Nhìn lại đại ôn dịch Justinian và những bài học lịch sử

Chia sẻ Facebook
20/05/2023 03:06:42

Constantinople là trung tâm thương mại thịnh vượng, nhưng tường thành và sự phát triển không thể giúp nó tránh được đại ôn dịch Justinian.


Khi Justinian Đại Đế còn tại vị (527-565), địa vị quân sự của Đế chế Byzantine Đông La Mã là độc tôn, đất nước vô cùng hùng mạnh, toàn bộ đế chế cũng rất xa hoa. Constantinople, thủ đô của Đông La Mã được coi như thiên đường của người Tây Âu. Bao quanh Constantinople là nước và một bức tường thành được xây dựng ở mặt hướng về đất liền. Hàng hóa Á-Âu được tập trung tại đây, khiến thành phố trở thành trung tâm công nghiệp và thương mại thịnh vượng bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên tường thành và sự phát triển đã không thể giúp Constantinople tránh được đại ôn dịch Justinian.

Tranh vẽ Constantinople. (Tranh: DeliDumrul, Coppermine Photo Gallery, Public Domain)

Trước khi đại ôn dịch xảy ra, trong những năm 530, khói độc tràn ngập Đế chế Đông La Mã, ngăn cản ánh mặt trời và khiến nạn đói xảy ra, ảnh hưởng tới cả châu Âu và Trung Đông. Người ta cho rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi Đông La Mã…

Đại ôn dịch

Vào mùa xuân năm 542, một trận ôn dịch đã xâm chiếm thủ đô Constantinople rất khó bị công phá ngay cả trong chiến tranh. Khi ôn dịch lên đến đỉnh điểm, hơn 5.000 người chết mỗi ngày ở Constantinople, sau đó con số này đã tăng lên 7.000 người đến 10.000 người, nhiều nhất là 16.000 người. Một thành phố phồn thịnh đột nhiên trở thành địa ngục trần gian, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu.


Dịch bệnh chấm dứt sau 4 tháng hoành hành ở Constantinople. Mọi người nghĩ rằng thảm họa đã kết thúc, nhưng không ngờ đó chỉ là một “khoảng nghỉ”. Ôn dịch dường như đi theo một tuyến đường đã được thiết lập và tiếp tục lan rộng từ nơi này sang nơi khác. Năm 558, nó bất ngờ quay trở lại Constantinople, càn quét toàn bộ thủ đô lần thứ hai, giết chết một lượng lớn cư dân.

(Tranh: Plague in an Ancient City, họa sĩ Michiel Sweerts, 1652-1654, Los Angeles County Museum of Art, Public Domain, Wikipedia)

Ngay cả hệ thống hỗ trợ y tế công cộng rất phát triển của đế quốc tại Constantinople cũng bất lực trước ôn dịch. Các bác sĩ không thể cung cấp phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, bản thân họ cũng chết vì nhiễm bệnh.

Số lượng lớn người chết tăng đột biến khiến tốc độ chôn cất không bắt kịp với tốc độ tử vong. Ban đầu, chính quyền còn ghi nhận các thi thể được vận chuyển ra khỏi thành phố khi đi qua cổng thành. Nhưng khi số lượng lên tới 230.000 người, họ đã ngừng thống kê, vì số lượng thi thể quá nhiều không đếm xuể.

Khi tất cả các ngôi mộ đã được lấp đầy, mọi người phải đào hố khắp nơi để chôn cất người chết. Sau này họ trèo lên ngọn tháp của pháo đài bên kia sông ở phía Bắc thủ đô và ném thi thể xuống từ mái nhà mở. Tất cả các tòa tháp đều chất đầy xác chết. Khi gió thổi đến, cả thành phố tràn ngập mùi hôi thối.

Justinian Đại Đế đã dùng rất nhiều tiền để kêu gọi người dân vận chuyển và chôn cất người chết. Ông đã cho đào nhiều hố sâu khổng lồ. Người ta ghi lại rằng một hố có thể chôn tới 70.000 xác chết. Sau khi các thi thể bị ném xuống hố lớn, công nhân ở đáy hố xếp các thi thể thành từng hàng chồng chất ngổn ngang. Bất kể đàn ông, phụ nữ, trẻ hay già, giàu hay nghèo, cuối cùng họ đều được chôn cất cùng nhau theo từng lớp san sát.

