Nhịp đập Thị trường 20/09: Đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày
Như vậy là sau khi chạm 1,200 điểm, đảo chiều tăng vào đầu giờ chiều, VN-Index đã tăng mạnh. Kết phiên giao dịch VN-Index tăng 13.5 điểm (1.12%) lên mức 1,218.93 điểm. So với đáy trong ngày, VN-Index đã tăng 19 điểm.
Nhịp đập Thị trường 20/09: Đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày
Trên sàn HOSE có 309 cổ phiếu tăng giá (5 cổ phiếu trần)/ 120 cổ phiếu giảm giá (3 cổ phiếu sàn). Giá trị giao dịch tính cả ngày khá thấp chỉ 11,157 tỷ với 473 triệu cổ phiếu trao tay. Tuy nhiên nếu chỉ tính riêng phiên chiều, đã có 6,000 tỷ rót vào sàn HOSE. Sàn HNX tăng 2.66 điểm (1.01%) với 121 cổ phiếu tăng giá (13 cổ phiếu trần)/62 cổ phiếu giảm giá (7 cổ phiếu sàn).
Ba cổ phiếu có tác động tốt nhất tới VN-Index là BID, VIC, GVR lần lượt tăng 1.22 điểm, 0.96 điểm, 0.61 điểm. Trong khi cả 10 cổ phiếu tác động xấu nhất tới VN-Index chỉ làm giảm 0.72 điểm.
Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 334 tỷ phiên khớp lệnh định kỳ sàn HOSE.
Một phiên giao dịch khá nhiều cảm xúc của thị trường chứng khoán Việt Nam.
14h: Bất ngờ nhảy vọt
VN-Index thể hiện một bộ mặt khác trong phiên giao dịch chiều.
Và vẫn là ngành chứng khoán là tâm điểm của thị trường. Thị trường vừa chớm lên ngành chứng khoán đã tăng 2.73%. Một mức tăng rất mạnh. Chỉ có 5 cổ phiếu không tăng giá là EVS, HBS, IVS, ORS, WSS. 20 cổ phiếu còn lại tăng giá với những cổ phiếu tăng mạnh. VND đã tăng tới 4.48%, SSI 3.52%, MBS 3.75%, HCM 3.02%, BVS 3.21%, ART 3.7%, APS 3.01%. Rất bất ngờ với cổ phiếu chứng khoán. Xoay chiều như chong chóng với biên độ rất lớn là đặc trưng của ngành này.
Ngành ngân hàng cũng tăng khá 0.91%. Các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh có STB 2.31%, SHB 3.08%, LPB 2.56%, BID 2.63%. NVB giảm 2.74%, cổ phiếu này thường có biên độ lên xuống khá thất thường so với mặt bằng chung.
Trong rổ VN30, 5 cổ phiếu dẫn đầu đà tăng đều là cổ phiếu tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, SSI, BID, STB, BVH, CTG. Trong 4 cổ phiếu giảm giá trong rổ VN30 thì có tới 3 cổ phiếu thuộc ngành bất động sản NVL giảm 0.5%, KDH giảm 0.9%, VRE giảm 1%.
Tuy nhiên cả ngành bất động sản vẫn tăng nhẹ 0.38%, do sự "gánh team" của VIC, VHM và các cổ phiếu nhỏ hơn. VIC tăng 1.1%, VHM tăng 1.37%, TCH tăng 3%, SCR tăng 3.84%, KBC tăng 1.97%, ITA tăng 4.48%, DXG tăng 3.32% là những cổ phiếu đáng chú ý.
Phiên sáng: Lùi về sát mốc 1,200
Kết phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index đã giảm 2.49 điểm, số cổ phiếu giảm giá gấp ba số cổ phiếu tăng giá. Thị trường có dấu hiệu suy giảm. VN-Index đang đi ngược dòng chứng khoán thế giới một cách tiêu cực. Chứng khoán châu Á và Úc vẫn đang xanh mướt.
