỗi phút.

Kiểm soát cân nặng


Béo phì làm tăng gánh nặng cho tim, các nhân viên nghiên cứu từ Trung tâm Tim mạch của Đại học Adelaide ở Úc đã yêu cầu 355 người béo phì bị rung tâm nhĩ giảm cân và nhận thấy rằng họ giảm được 10% trọng lượng cơ thể, đồng thời các triệu chứng rung tâm nhĩ cũng giảm bớt.

Giữ bình tĩnh


Tức giận, lo lắng, căng thẳng và các cảm xúc khác sẽ làm tăng nhịp tim, vì vậy chúng ta nên chú ý điều chỉnh cảm xúc và duy trì tâm thái bình hoà, như ngồi thiền có thể giúp khôi phục trạng thái bình tĩnh.

Ngồi thiền có thể giúp khôi phục trạng thái bình tĩnh, ổn định nhịp tim. (Ảnh chụp màn hình video)

Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây .

Dùng thuốc an toàn


Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc cảm và một số thuốc chống trầm cảm, có thể có tác dụng phụ làm tăng nhịp tim, vì vậy vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng. Nếu bạn cảm thấy không khỏe trong khi dùng thuốc, bạn cũng nên đi khám và điều trị kịp thời.


Nhịp tim của bạn dao động trong các hoạt động hàng ngày là điều bình thường. Nếu bạn bị tức ngực và đánh trống ngực trong thời gian dài và không tìm ra nguyên nhân thì tốt nhất nên đến bệnh viện để điều trị. Thông thường, bạn cũng có thể làm chậm nhịp tim bằng cách tập thể dục, giữ tâm trạng bình tĩnh và kiểm soát cân nặng.


Liên Tâm, Visison Times

Giảm 1 gram muối mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ Muối rất quan trọng đối với sức khỏe nhưng nếu bạn nạp vào cơ thể quá nhiều thì sẽ gây ra nhiều tác hại khôn lường.

Chia sẻ Facebook