Người giàu lo lắng rằng họ sẽ bị ném vào những ngôi mộ tập thể như người nghèo sau khi chết, hoặc thi thể sẽ bị chó hoang ăn trên đường. Vậy nên khi đi ra ngoài, họ sẽ dán mác chứng minh thân phận của mình lên dây chuyền và vòng đeo tay, hy vọng rằng khi mình đổ bệnh ngã xuống đường phố và qua đời, người thân sẽ có bằng chứng xin được nhận xác.

Ở các thành phố, nhà nhà đều đóng chặt cửa. Không thấy người đi bộ trên đường phố. Nếu nhìn thấy bóng ai đó, thì đó chắc chắn là người phục vụ việc di chuyển người chết.

Dù là nhà giàu hay nhà nghèo, dịch hạch đều gõ cửa. Tại một số thành phố và làng mạc ở Palestine, hơn một nửa cư dân của toàn thành phố đã chết, và một số khu vực không một ai may mắn sống sót.

Các thành phố bị tê liệt, tất cả hoạt động giải trí đã chấm dứt, không còn giao dịch, thủ công mỹ nghệ và các ngành dịch vụ bị đình trệ, lương thực không có người thu hoạch. Sau dịch bệnh là nạn đói, giá cả tăng cao. Một số người đã thoát khỏi bệnh dịch, nhưng không thoát khỏi nạn đói, cuối cùng cũng chết vì đói.


Ôn dịch ảnh hưởng đến không chỉ một thế hệ mà vài thế hệ. Từ năm 541 đến năm 700, châu Âu mất một nửa dân số, số ca tử vong do dịch bệnh cũng được ghi nhận ở những nơi khác ngoài châu Âu. Ước tính tổng số người chết trong lần dịch bệnh này là gần 100 triệu người. Trận đại ôn dịch này hoành hành dưới triều đại Justinian nên lịch sử còn gọi nó là “Đại ôn dịch Justinian”.

Những triệu chứng kỳ lạ

Không giống như các dịch bệnh khác, đại ôn dịch Justinian có nhiều biểu hiện khó nắm bắt.

Một số người không có triệu chứng, không sốt và không đau, nhưng khi đang nói chuyện, lại đột nhiên ngã xuống đất. Một số người đột nhiên chết khi cúi xuống nhặt tiền, một số người chết đột ngột, cơm trong miệng còn chưa kịp nuốt…

Một số người nói lung tung như một kẻ điên, ngã xuống đất, sùi bọt mép, đôi mắt trợn ngược. Một số người điên loạn, gặm tay và ăn thịt của chính mình, cho đến khi họ kiệt sức và chết.

Một số người bị mất ngủ, một số người thèm ngủ, một số người la hét và chạy lồng lên tứ phía. Một số khác lại khát nước không thể chịu được, chỉ thích nhảy xuống nước, nhảy xuống sông và xuống biển.

Nhiều người mọc mụn mủ đen ở nách, háng, có kích thước bằng quả đậu lăng.

Một bức tranh nổi tiếng mô tả những triệu chứng của bệnh dịch hạch. (Tranh: The Plague at Ashdod, Họa sĩ Nicolas Poussin, 1630, Louvre Museum, Public Domain, Wikipedia) (Xem bài: “Dịch hạch ở Ashdod”: Một tác phẩm độc đáo của Nicolas Poussin)

Các bác sĩ rất khó tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cũng không thể dự đoán liệu bệnh nhân sẽ chết hay hồi phục. Cùng một phương pháp điều trị, hiệu quả có thể hoàn toàn ngược lại. Dù có điều trị hay không, một số bệnh nhân vẫn sẽ chết, nhưng một số người được dự đoán sẽ chết lại sống sót. Những nỗ lực của bác sĩ gần như vô ích.

Sau khi bị nhiễm bệnh, một số người sẽ hồi phục mà không cần điều trị, một số khác cũng hồi phục nhưng lại chết trong đợt dịch tiếp theo.

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh. Những người còn trẻ và có sức khỏe rất tốt, ngay cả khi nhiễm bệnh nhẹ, cũng có thể chết chỉ trong vài ngày.

Có thể nói việc sống sót sau dịch bệnh không phải là vấn đề về miễn dịch, điều trị hay phòng ngừa và kiểm soát truyền nhiễm.