Trên 20 năm có thị trường chứng khoán, thực tế chúng ta vẫn còn là một thị trường non trẻ. Một trong những yếu điểm của “non trẻ” đó là thiếu tính ổn định. Đặc biệt tính ổn định của dòng tiền.
Kết phiên sáng chỉ có 5,166 tỷ rót vào sàn HOSE. Một con số rất thấp. Nếu phiên chiều không có đột biến, rất có thể hôm nay là một ngày giá trị giao dịch trên HOSE dưới 10,000 tỷ.
Lại một lần nữa đúng là không gì trở mặt nhanh hơn cổ phiếu chứng khoán, đang từ top dẫn đầu đà tăng thị trường, ngành chứng khoán thoắt cái đã gia nhập top 4 nhóm ngành có mức giảm cao nhất. 14 cổ phiếu đã giảm giá/4 cổ phiếu tăng giá. Điều an ủi là hai ông lớn VND và SSI vẫn tăng nhẹ 0.56% và 0.5% giúp hạ bớt đà giảm của ngành. Tuy nhiên nếu phiên chiều dòng tiên tiếp tục ảm đạm, không chắc hai cổ phiếu này còn đỡ được toàn ngành.
Đang từ 23 nhóm ngành xanh và 2 đỏ vào lúc 9h30, kết phiên sáng tuy chỉ giảm hơn hai điểm nhưng cuối phiên đã có 21 nhóm ngành đỏ chỉ còn 4 nhóm ngành xanh.
Hôm nay ngành tiện ích hoạt động khá tốt, chủ yếu nhờ các cổ phiếu GAS (0.74%), PGD (0.74%), VPD (3.16%), PVG (0.96%), PGV (1.61%), POW (0.74%). Tuy nhiên hai gương mặt nổi bật NT2 và VSH lại giảm khá mạnh, lần lượt 3.31% và 2.49%.
10h30: Chứng khoán Việt có thể gặp khó từ dòng tiền vĩ mô
Thị trường đang có dấu hiệu xấu hơn, VN-Index chỉ còn tăng 2.28 điểm tuy nhiên đã có 212 cổ phiếu giảm giá/158 cổ phiếu tăng giá trên sàn HOSE. Điều nguy hiểm hơn hơn tới 10h30 cũng chỉ có 3,000 tỷ đồng rót vào sàn HOSE. Dòng tiền đang có dấu hiệu rời xa thị trường sau hai ngày tăng khá trên 15,000 tỷ vào hai ngày thị trường rớt sâu liền trước. Rất có thể xu hướng dòng tiền sụt giảm sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian sắp tới.
Gần đây một số ý kiến cho rằng nên tăng lãi suất nhằm chống lạm phát. Trong một thế giới tràn đầy bất ổn, các ngân hàng trung ương trọng điểm đặc biệt Mỹ liên tục tăng lãi suất với bước nhảy lớn chống lạm phát, ý kiến trên phần nào hợp lý.
Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng với việc Bộ tài chính dự đoán mức lạm phát chỉ khoảng 3.37%-3.87% trong năm nay đồng thời với tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt trên 8.5%-9%, cùng với việc Chính phủ vẫn đang sử dụng hạn mức tín dụng 14% một cách hết sức thận trọng (còn khoảng 2% đang cân nhắc) việc tăng lãi suất tại thời điểm này là khá sớm.
Những môi trường đầu tư trọng điểm đều đang có vấn đề, bất động sản Việt Nam đang thuộc dạng đắt nhất thế giới nếu so với thu nhập (trung bình 57 năm thu nhập để mua một căn hộ), thị trường chứng khoán cũng rất có thể sẽ đi theo dòng chảy chứng khoán thế giới gặp nhiều khó khăn trong thời gian cuối 2022. Hơn thế nữa, rõ ràng chúng ta đang ở một vị thế tốt hơn rất nhiều nền kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng thuộc loại top đầu thế giới trong năm nay, trong khi chỉ tiêu lạm phát lại thuộc top thấp nhất, việc tăng lãi suất tại thời điểm này có thể phần nào kìm cương nền kinh tế Việt Nam. Đôi khi hy sinh chỉ tiêu lạm phát một chút (nếu có đột biến những tháng cuối năm) nhằm đạt những bước tiến mạnh mẽ, thu hẹp dần khoảng cách với các nền kinh tế không phải là một ý kiến tồi.
