Nhịp đập Thị trường 16/09: Giảm sâu
Có lúc thị trường đã giảm tới 1,235.78 sau khi hồi phục lên 1,237.23 điểm vào lúc 14h04. VN-Index rớt 8.25 điểm, VN30 giảm 7.33 điểm.
Nhịp đập Thị trường 16/09: Giảm sâu
25 cổ phiếu trong rổ VN30 đang giảm giá. Chỉ có VPB đang tăng 1.3%. VPBank dự kiến phát hành hơn 1.97 tỷ cổ phiếu; trong đó, hơn 1.53 tỷ cổ phiếu phát hành trả cổ tức và hơn 440 triệu cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu. TPB, VNM, BID cũng đang tăng 0.1% mong manh. Phía giảm giá MWG, SSI, GVR giảm mạnhnhất với tỷ lệ 2.3%, 2.1%, 2.1%. Sau một phiên sáng giữ giá VN-Index đã rớt khá sâu cùng với thị trường chứng khoán thế giới.
24/25 nhóm ngành trên VietstockFinance đều chìm trong sắc đỏ chế biến thuỷ hải sản rớt mạnh nhất 2.42%, chỉ duy nhất ABT đang tăng giá 4.3%, ACL giảm2.58%, ANV giảm 2.94%, IDI giảm 2.48%, VHC giảm 2.96%. Tiếp theo là ngành chứng khoán, giảm 2.39%, với 24/25 cổ phiếu giảm giá, SSI đang giảm 2.08%, VND giảm 2.78%.
Ngân hàng cũng bắt đầu giảm giá 0.62%, LPB giảm 3.04%, VIB giảm 2.17% là những cổ phiếu giảm trên 2%. Chỉ có NVB ngược đòng tăng 6.13% và VPB là hai cổ phiếu hiếm hoi tăng giá. Thông tin còn trên 200.000 tỷ room tín dụng chưa phân phối dựa trên con số 14% tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ có thể làm giảm đà rơi của ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng có mức liên quan rất lớn với thị trường chung.
14h23, VN-Index đã giảm 12.68 điểm với 11,300 tỷ trao tay. Thị trường đang có dấu hiệu bán mạnh. Tuy nhiên hôm nay là ngày cuối review các quỹ ETF. Nên thị trường diễn biến thế nào phải chờ kết phiên ATC mới ngã ngũ.
Phiên sáng: Giằng co với giá trị giao dịch thấp
Kết phiên sáng chỉ số VN-Index mặc dù rớt 2.44 điểm (0.2%) có thể nói đang khá cứng so với chứng khoán thế giới. Khối lượng cổ phiếu giảm giá trên Hose mặc dù gấp gần 4 lần khối lượng tăng giá nhưng chỉ số chỉ giảm nhẹ.
Giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ 5,927 tỷ với 242 triệu cổ phiếu trao tay. Con số khá thấp thể hiện tâm lý ngập ngừng. Mặc dù kinh tế thế giới khá bất ổn tuy nhiên nền kinh tế Việt nam tới giờ này vẫn đang nằm ngoài vòng xoáy, chưa có dấu hiệu gia tăng lạm phát cũng như những dấu hiệu suy thoái. Tuy nhiên quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam khá sâu, nếu quá trình bất ổn kéo dài, rất khó để chúng ta cứ đứng ngoài vòng xoáy.
Ngành thực phẩm đồ uống dẫu chỉ tăng 0.42% nhưng vẫn là ngành có mức tăng cao nhất thị trường. mặc dù chỉ có 4 cổ phiếu tăng giá/13 cổ phiếu giảm giá tuy nhiên cả 4 cổ phiếu tăng giá đều có trọng số lớn MSN (0.71%), PAN (1.52%), SAB (1.46%), VNM (0.13%).
VIC đang từ giảm 1% bất ngờ tăng 0.6% tạm khớp đóng cửa phiên sáng ở mức 64,300 VNĐ và là cổ phiếu tốt thứ 4 đóng góp cho VN-Index 0.39 điểm. 3 cổ phiếu có đóng góp tốt nhất cho VN-Index là VPB (0.69 điểm), SAB (0.44 điểm), VHM (0.43 điểm), về phía cổ phiếu có tác động tiêu cực tới VN-Index là GVR (0.44 điểm), MWG (0.39 điểm), NVL (0.29 điểm).