Vào thời điểm đó, nhiều người nói rằng khi họ mắc phải bệnh, họ đã nhìn thấy ma quỷ. Một số người đã nhìn thấy ảo ảnh trong giấc mơ và phải chịu đựng sự tra tấn của ác quỷ. Có người nghe thấy một giọng nói rằng họ đã được đưa vào danh sách phải chết. Người như vậy chẳng bao lâu sau thì mất mạng. Mọi người không thể không tin rằng dịch bệnh đã đến thế gian theo một sự sắp xếp an bài, nó sẽ lựa chọn một số người và mang họ đi.

Bí ẩn dịch tễ học

Các nghiên cứu hiện đại đã kết luận rằng ôn dịch Justinian có thể là dịch hạch bạch huyết có khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao, lây lan qua các thể giọt bắn.

Trận dịch đầu tiên xảy ra ở Ai Cập vào năm 541. Thông qua con đường thương mại và thám hiểm quân sự, nó đã lan rộng ra toàn bộ đế chế Đông La Mã và mở rộng ra bên ngoài. Dịch bệnh bùng phát ở Constantinople vào năm 542, sau đó xâm chiếm thành phố Verona, Marseille và các thành phố khác. Năm 543, dịch bệnh xâm chiếm toàn bộ Ý và Syria, rồi lan sang Ba Tư.

Con đường lây nhiễm có vẻ là ngẫu nhiên, nhưng lại cũng rất hệ thống. Nó lan đến tận cùng thế giới theo hai hướng, như thể chỉ e một góc nào đó bị bỏ lỡ. Ngay cả những cư dân sống trên đảo, trong hang động và vùng núi cũng không được buông tha.

Dịch bệnh đã hoành hành ít nhất 5 lần trong một thế kỷ, với ba ổ dịch ở Đông Nam Tây Ban Nha, Gaul và Bắc Phi. Miền tây nước Anh và các khu vực ven biển phía đông Ireland từng hai lần bùng phát dịch.

Nếu dịch hạch Justinian được giải thích theo dịch tễ học hiện đại, sẽ có rất nhiều ẩn số không thể giải đáp.

Nó không có thời gian bùng phát cố định trong năm và thời gian cách ly cũng không thể dự đoán. Nó bùng phát vào đầu mùa Đông ở khu vực này, nhưng lại bùng phát vào mùa Xuân, mùa Hè hoặc mùa Thu ở các khu vực khác. Có ghi chép chỉ ra tính chu kỳ lớn, rằng đại ôn dịch bùng phát theo định kỳ, với chu kỳ 15 năm, và lan rộng khắp châu Âu.

Tại một khu vực, dường như dịch bệnh phải lấy đi một lượng người tử vong nhất định trước khi nó rời đi. Do đó số người chết ở nơi này gần bằng với số người chết ở các khu vực lân cận trước đó.

Thần Chết tới trước, quỷ dịch theo sau. (Tranh: Death and the Devil Surprising Two Women, họa sĩ Daniel Hopfer, 1515, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Một số thành phố đã bị phá hủy, thậm chí không một ai còn sống sót. Nhưng tại sao một vài thành phố chỉ bị ảnh hưởng đôi chút bởi thảm họa và không ảnh hưởng đến sự phát triển liên tục của nó? Chẳng hạn trong những năm khi dịch bệnh lan đến, tại sao tất cả bộ lạc Hung Nô đều bình an vô sự? Đôi khi trong một thành phố, chỉ có một hoặc hai hộ gia đình bị nhiễm bệnh, các gia đình khác trong thành phố vẫn an toàn.

Một số người không bị nhiễm bệnh nghĩ rằng họ đã thoát khỏi bệnh dịch, nhưng lại chết vào đợt dịch năm sau. Một số cư dân đã trốn thoát thành công khỏi khu vực dịch bệnh, đến một thành phố khác không có dịch. Nhưng đợi đến khi dịch bệnh xảy ra ở thành phố ấy, thì những người bị nhiễm bệnh lại là những người đã trốn thoát.

Bầu không khí bi quan lan rộng. Vào thời điểm đó, khi đã không còn cách giải thích nào hợp lý, người ta đã tin rằng không ai có thể biết được kết quả cuối cùng của dịch bệnh, bởi mọi thứ đều được Thiên Chúa kiểm soát, và chỉ có Thiên Chúa mới biết nguyên nhân và xu hướng của dịch bệnh.