Nếu lãi suất tăng trong những tháng cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ gặp khó càng thêm khó. Vẫn còn khoảng lớn trái phiếu bất động sản đáo hạn, 37,000 tỷ đồng vào cuối 2022, 120,400 tỷ vào 2023, 121,100 tỷ vào 2024 (nguồn Công ty chứng khoán KB Việt Nam). Với thực trạng tình hình trái phiếu bất động sản Việt Nam hiện nay có thể một lượng tiền lớn sẽ bị rút khỏi thị trường.
Mở cửa: Lấy lại sắc xanh
Đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên xanh khá Dow Jones tăng 0.64%, S&P 500 tăng 0.69%, Nasdaq tăng 0.76%.
Hoà cùng thị trường Mỹ 9h27 tất cả các thị trường châu Á trọng điểm, từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, tới Úc đều tăng khá mạnh, Nikkei 225 tăng 0.4%, ShangHa tăng 0.46%, Taiwan Weighted tăng 0.31%, KOSPI tăng 0.53%, IDX Composite tăng 0.62%, S&P/ASX200 tăng 1.15%.
Chỉ số phái sinh VN30F2210 mở phiên ATO tăng khá 4.5 điểm từ 1,223.5 điểm tăng lên 1,228 điểm.
VN-Index đang tăng 5.82 điểm (0.48%) lên 1,211.25 điểm. VN30 tăng 4.93 điểm (0.4%) lên 1,234.81 điểm. HNX-Index tăng 2.43 điểm (0.92%) lên 266.68 điểm, UPCoM tăng 0.1 điểm (0.11%) lên 88.44 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 235 (2 cổ phiếu trần)/88 (1 cổ phiếu sàn).
Rổ VN30 có 25 cổ phiếu tăng giá 3 cổ phiếu giảm giá. Ba cổ phiếu tăng mạnh nhất là ba cổ phiếu thuộc ngành tài chính, ngân hàng BID, SSI, CTG với tỷ lệ tăng 1.6%, 1.5%, 1.4%. Ba cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là VIB, VRE, NVL đang giảm 0.2%, 0.3%, 0.9%.
Theo VietstockFinance, đang có tới 23 nhóm ngành xanh/2 nhóm giảm giá.
Như lệ thường trong những ngày, hoặc những phiên thị trường hồi phục sau một đợt giảm sâu, ngành chứng khoán luôn có sức bật rất lớn trong các nhóm ngành lớn. Ngành chứng khoán đang có mức tăng 0.99% đóng góp lớn trong đà tăng của thị trường. Chú ý có ông lớn VND tăng 1.68%, SSI tăng 1.26%.
Ngành nông lâm ngư đang có mức tăng 0.47% với sự hỗ trợ lớn từ HAG (0.72%), HNG (1.62%). HAG đã chính thức triển khai chuỗi hệ thống bán lẻ có nhượng quyền của mình, với lợi thế về giá thành, nguồn gốc chất lượng, sạch, sản phẩm heo Bapi của họ tràn đầy lợi thế. Các doanh nghiệp kinh doanh mảng heo cần phải dè chừng với họ. Cổ đông dài hạn của HAG đang trong những ngày tháng đẹp nhất. Rất có thể doanh nghiệp này đã có những đổi thay mang tính bản chất, thứ rắc rối còn lại có lẽ chỉ là việc xử lý những tồn đọng của một thời quá khứ chưa xa.
Kiên Cường