Nhìn lại một thời Quốc văn giáo khoa thư
Điều gì đã xui khiến tôi quá tha thiết và tiếc nhớ những quyển Quốc văn Giáo khoa thư ấy?
Theo lý thuyết của ông tổ ngành Phân tâm học (Psychanalyse) là Sigmund Freud, những năm 7-8 tuổi là thời khoảng mà những gì đứa trẻ tiếp nhận được ở sách vở, trong gia đình, trong giáo dục học đường, có ảnh hưởng sâu đậm lên nhân cách của chúng khi trưởng thành. Nhiều chế độ toàn trị trên thế giới không ưa Freud, nhưng họ áp dụng khá triệt để lý thuyết của ông. Họ cố nhồi nhét vào tâm hồn của trẻ những bài học về sự tin tưởng và trung thành tuyệt đối vào chế độ mà chúng đang sống, vì thế mà các tài liệu giảng dạy, tuyên truyền ở những nước này nặng phần chính trị mà nhẹ hẳn phần giáo dục nhân cách.
Với thế hệ 4x-5x trở về trước, tại cả ba miền Trung-Nam-Bắc, lý thuyết của Freud được thực tế công nhận là chính xác, ít nhất là với những người đồng cảm với tôi. Tôi còn nhớ chỉ sau hơn 10 -15 năm rời xa những quyển sách giáo khoa đầu đời có tên là Quốc văn Giáo khoa thư ấy, tôi bỗng nhớ chúng da diết, muốn bằng mọi cách tìm lại chúng như tìm lại những hình ảnh sâu đậm thời thơ ấu của mình.
Năm 24-25 tuổi, đi “làm quan” xa, tôi bỗng nghiệm ra rằng đây là dịp để “hối mại quyền thế” , tìm cho được những quyển sách học đầu đời ấy.
Sáng nọ, sau buổi làm việc với các chi, sở ở quận, tôi lưu ông Nguyễn Chung K., Hiệu trưởng trường Tiểu học Cộng đồng, lại, và ngỏ ý mong ông cố tìm cho hai quyển Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị và lớp Sơ đẳng (lớp 2 và lớp 3 bây giờ). Ông hiệu trưởng hiền lành ấy cảm thông nỗi lòng của con người kỳ lạ kia, ông về tỉnh tiếp xúc với các nhà giáo lão thành đã về hưu và rinh về cho tôi quyển Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị.
Không thể nói lên hết nỗi vui mừng của anh viên chức trẻ lúc bấy giờ.
Vào năm 1974, tôi lại một lần hối mại quyền thế nữa, với tư thế nhân vật số 3 trong bộ máy hành chánh tỉnh Bình Dương. Lần này là sau cuộc cách mạng hành chánh, người giúp tôi là ông Hà Văn G., một nhà giáo thâm niên, Trưởng phòng tại Ty Giáo dục, được đưa về Cơ quan chính quyền tỉnh (trước là Tòa hành chánh) làm Trưởng Ty Công vụ. Ông tìm cho tôi được quyển Quốc văn Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng. Tôi gìn giữ chúng như những kỷ vật bằng vàng.
Sau 30.4.1975, những biến động to lớn của thời cuộc đã đẩy tôi đi xa nhà một thời gian khá dài, khi trở về háo hức tìm lại những kỷ vật ấy thì chúng không còn nữa. Những đứa cháu của tôi không đánh giá được sự trân quý của chúng nên đã không gìn giữ cho tôi. Tôi buồn bã, tiếc rẻ suốt một thời gian dài.
Bởi vì ngoài giá trị những kỷ niệm của một thời thơ ấu êm đềm, chúng đã dạy cho tôi những bài học đầu đời về đạo làm người, về những cách hành xử hợp với lẽ phải trong cuộc sống.
Chúng dạy tôi về chuyện ông Lưu Khoan, làm quan to, mặc triều phục chuẩn bị đi chầu vua, cô thị tỳ bưng bát cháo cho ông, cháo nóng quá, lỡ tay đổ cháo vào áo. Cô gái nhỏ sợ mất vía, lấy tay vuốt lớp cháo dính trên áo ông quan, đợi chờ một cơn thịnh nộ. Song cô khá bất ngờ khi ông nhìn cô và hỏi nhẹ: “Mi có bị phỏng tay không?” . Đó là bài học về lòng khoan dung đối với kẻ dưới.
Chúng dạy tôi về chuyện ba anh em họ Điền, lớn lên đã có gia đình riêng, bàn nhau chia tài sản của cha mẹ để lại, ganh nhau từng món một. Đến cái cây cổ thụ trước nhà, không ai chịu nhường ai, cuối cùng phải thỏa thuận đốn hạ cây xuống, xẻ gỗ chia đều cho cả 3 người.
Buổi sáng nọ, ra sân, nhìn thấy cây héo rũ, chết khô, người anh cả sững sờ hồi lâu rồi ôm gốc cây khóc nức nở. Hai người em thấy vậy lấy làm lạ, hỏi cái cây đáng giá bao nhiêu mà sao anh khóc to như vậy? Người anh ôn tồn trả lời rằng, cái cây từ một gốc sinh ra, từ đó sinh ra cành, nhánh, như cha mẹ sinh ra anh em mình vậy. Chắc nó nghe được anh em ta định xẻ nhánh, xẻ cành gây ra cảnh chia lìa anh em, nó buồn, nó chết. Nay anh em ta cũng như cái cây đó, không biết thương nhau, tranh giành quyền lợi rồi chia lìa nhau, nghĩ như vậy mà anh khóc. Hai người em nghe đến đó, tỉnh ngộ, ôm người anh cùng khóc, từ đó không nghĩ đến sự tranh giành, chia lìa với nhau nữa. Đó là bài học về tình nghĩa anh em trong gia đình.