Dịch hạch tại Thebes: “Người không hiểu biết thì có tội chăng?”

“Sự trừng phạt của Chúa”


Nhà sử học Byzantine nổi tiếng thời bấy giờ, Procopius xứ Caesarea , cho rằng ôn dịch Justinian đến từ sự trừng phạt của Thiên Chúa và giới trí thức Byzantine cũng nhìn nhận như vậy.


Nhà ghi chép biên niên sử John Malalas sống vào thời đó cũng nhận xét: “Thiên Chúa thấy rằng tội lỗi của loài người ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy Ngài đã trừng phạt loài người trên trái đất, phá hủy các thành phố và vùng đất tội lỗi.”

Nhiều người tin rằng đế quốc La Mã giàu có và vượt trội, từ lâu đã đam mê sự xa xỉ, say mê nhục dục và không tuân theo lời dạy của Thiên Chúa cũng như đạo đức của thế gian, vì vậy họ phải chịu nhận hậu quả.

Trên thực tế, trước đại dịch, người La Mã đã nhận được rất nhiều cảnh báo. Năm 512, núi lửa Vesuvius phun trào, sau đó là một loạt trận các động đất. Một trận động đất lớn khác vào năm 526 đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Kể từ năm 537, mặt trời trên bờ Địa Trung Hải thường bị che phủ bởi sương mù, mọi người không thể cảm nhận được nhiệt độ oi bức và không thể nhìn thấy bóng của mình ngay cả vào buổi trưa. Tình trạng này kéo dài suốt một năm. Những thảm họa liên tiếp không khiến người La Mã thức tỉnh. Khi bệnh dịch xảy ra, mọi người mới nhận ra rằng sự tích tụ của tội ác đã khiến họ phải gặp kiếp nạn.

Bức “The Last Day of Pompeii” (Tạm dịch: Ngày tàn của Pompeii), 1830-1833, mô tả cảnh người dân Pompeii khi thảm họa núi lửa Vesuvius phun trào xảy tới năm 79SCN, họa sĩ Karl Bryullov. Vụ phun trào ấy đã hủy diệt thành phố Pompeii. Sau này vào năm 512, núi lửa Vesuvius lại phun trào nghiêm trọng một lần nữa. (Tranh: Wikipedia, Public Domain) (Xem bài: Sự diệt vong của Pompeii và bài học gửi hậu thế)

Bệnh dịch đã thay đổi lối sống dễ chịu mà mọi người quen thuộc: người giàu điên cuồng hưởng lạc, giới trí thức hùng hồn đàm luận, các doanh nhân cân đong đo đếm… Nhưng trước nỗi sợ chết, đột nhiên mọi thứ đều vô nghĩa. Con người phát hiện ra rằng kiến ​​thức, sự giàu có, địa vị và thú vui, khát vọng mà họ theo đuổi trong suốt cuộc đời đều trở nên vô nghĩa. Mọi người bắt đầu xem xét lại các tiêu chuẩn thiện ác, đúng sai. Một số người sống cho qua ngày, vẫn hết mình hưởng lạc, trong khi những người khác tin vào Thiên Chúa hơn, nhìn thấy những ảo ảnh vô thường của cuộc sống nơi trần thế và thực lòng tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

Các tài liệu tại thời điểm đó đã ghi lại nhiều phép lạ về đức tin đã giúp con người tiêu tai trừ nạn. Cầu nguyện và hành hương trở nên phổ biến thời kỳ sau đó. Hàng ngàn thị dân đã tập trung và cùng nhau đi hành hương, cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ chống lại dịch bệnh.

Trong khi dịch bệnh cướp đi vô số sinh mạng, số Kitô hữu lại tăng lên từng ngày và Kitô giáo phát triển nhanh chóng. Một lượng lớn các tu viện cũng được thành lập và phát triển thịnh vượng trong thời kỳ này.

Niềm tin về nguyên nhân của đại dịch qua bức “Đại dịch ở Rome”

Giấc mơ đế chế tan vỡ

Khi một lượng lớn người dân của đế chế Đông La Mã bị lây nhiễm và qua đời, vua Justinian 60 tuổi cũng bị nhiễm bệnh. Người ta nói rằng từng có một người muốn làm phép thuật cho Hoàng đế, nhưng Justinian nói rằng ông sẽ luôn tin vào Thiên Chúa. Chẳng mấy chốc, Justinian đã hồi phục. Nhưng đế chế Đông La Mã thì không như thế.

