Nhìn lại các nhiệm kỳ Tổng thống của ông Vladimir Putin

Chia sẻ Facebook
12/12/2023 03:33:44

Ông Vladimir Putin vừa tuyên bố sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào mùa xuân năm sau. Nếu đắc cử, ông sẽ tiếp tục đứng đầu nước Nga đến năm 2030.


Quyết định được Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đưa ra tại buổi lễ vinh danh các Anh hùng trong Ngày Tổ quốc hôm 8/12. Theo người phát ngôn Điện Kremlin, đây là một quyết định tự phát.


“Ông ấy đã được hỏi về vấn đề này và ông ấy đã trả lời câu hỏi đó. Nên đó là một quyết định hoàn toàn tự phát”, ông Peskov nói. Ông Peskov cũng lưu ý rằng dù ông Putin đã tuyên bố tái tranh cử, ông ấy vẫn chưa phải là ứng cử viên chính thức vì vẫn cần hoàn tất một số thủ tục cần thiết như đăng ký làm ứng cử viên.


Ngoài ra, “Không” là câu trả lời của ông Peskov khi được hỏi liệu ông Putin có nói hay thảo luận về ý định tái tranh cử vào năm 2024 với những người đồng cấp nước ngoài trong một loạt các cuộc tiếp xúc ngoại giao gần đây của ông hay không.


Trước đó, hôm 8/12, ông Putin đã đồng ý tái tranh cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2024. Ông Putin đã được ông Artyom Zhoga, người đứng đầu ngành lập pháp ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng do Nga bổ nhiệm, yêu cầu làm như vậy khi Tổng thống Nga gặp gỡ những người tham gia buổi lễ tôn vinh Ngày Anh hùng Tổ quốc ở Điện Kremlin. Ông Zhoga sau đó đã kể lại cuộc trò chuyện với các phóng viên.


Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin


Ông Putin, 71 tuổi, đang chuẩn bị cho lần tranh cử Tổng thống thứ 5. Nếu chiến thắng, ông sẽ giữ chức Nguyên thủ Quốc gia của Nga thêm 6 năm nữa, cho đến năm 2030.


Ông Putin lần đầu tiên được bầu vào chức vụ cao nhất của quốc gia vào năm 2000 với nhiệm kỳ 4 năm. Sau khi Tổng thống đầu tiên của nước Nga hiện đại là ông Boris Yeltsin từ chức vào ngày 31/12/1999, ông Putin được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống.


Vào ngày 12/1/2000, ông đã được đề cử làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống sớm, và ngày hôm sau ông Putin đã đồng ý tham gia, công bố quyết định tại quê nhà St. Petersburg, trong một bài phát biểu tại Đại học Quốc gia St. Petersburg.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với các quân nhân Nga được trao huân chương nhân dịp Ngày Anh hùng Tổ quốc tại Sảnh St. George, Cung điện Grand Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 8/12/2023. Ảnh: 9News

Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Artyom Zhoga, người đứng đầu ngành lập pháp ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng do Nga bổ nhiệm. Ảnh: TASS


Ông Putin tuyên bố tái tranh cử trong cuộc bỏ phiếu năm 2004 khi ông đang tham gia một chương trình tọa đàm trên truyền hình vào ngày 18/12/2003. Khi hết nhiệm kỳ vào năm 2008, ông rời nhiệm sở vì theo Hiến pháp, ông không thể phục vụ hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Dmitry Medvedev được bầu làm Tổng thống mới của Nga và ông Putin trở thành Thủ tướng Nga.


Vào ngày 24/9/2011, ông Medvedev đề nghị Đảng Nước Nga Thống nhất ủng hộ đề cử ông Putin làm ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Ông Putin đã đồng ý, giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu và giữ chức Tổng thống trong 6 năm sau đó thay vì 4 năm, vì luật về nhiệm kỳ Tổng thống đã được sửa đổi.


Cũng như hôm 8/12, ông Putin vào năm 2018 không hề nêu rõ tham vọng tái tranh cử cho đến phút chót. Ông bày tỏ quan điểm rằng nếu việc tranh cử Tổng thống được công bố quá sớm sẽ gây bất lợi cho bộ máy nhà nước, khiến các quan chức trở nên tập trung vào chiến dịch tranh cử hơn là công việc thường ngày.


Với nhiệm kỳ hiện tại, sẽ kết thúc vào ngày 7/5/2024, ông Putin tuyên bố tranh cử Tổng thống tại cuộc gặp với các cựu chiến binh và công nhân của nhà máy ô tô GAZ vào ngày 6/12/2017 và đã đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2018.


Cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024


Lần này, ông Putin tuyên bố tái tranh cử vào ngày 8/12, một ngày sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ấn định ngày bầu cử chính thức. Ông Putin thừa nhận rằng trước đó ông đã suy nghĩ rất lâu và kỹ lưỡng về nhiệm kỳ Tổng thống tương lai của mình.


Theo luật ở Nga, các ứng cử viên Tổng thống có 20-25 ngày kể từ khi Hội đồng Liên bang ấn định ngày bầu cử để nộp hồ sơ đăng ký cho Ủy ban bầu cử trung ương (CEC), tùy thuộc vào việc ứng cử viên đó đang tranh cử với tư cách độc lập hay đại diện cho một chính đảng.


Lần này, Hiến pháp đã không còn cấm Tổng thống phục vụ hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Những sửa đổi được thực hiện đối với Hiến pháp năm 2020 quy định rằng Tổng thống đương nhiệm có thể tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo, bất kể trước đó đã phục vụ bao nhiêu nhiệm kỳ.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova (ở giữa). Ảnh: TASS


Về cuộc bầu cử vào năm tới, CEC hôm 8/12 đã thông qua một nghị quyết chính thức chỉ định ngày 15-17/3 là ngày tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống, Chủ tịch CEC Ella Pamfilova tuyên bố tại cuộc họp của cơ quan bầu cử.


Bà Pamfilova cho biết trước đó rằng việc một cuộc bầu cử có thời gian bỏ phiếu kéo dài 3 ngày đã trở thành thông lệ ở Nga.


Tỉ lệ ủng hộ ổn định ở mức cao


Theo cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng toàn Nga (VTsIOM), 78,5% người Nga tín nhiệm ông Putin, trong khi tỉ lệ ủng hộ ông là 75,8%. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 27/11 đến ngày 3/12 với 1.600 người Nga trưởng thành.


Theo Tổ chức Ý kiến Công chúng (FOM), đa số người Nga (70%) ủng hộ khả năng đề cử ông Vladimir Putin cho nhiệm kỳ mới, một cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 12/10 đến ngày 13/11, bao gồm 6.100 người trưởng thành, cho thấy. Sự ủng hộ này, theo các nhà xã hội học, đã tăng hơn gấp đôi trong những năm gần đây.


Theo trang bne IntelliNews có trụ sở tại Đức, trước khi tuyên bố tái tranh cử, ông Putin đã xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông nhà nước, khi thì đến thăm trẻ em bị bệnh trong bệnh viện, khi thì đi công tác đến các vùng của đất nước – rõ ràng là một động thái khởi động cho chiến dịch tranh cử chính thức .


Minh Đức (Theo TASS, bne IntelliNews)

Chia sẻ Facebook