Nhìn lại SEA Games 31: Khán giả Việt Nam vô địch
12 tỉnh thành của Việt Nam được chọn đăng cai SEA Games 31 đã "chiêu đãi" ngày hội thể thao khu vực một bữa đại tiệc của sự sôi động, hiếu khách và tình bằng hữu.
Từ trước khi SEA Games 31 chính thức khai mạc, người dân Phú Thọ, Nam Định và Quảng Ninh (các địa phương đăng cai môn bóng đá) đã cho thấy được sự cuồng nhiệt của mình. Và trong hai tuần qua, lần lượt các tỉnh thành còn lại đã tiếp nối tinh thần đó.
Tinh thần thượng võ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong lá thư gửi thầy trò HLV Park Hang Seo sau khi bảo vệ thành công HCV SEA Games 31, đã dành lời cảm ơn sâu sắc đến người hâm mộ cả nước đã luôn đồng hành cùng đội tuyển bóng đá nam và nữ.
Nếu không có các CĐV luôn sát cánh với đội tuyển, với các môn thể thao thi đấu tại đại hội, chắc chắn SEA Games 31 không thể thành công đến vậy.
Khi nói SEA Games là một ngày hội thể thao, điều đó đã bao hàm những yếu tố về sự hiếu khách và tình bằng hữu.
CĐV đã đến sân ắt đều cuồng nhiệt, ắt đều đam mê thể thao, nhưng có thể san sẻ cả những lời cổ vũ đó cho những VĐV nước ngoài như khán giả Việt Nam thì SEA Games mới trở thành một kỳ đại hội thể thao đúng nghĩa.
Xuyên suốt hơn một tuần tổ chức môn cầu lông, Nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang với sức chứa gần 5.000 chỗ ngồi luôn đông đúc khán giả vào các buổi chiều tối.
Đặc biệt trong những ngày thi đấu các nội dung chung kết từ đồng đội cho đến cá nhân, nơi đây gần như không còn một chỗ ngồi ngay cả khi các trận đấu diễn ra vào buổi trưa và các tay vợt Việt Nam "rơi rụng" dần qua từng vòng đấu.
Sự cuồng nhiệt khi cổ vũ CĐV "gà nhà" là chuyện quá quen thuộc trong thể thao. Điểm nhấn ấn tượng của SEA Games 31 nằm ở niềm đam mê chân chính các CĐV. Từ môn cầu lông (ở Bắc Giang) cho đến bóng bàn (Hải Dương), kickboxing (Bắc Ninh)..., người hâm mộ đến theo dõi những môn thi đấu này bằng tinh thần thể thao thuần túy.
Apriani Rahayu - tay vợt từng giành HCV đôi nữ môn cầu lông (cùng Polii) ở Olympic Tokyo 2020 - cho biết cô rất bất ngờ khi được chào đón nồng nhiệt đến vậy tại SEA Games 31.
"Tôi từng dự nhiều kỳ SEA Games trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được khán giả nước chủ nhà chào đón và mời chụp hình cùng nhiều đến vậy", Rahayu nói.
Dễ hiểu, sau khi vô địch Olympic, tên tuổi của Rahayu ngày càng được biết đến rộng rãi. Cô cùng với Loh Kean Yew, Chochuwong là những ngôi sao đẳng cấp thế giới tham dự môn cầu lông ở SEA Games 31. Và họ đều nhận được sự cổ vũ từ người hâm mộ Bắc Giang.
Điều tương tự cũng đến với Phakpoom Sanguansin - tay vợt bóng bàn hai lần về nhì nội dung đơn nam ở SEA Games 2003 và SEA Games 31 này. "Thật vui khi họ vẫn nhớ tôi!", Phakpoom xúc động nói.
Trèo đèo lội suối đến SEA Games
Rất may, COVID-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam từ tháng 4 trở lại đây. Bộ Y tế cũng không yêu cầu khán giả đến xem SEA Games 31 phải xét nghiệm COVID-19.
Được "mở lối", nhiều tỉnh thành tổ chức SEA Games 31 đã mạnh dạn gửi công văn cho ban tổ chức đại hội xin được đón khán giả vào xem thi đấu tại đại hội.
Mở đầu, Quảng Ninh đã xin mở cửa miễn phí cho khán giả đến xem 7 môn thi đấu tại tỉnh là bóng đá nữ, bóng chuyền, bóng ném, cờ, ba môn phối hợp. Sau đó, đến lượt Nam Định, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội... cũng quyết định đón khán giả vào xem SEA Games 31.
Nhưng chính các thành viên ban tổ chức trung ương và địa phương cũng không thể tin được là sức hút SEA Games 31 lại lớn đến vậy. Từ những ngày đầu đại hội, hàng ngàn khán giả đã đội mưa đến bãi biển Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh) để cổ vũ đội tuyển bóng ném Việt Nam giành HCV.
Hình ảnh hàng vạn người hâm mộ chen nhau vào kín sân Thiên Trường (tỉnh Nam Định) để tiếp sức cho năm đội tuyển U23 nước ngoài thi đấu tại bảng B đã làm không chỉ người Việt Nam kinh ngạc mà khiến các đội bóng cũng vô cùng xúc động.