Khi Justinian đầy tham vọng và đế chế còn đang mạnh mẽ, ông đã thu phục được nhiều nơi. Đế chế dưới quyền cai trị của ông gần như đã đạt đến thời kỳ hoàng kim, tái hiện lại ánh hào quang của Đế chế La Mã thống nhất. Nhưng một trận đại ôn dịch đã khiến Justinian bất lực.

Chính quyền bị tê liệt bởi bệnh dịch, thành phố bị thu hẹp và trật tự xã hội hỗn loạn. Khi Justinian qua đời vào năm 565, ngân khố trống rỗng, người dân thì nghèo đói. Quân đội La Mã đã giảm từ 650.000 người xuống còn 150.000 người.

Ngay sau cái chết của Justinian, những đội quân hùng mạnh kéo đến xâm lăng, lãnh thổ tiếp tục bị thu hẹp và sự cai trị tập trung đã bị thay thế bởi một cuộc nội chiến.

Bức “The Plague in Rome” (Tạm dịch: Đại dịch ở Rome), 1869, họa sĩ Jules-Élie Delaunay. (Public Domain)


Các đại dịch Antonine (165 – 180 SCN), Cyprian (249 – 262 SCN) đã khiến đế chế La Mã thống nhất bị chia cắt thành hai nửa Đông và Tây. Phần đế chế Đông La Mã mà Constantine Đại Đế (272-337 SCN) sùng đạo đặt định cơ sở tại Byzantium (sau này chính là Constantinople) thì trường tồn thêm 1000 năm, trong khi phần đế quốc còn lại thì đoản mệnh. Mặc dù mãi đến 1453 thì Đông La Mã mới kết thúc, nhưng ánh hào quang của đế chế La Mã đã thật sự lụi tàn sau đại ôn dịch Justinian (541 – 542 SCN).

Theo cách nói của Kitô giáo, cuộc đàn áp Kitô hữu dưới thời hơn 10 vị vua của Đế chế La Mã thống nhất và sự suy đồi đạo đức của người La Mã đã dẫn đến sự hủy diệt của đế chế này.

Nhiều người tin rằng cuộc sống cần sự thịnh vượng và khỏe mạnh, khi đạt được rồi thì sẽ hướng đến nhục dục và vui chơi. Họ cho rằng đạo đức và đức tin không quan trọng. Cũng có rất nhiều người La Mã tự hào rằng vinh quang của đế chế là phước lành do Thần mang tới. Nhưng họ lại u mê không nhận ra rằng khi con dân La Mã đi chệch khỏi quỹ đạo và liên tục rời xa Thần, thì Thần của họ sẽ lấy lại tất cả những gì mình từng ban tặng, kể cả vinh quang của đế chế, kể cả phước lành và hạnh phúc của con người.

Trong lịch sử nhân loại, có một quan niệm phổ biến rằng điều có thể cứu chuộc con người chính là tín ngưỡng. Dù là quá khứ hay hiện đại, khi các đức tin và tín ngưỡng bị đàn áp, khi hàng chục ngàn, hàng triệu, hàng chục triệu người có đức tin – dù là đức tin chân chính nào – bị bức hại và giết chóc, thì điều chờ đợi nhân loại trên toàn thế giới chính là những điều như đại ôn dịch Antonine, Cyprian hay Byzantium. Điều này thật sự có thể mặc khải được.


Theo The Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tần Thuận Thiên
Ninh Sơn biên tập

Bức tượng Đức Phật và chuyện đời của một nhà điêu khắc


Tài liệu tham khảo :

“Ôn dịch và sự sụp đổ của đế chế Tây La Mã” , Vương Diên Khánh “Nghiên cứu sơ bộ về tác động của ôn dịch Justinian” , Trần Chí Cường “Về tác động của Ôn dịch Justinian đối với dân số của Đế quốc Byzantine” , Lưu Dung Dung, Đổng Hiểu Giai “Thuyết về đại ôn dịch Justinian” , Thôi Diễm Hồng “History of the Wars” , Procopius “Nghiên cứu về thời đại Byzantine và Justinian thời kỳ đầu” , Từ Gia Linh “Hiện tượng mất trí nhớ của các nhà sử học Byzantine hiện đại, một nghiên cứu về Ôn dịch Justinian” , Trần Chí Cường, Vũ Bằng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook