Nhìn lại năm 2022: Hàng loạt “ông lớn” công nghệ tiến hành tái cơ cấu

Chia sẻ Facebook
30/12/2022 09:24:15

Làn sóng tái cơ cấu của các hãng công nghệ lớn trở nên dồn dập và trở thành đề tài thu hút sự chú ý vào những tháng cuối năm 2022, với hàng trăm hàng nghìn nhân viên bị mất việc làm chỉ trong vỏn vẹn có vài tháng. Meta, Twitter hay Google là những “ông lớn” đi đầu trong việc cắt giảm nhân sự trên diện rộng.


Theo thống kế, trong thập niên qua, khi lĩnh vực công nghệ phát triển, số lượng việc làm trong ngành này cũng gia tăng một cách nhanh chóng. Số liệu của tổ chức phi lợi nhuận CompTIA chỉ ra rằng lĩnh vực công nghệ đã có thêm 2,3 triệu việc làm mới trong thời gian từ năm 2009 đến 2019.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều đặc quyền dành cho nhân viên được tăng lên khi họ được phép làm việc tại nhà và cá nhân hóa lịch trình làm việc. Họ cũng có thể nhận được các khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe và đi lại khắp thế giới trong khi vẫn làm việc và hưởng lương. Một số công ty thậm chí còn cho phép nhân viên nghỉ làm vào các ngày thứ 6 hàng tuần.


Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của quá khứ. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào tình trạng bất ổn, những lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc suy thoái, áp lực từ lạm phát gia tăng, tình hình xung đột tại Ukraine… nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ phát hiện ra những điểm bất cập, như công ty đang có quá nhiều nhân viên, song hiệu quả công việc chưa tương xứng với số lượng nhân sự và những ưu đãi họ được hưởng. Vậy nên, cắt giảm chi phí là điều cần thực hiện ngay. Theo đó, làn sóng tái cơ cấu công ty, tinh gọn bộ máy nhân sự để hướng tới cải thiện hiệu suất đã diễn ra đồng loạt ở lĩnh vực công nghệ trong năm 2022


Tạp chí Business Standard cho biết rằng ông Mark Zuckerberg, người sáng lập Meta (công ty mẹ của Facebook), là CEO hãng công nghệ lớn tại Mỹ “nổ phát súng đầu tiên” cho làn sóng này. Để ứng phó với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Meta từng tuyển dụng nhân sự trên diện rộng trong 2 năm qua, tăng số lượng từ 48.000 nhân viên vào cuối năm 2019 lên 77.800 người vào đầu năm nay. Tuy nhiên, vị CEO này đã dự đoán rằng nền kinh tế thế giới đang chuẩn bị rơi vào một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất lịch sử và từ đó quyết định đóng băng tuyển dụng, đồng thời sa thải nhiều nhân viên để tiết giảm chi phí hoạt động xuống mức thấp nhất.

Ông thừa nhận rằng mình đã lạc quan quá mức khi tính toán sự tăng trưởng của hãng, dẫn đến tuyển dụng quá nhiều nhân sự. Hồi giữa tháng trước, Meta thông báo đã cắt giảm 11.000 lao động, tương đương 13% tổng số nhân sự của công ty này.


Trong khi đó, CEO của Google, ông Sundar Pichai, cho hay: “Rõ ràng hiệu suất hoạt động của chúng tôi hiện chưa tương ứng số lượng nhân viên mà chúng tôi có. Chúng tôi cần tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tập trung vào sứ mệnh, sản phẩm và khách hàng của doanh nghiệp” . Được biết, Google đang cân nhắc việc tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, đóng băng tuyển dụng và đầu tư cho đến năm 2023, đồng thời thúc đẩy nhân viên làm việc năng suất hơn thời điểm hiện tại.


Ông Brian Olsavsky, Giám đốc Tài chính của Amazon, phát biểu rằng công ty đang thừa nhân sự sau khi thực hiện tuyển dụng quy mô lớn trong 2 năm đại dịch. Điều này dẫn đến hiệu quả công việc bị ảnh hưởng và theo đó “gã khổng lồ” ngành thương mại điện tử này buộc phải tạm dừng phát triển các cơ sở văn phòng mới, đồng thời cân nhắc sa thải bớt một lượng nhân viên trong tương lai.

Tập đoàn phần mềm Microsoft, hãng máy tính HP, ứng dụng nhắn tin Snapchat hay công ty cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Lyft… đã cắt giảm một số nhân viên thuộc các bộ phận nhất định. Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase Global cũng thông báo tạm ngừng tuyển dụng tất cả các vị trí công việc mới do các điều kiện thị trường hiện tại.

Đối với Twitter, ngay sau khi nắm quyền, chủ sở hữu mới, ông Elon Musk, đã cắt giảm tới 50% lực lượng lao động của hãng này, chấm dứt hình thức làm việc từ xa, dừng phụ cấp cho nhân viên và biến văn phòng tại trụ sở chính của Twitter ở San Francisco thành phòng ngủ được trang bị tủ quần áo và máy giặt. Ngày nghỉ ngơi được áp dụng trong toàn công ty cũng đã biến mất khỏi thời gian biểu… Tính đến nay, mạng xã hội này chỉ còn vỏn vẹn 2.700 nhân sự. Trước đó, với tư cách CEO của Tesla, ông Musk cũng đã cho đóng cửa văn phòng của hãng xe điện này tại San Mateo ở tiểu bang California và cắt giảm khoảng 200 nhân sự nơi đây.


Cách điều hành của ông Elon Musk đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân viên, nhưng lại nhận được sự tán đồng từ CEO của các doanh nghiệp công nghệ khác. Đối với những người có công ty riêng phát triển quá nhanh trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, ông Elon Musk chính là người mang lập ra hình mẫu về việc có thể giảm bớt tình trạng “phình to” khi rủi ro suy thoái kinh tế ập đến.


Ông Andrew Chen, Giám đốc cấp cao của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, chia sẻ: “Những động thái của ông Musk tại Twitter tạo động lực để những người ở vị trí lãnh đạo đưa ra quyết định khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, những quyết định mà trước đây họ không nghĩ tới” . Nhiều CEO khác cũng thừa nhận rằng họ coi mô hình tái cơ cấu của Twitter như một ví dụ điển hình về tính hiệu quả và đồng thời đang loại bỏ dần các hoạt động không thực sự thiết yếu để tiết kiệm chi phí.

Chia sẻ Facebook