Tại nhà thi đấu môn bóng rổ tại Hà Nội, bóng bàn ở Hải Dương, cầu lông tại Bắc Giang hay môn đua xe đạp ở Hòa Bình, người hâm mộ chen lấn xếp hàng, leo lên núi để được xem các VĐV Việt Nam và quốc tế tranh tài.
Tất cả đã tạo nên hình ảnh về SEA Games 31 thân thiện, rực rỡ và thắm tình đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực. Việc đưa các môn về các tỉnh có phong trào phát triển mạnh mẽ môn thể thao đó để thi đấu đã góp phần thu hút lượng khán giả đông đảo đến với SEA Games.
Ngoài ra, những môn thể thao mới được giới trẻ yêu thích như bóng rổ, thể thao điện tử... cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh, sinh viên với những khán đài chật kín.
Phát biểu với truyền thông trong nước và quốc tế, bà Lê Thị Hoàng Yến - phó tổng cục trưởng Tổng cục TD cho biết ngay chính ban tổ chức SEA Games cũng bất ngờ và vô cùng xúc động trước sự quan tâm của người hâm mộ với đại hội.
Hình ảnh hàng vạn khán giả lấp đầy các khán đài ở các môn thi SEA Games 31 đã góp phần cực kỳ quan trọng làm cho đại hội thành công.
Hơn cả một đại hội thể thao với những chiếc huy chương, SEA Games 31 là ngày hội để thể thao, văn hóa các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần nhau.
Với Việt Nam, SEA Games 31 là cơ hội để người Việt Nam thể hiện tình yêu nước, niềm đam mê thể thao và sự thân thiện, hiếu khách với bạn bè quốc tế.
SEA Games 31 chắc chắn cũng góp phần không nhỏ để thúc đẩy sự phát triển của du lịch và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.
Cần thêm chất lượng và dài hơi
Một câu hỏi được đặt ra cho ngành thể thao là làm sao để giữ chân người hâm mộ sau các kỳ SEA Games? Hỏi vậy bởi ở các giải vô địch toàn quốc hoặc hầu hết các giải đấu diễn ra trong nước, nhà thi đấu luôn "vắng như chùa bà Đanh".
Về vấn đề này, ông Lê Trí Trường - tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) - cho biết: "Cũng khó để có thể so sánh SEA Games với các giải trong nước, vì đây là đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á rồi.
Thành công về khán giả là cộng hưởng nhiều yếu tố, nằm trong sự hưởng ứng chung đối với SEA Games của cả nước. Tuy nhiên, qua SEA Games 31, chúng tôi thấy lượng CĐV bóng chuyền là rất lớn.
Vì vậy, VFV sẽ rút ra nhiều bài học để có thể "giữ chân" và lôi kéo khán giả ở những giải đấu trong nước ở tương lai".
Theo ông Trường, trong tương lai các liên đoàn thể thao như VFV sẽ phải có những cải thiện trong công tác tổ chức, chuyên môn và đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông bởi đó sẽ là sợi dây kết nối quan trọng giữa khán giả và giải đấu.
Chỉ khi giải tự giới thiệu về mình đến với khán giả thật tốt thì mới mong khán giả biết và đến sân nhiều hơn.
Đồng thời, VFV cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng chất lượng các trận đấu, tăng sức hút của giải. Đó là những việc như cho các CLB được chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền, cho thuê ngoại binh trở lại...
"Khi chúng ta tạo được những giải đấu chất lượng, những trận đấu hấp dẫn thì chắc chắn sẽ thu hút được khán giả", ông Trường nói thêm.
Bà Pimporn Chuaarunprasert, một thành viên của đoàn thể thao Thái Lan, bày tỏ sự thán phục trước lượng CĐV đông đảo của Việt Nam. Dù vậy, bà Chuaarunprasert cũng góp ý rằng ban tổ chức nên có một số định hướng để việc cổ vũ được chuyên nghiệp hơn.
Công bằng mà nói, CĐV Việt Nam rất đông và rất cuồng nhiệt nhưng cũng gây ra một số phiền toái. Ở nhiều nhà thi đấu, các khán giả ùa vào khu vực tác nghiệp của phóng viên, thản nhiên di chuyển qua lại ngay cạnh khu vực thi đấu, đôi lúc... đi lạc cả vào phòng thay đồ.
Lỗi của những vấn đề này đến từ sự thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức. Một vấn đề khác là khi VĐV thi đấu, nhiều khán giả vô tư dùng điện thoại bật đèn flash để chụp hình. Đây là quy tắc mang tính thường thức của thể thao chuyên nghiệp và ban tổ chức cũng chỉ biết trông cậy vào sự tự giác của CĐV...
Xem bóng đá khác với xem quần vợt hay bóng bàn... Nếu ban tổ chức phổ biến rộng rãi những quy định đến với các CĐV trước khi họ bước vào nhà thi đấu thì những hình ảnh luộm thuộm nói trên đã không xảy ra.
Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm để làm đẹp hơn nữa hình ảnh CĐV Việt Nam.
HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
Ông Trần Đức Phấn, trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho biết Việt Nam đủ sức cạnh tranh thành tích ở đấu trường SEA Games nhưng ở đẳng cấp Asiad, Olympic thì kém nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines.