Nhìn lại mùa hè đỏ lửa năm 1972 qua bộ phim hay nhất về đề tài chiến tranh Việt Nam
“Mùi cỏ cháy” là bộ phim điện ảnh được Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng trao tặng bằng khen cho phim hay nhất về đề tài chiến tranh.
Đây cũng là tác phẩm đạt được nhiều giải thưởng danh giá như Bông Sen Bạc, Cánh Diều Vàng.
Phim lấy bối cảnh trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng trị, khắc hoạ lại một phần sự ác liệt của mặt trận Bình - Trị - Thiên. Dựa trên cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bộ phim đã xây dựng nên hình tượng những người lính trẻ Hà thành cùng sự hi sinh anh dũng của những chàng trai mới mười tám đôi mươi.
Ngày 6/9/1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng nghìn sinh viên thuộc các trường Đại học tại Hà Nội đã tạm gác bút, tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, bổ sung lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong số đó có bốn chàng sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp là Hoàng, Thành, Thăng, Long. Trước khi đi, cả bốn người cùng nhau chụp một tấm ảnh kỷ niệm tại Công viên Thống nhất và hẹn nhau ngày toàn thắng trở về sẽ lại ra đây chụp nữa.
Bốn chàng trai ở độ tuổi xuân xanh cùng nhau ra trận, gửi lại những giấc mơ còn đang dang dở cùng mùa hè đầy tiếng ve kêu. Hình ảnh những chàng tân binh tươi trẻ được khắc hoạ rõ nét ở phần đầu bộ phim. Họ ra đi với cây đàn ghi-ta, với đời sống văn thơ của những tâm hồn lãng mạn. Xen giữa những buổi luyện tập gian khổ là những buổi sinh hoạt văn nghệ, cùng nhau đọc thơ, hát chèo đầy hồn nhiên.
Năm 1972, quân Mỹ điên cuồng tấn công thành cổ, gây sức ép cho quân ta. Với chỉ thị “giữ vững trận địa, quyết không cho quân địch cắm cờ trên nóc thành cổ”, mùa hè năm đó đã trở thành một “mùa hè đỏ lửa”. Kể từ đây, bộ phim được bao trùm một màu sắc u tối, khói lửa chiến tranh chính thức ập tới.
Sông Thạch Hãn chính là thử thách đầu tiên. 107 người trong Đại đội cùng nhau qua sông, nhưng sang đến nơi chỉ còn lại 49 người. 58 người con đã mãi mãi nằm lại nơi lòng sông lạnh lẽo khi trên đầu họ máy bay địch vẫn liên tục thả bom.
81 ngày đêm tại chiến trường Quảng Trị, hơn 16.000 người đã ngã xuống, vùi mình dưới lòng thành cổ để giữ lấy từng mét vuông đất, giúp Việt Nam có được lợi thế trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Hoàng, Thành, Thăng, Long, những chàng sinh viên Thủ đô khi ấy còn rất trẻ. Bốn người ra đi nhưng chỉ có một người quay trở về, được chứng kiến cảnh đất nước hoà bình, thống nhất. Ba người đã mãi mãi ở lại độ tuổi hai mươi, vì sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của đất nước, vì ngôi sao vàng trên lá quốc kỳ. Lời hứa trở về với giảng đường, với Thủ đô, cùng nhau chụp chung một bức ảnh đã mãi mãi không bao giờ có thể thực hiện được.
Những lời thoại đáng suy ngẫm trong phim:
Nguyên văn lời thoại này được lấy từ lá thư liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết năm 1971: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. 30/4/1975, T sẽ trả lời cho P câu: Hạnh phúc là gì?”.
Chiến tranh ác liệt, hai thế giới nằm ở hai bên bờ con sông Thạch Hãn. Mỗi người lính hiện diện ở Thành Cổ Quảng Trị phải hứng chịu hàng chục tấn bom, hàng trăm viên đạn pháo.
Hàng nghìn con người nằm xuống, tuổi hai mươi của các anh gửi lại trong lòng đất mẹ Quảng Trị, xương máu các anh hoá thành hình hài đất nước.
“Mẹ ơi, khi nước nhà thống nhất, mẹ đón con về mẹ nhé! Con nằm cách chân tường Thành Cổ góc Đông Nam chỉ mười mét thôi mẹ ạ. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu… Lạy mẹ con đi!”. Lời thư của nhân vật Thành được lấy cảm hứng từ “lá thư tiên tri” có thật của một liệt sĩ. Đã có rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng không còn được nhìn thấy mặt con.
“Mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã thành ký ức… Chỉ còn mình tôi đang lên đường thực hiện ước mơ của bao bạn bè cùng lên đường năm ấy. Chúng tôi đang đi đến ngày toàn thắng!”. Người này ngã xuống thì người khác đứng lên, ước mơ về một ngày đất nước thống nhất, sạch bóng quân thù luôn được viết tiếp và sẽ không bao giờ ngừng lại.
81 ngày đêm tại thành Quảng Trị, chúng ta đã mất đi rất nhiều những người cha, người anh, người con. Họ chính là biểu tượng cho một thế hệ không lùi bước, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh vì lý tưởng chung của toàn dân tộc.
Cuối phim, nhân vật Hoàng nhận lại tấm ảnh kỷ niệm của cả bốn người năm nào.Những gì chúng ta thấy trên phim chỉ là một phần rất nhỏ trong số vô vàn những mất mát đau thương mà chiến tranh đem lại. “Tự do, hoà bình không phải dễ. Có được bây giờ cố mà giữ” (Trích lời Trung uý Quách Minh Sơn).
“Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm”. Xuyên suốt cả bộ phim còn là những câu thơ, những lời thư đầy cảm động, gợi nhắc về một thời đạn bom khói lửa để đi đến hoà bình ngày hôm nay.
“Mùi cỏ cháy” đã trở thành một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Một quá khứ hào hùng, bi tráng nhưng cũng đầy mất mát đau thương cách đây 50 năm được tái hiện qua những thước phim đầy cảm xúc.
Giữa những ngày hè lịch sử, bộ phim như nóng dần trở lại, góp phần giáo dục và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng biết ơn của những người trẻ đối với thế hệ cha anh.