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng 186 tỷ tính đến hết phiên sáng.
10h30: Giằng co
Tới 10h30 thị trường giao dịch khá ảm đạm với chỉ 3,550 tỷ rót vào sàn HOSE. VN-Index giảm 2.79 tương đương 0.22%. Toàn bộ các thị trường Châu Á khác đều đang giảm với biên độ trên dưới 1%. Với mức giảm 0.22%, VN-Index đang có mức giảm thấp nhất khu vực.
Chỉ còn 3 nhóm ngành tăng giá là sản xuất phụ trợ, nông lâm ngư và đặc biệt là ngân hàng. Việc chỉ số ngân hàng chưa xuống sâu giúp VN-Index chưa giảm quá mạnh.
Ngành chứng khoán chỉ còn WSS tăng 3.95%, 2 cổ phiếu đứng giá và 22 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Trong đó ART đang sàn.
Ngành bán lẻ đang rớt sâu nhất thị trường 1.36% trong đó ông lớn MWG giảm 1.62%, FRT giảm 1.43% là những tội đồ chính.
Tình hình thế giới đang tràn ngập trong bất ổn, Châu Âu, Mỹ đều đang chìm sâu trong lạm phát chưa có lối thoát. Việc tăng lãi suất hút tiền chưa giúp giải bài toán lạm phát trong khi nguy cơ về các đợt suy thoái lại càng hiện hữu. Đặc biệt chiến sự Nga-Ukraina đang diễn biến hết sức phức tạp. Cuộc chiến càng kéo dài, thế giới và kinh tế thế giới càng đứng trước rủi ro.
Mở cửa: Chứng khoán thế giới khó khăn, chứng Việt mở cửa giảm nhẹ
Hôm qua thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên lao dốc khá mạnh Dow Jones giảm 0.56%, S&P500 giảm 1.13%, Nasdaq giảm 1.43%.
Tại thời điểm 9h25, tất cả các thị trường Châu Á trọng điểm, từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indo, tới Úc đều giảm khá mạnh, Nikkei 225 giảm 1.08%, ShangHai giảm 0.8%, Taiwan Weighted giảm 0.9%, KOSPI giảm 0.57%, IDX Composite giảm 0.78%. Cùng với chiều hướng đi xuống những ngày gần đây, có thể thị trường chứng khoán Việt nam sẽ đối diện với một ngày khó khăn.
Chỉ số phái sinh VN30F2209 mở phiên ATO giảm khá 4.4 điểm từ 1,258.5 điểm còn 1,254.1 điểm.
Tới 9h45, VN-Index đang giảm 2.24 điểm (0.18%) còn 1,243.42 điểm. VN30 giảm 0.75 điểm (0.06%) còn 1,262.06 điểm. HNX-Index tăng 0.56 điểm (0.2%) lên 280.25 điểm, UPCoM giảm 0.16 điểm (0.18%) còn 90.11 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 76 (2 cổ phiếu trần)/222 (1 cổ phiếu sàn).
Rổ VN30 có 6 cổ phiếu tăng giá 19 cổ phiếu giảm giá. Ba cổ phiếu tăng mạnh nhất là ba cổ phiếu ngân hàng VPB, BID, HDB với tỷ lệ tăng 2.1%, 1%, 0.8%. Ba cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là VRE, VIC, GVR đang giảm 0.9%, 1%, 1%.
Ngành nông lâm ngư đang tăng mạnh nhất thị trường 1.19% với sự đóng góp chủ yếu từ hai ông lớn trong ngành HAG (3.68%), HNG (1.59%). HAG vừa có những thông tin tích cực khi bắt đầu mở những cửa tiệm bán lẻ đầu tiên các sản phẩm của mình, đặc biệt thịt heo Bapi tại Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Cùng với đó là thông tin lợi nhuận đều 4 tỷ/ngày trong vòng 3 tháng gần đây. Một tương lai có vẻ tươi sang dễ thở hơn với những cổ đông lâu năm của doanh nghiệp này.
Cổ phiếu tăng trần trên sàn HOSE đáng chú ý có BMC đang khớp trần tại mức giá 19,350 đồng/cp.
Kiên Cường