Chúng dạy tôi bài học “Không nên báo thù” , kể về câu chuyện một người thợ trong lúc làm việc, có chuyện cãi vã với anh hào phú thuê mướn anh, bị người chủ tức giận, ném viên đá vào người. Anh thợ cố nén giận, lượm viên đá cất đi, định bụng khi có dịp sẽ trả thù. Ít lâu sau, người hào phú làm ăn sa sút, bị sạt nghiệp, phải xách bị đi ăn mày. Bữa nọ, người ăn mày đi ngang nhà anh thợ cũ, anh nhớ mối hận xưa, vào nhà lấy viên đá còn cất kỹ, định mang ra ném lại anh ăn mày. Nhưng bỗng nhiên, một ý nghĩ lóe sáng trong đầu anh: “Ngày xưa, anh ta giàu sang, quyền thế, mình báo thù là mình dại, bây giờ anh ta sa sút, phải đi ăn mày, mình báo thù là mình hèn. Thôi, ta không nên báo thù nữa” . Nghĩ xong, anh thợ ném hòn đá xuống ao.
Bài học về cách ứng xử ở đời đó in sâu vào tâm khảm cậu bé 8-9 tuổi, đeo đẳng cho đến khi cậu bé đến quá tuổi 30, bước chân vào trại cải tạo, chợt nhớ đến cách hành xử của kẻ thắng, người thua, kẻ thành, người bại!
Mang tính thời sự gần gũi hơn hết có lẽ là bài học về cách dùng người rất đáng lọt vào mắt xanh của các quan chức đời nay. Sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng (lớp Ba) kể rằng ông Tô Hiến Thành là quan đầu triều, khi lâm bệnh, có một thuộc quan là Vũ Tán Đường hết lòng tận tụy, chăm sóc ông trong nhiều ngày liền. Bà Thái hậu lo ông không qua khỏi, bèn hỏi ông nếu chuyện không may xảy ra thì ông nên tiến cử ai thay mình, ông đáp ngay: Trần Trung Tá. Bà thái hậu tròn xoe đôi mắt: “Sao Vũ Tán Đường khó nhọc chăm sóc ông nhiều ngày trời, ông không tiến cử, lại tiến cử Trần Trung Tá, vì bận việc, chẳng bao giờ đến thăm ông”. Ông Tô thản nhiên trả lời: “Nếu thái hậu hỏi tôi về người hết lòng tận tụy, chăm sóc người thân khi đau yếu, tôi tiến cử ngay Vũ Tán Đường, đằng này thái hậu hỏi tôi về người có thể thay tôi làm việc nước, tôi chỉ có thể đề nghị Trần Trung Tá mà thôi”. Tình riêng và nghĩa chung cần phải được rạch ròi là như thế!
Tôi nghĩ bài học này thật có ích với những quan chức chỉ lo chuyện tiến cử vợ con, anh em, họ hàng vào ghế quan trường, tối thiểu họ cũng biết xấu hổ khi làm bậy.
Trong Quốc văn Giáo khoa thư còn nhiều, rất nhiều những bài học như thế: kính trọng người già cả, lễ phép với người tàn tật, có hiếu với cha mẹ (chuyện ông Tử Lộ đội gạo), lòng kính yêu chị (chuyện ông Lý Tích làm quan to, bà chị đau, ông đến đích thân đến nấu cháu cho chị, bị lửa táp cháy râu), không nên hành hạ loài vật…
Khoảng thập niên 1990-2000, nhà xuất bản Trẻ đã làm một việc có ý nghĩa là cho in lại mấy quyển Quốc văn Giáo khoa thư xưa, song tiếc một điều là chúng không gợi lại được nhiều kỷ niệm ở những người trên dưới lớp tuổi “xưa nay hiếm” , vì hình thức trình bày hoàn toàn khác lạ: giấy trắng, láng (xưa giấy đen, dày) nên hình ảnh không trung thực so với hình ảnh ngày xưa, cách xếp đặt, bố trí các trang rất khác…
Về sau một số người sống ngoài nước đã cố thể hiện hình ảnh cũ của Quốc văn Giáo khoa thư bằng các file pdf, rất trung thực so với sách cũ, song tiếc rằng quan điểm chính trị của những người có quyền ở Việt Nam đã khiến cho những tài liệu học tập có giá trị của thế hệ 1930-1950 không còn phổ biến được nữa.
Dù việc làm của nhà xuất bản Trẻ chỉ thỏa mãn được một số người có lòng hoài niệm cái đẹp ngày xưa, không làm động lòng ai trong những quan chức giáo dục thời hiện đại, coi sách giáo khoa là một phương tiện để làm giàu ngân sách, song chỉ riêng việc in lại và phổ biến Quốc văn Giáo khoa thư như một sách tham khảo cũng đáng để biểu dương những người có trách nhiệm ở nhà xuất bản này.
Bao giờ cho đến ngày xưa nhỉ? Thôi thì xin mời các bạn xem lại một số bài học mà thế hệ chúng tôi đã nằm lòng từ thời thơ ấu.
Trân trọng,
Lê Nguyễn
Louisville 17.10.2020
Đăng lại từ Facebook nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
Xem thêm cùng tác giả :
Mời xem video :