Nhìn lại 4 tháng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và viễn cảnh về một cuộc xung đột kéo dài
Ngày 24/6 là tròn 4 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Mọi cuộc chiến đều phải đi đến chỗ kết thúc nhưng hòa bình sẽ đạt được bằng giá nào? Những luận điểm này được nghe thấy khá nhiều trong những ngày gần đây ở phương Tây khi chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine đã trải qua 4 tháng.
Khi các nước Phương Tây vẫn đang công khai tuyên bố về sự hỗ trợ dành cho Ukraine thì thoạt nghe điều này có vẻ trái khoáy, không hợp lý lắm. Nhưng làm thế nào để dọn đường cho các cuộc đàm phán hòa bình là một quyết định lý trí và cần thiết khi mà cuộc xung đột này đang bị kéo dài và có nguy cơ đưa cả Nga, Ukraine lẫn một khía cạnh nào đó là cả châu Âu vào một viễn cảnh tồi tệ không lối thoát.
Ukraine mất thêm nhiều thành phố
Bước sang tháng thứ 4 chiến dịch quân sự, Tổng thống Ukraine thừa nhận, 20% diện tích lãnh thổ của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Lực lượng Nga tăng cường sức ép ở chiến trường miền Đông nhằm hoàn thành mục tiêu giải phóng Donbass, nơi có các vùng lãnh thổ ly khai được Nga công nhận độc lập.
Giao tranh xảy ra khốc liệt ở những nơi như Severodonetsk và Lysychansk, hai thành phố có vị trí quan trọng ở tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine. Thị trưởng Severodonetsk ngày hôm qua thông báo, thành phố hiện hoàn toàn do lực lượng Nga kiểm soát.
"Ở giai đoạn này của cuộc chiến, chúng tôi đối mặt khó khăn cả về mặt tinh thần và cảm xúc. Chúng tôi không biết cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, chịu thêm bao đòn tấn công, tổn thất và cần thêm bao nhiêu nỗ lực trước khi thấy chiến thắng"
Trong lúc này, Mỹ và phương Tây vẫn đang tiếp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Mới đây nhất, Mỹ cho biết sẽ viện trợ thêm gói trang thiết bị quân sự trị giá 450 triệu USD cho Ukraine, gồm 4 tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và 36.000 viên đạn pháo. EU cũng nhất trí cấp quy chế ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu cho Ukraine và nước láng giềng Moldova.
"Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Một cột mốc quan trọng trên con đường ra nhập châu Âu là tư cách của một ứng cử viên. Đức ủng hộ quyết định tích cực dành cho Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, cung cấp vũ khí và làm điều đó cho tới khi nào Ukrainevẫn cần sự trợ giúp"
4 tháng sau chiến sự, cục diện chưa ngã ngũ. Thế nhưng thế giới đang đối mặt với đa khủng hoảng do hậu quả của cuộc xung đột. Khủng hoảng di cư với hơn 14 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Khủng hoảng lương thực và năng lượng do các lệnh cấm vận giữa phương Tây và Nga khiến giá lương thực và giá năng lượng tăng cao. Lạm phát tăng vọt tại hầu hết mọi nền kinh tế. Đồng nội tệ nhiều nước mất giá kỷ lục.
"Phương Tây không thể cô lập nước Nga. Nếu họ muốn cô lập thì họ chỉ có thể cô lập chính mình khỏi nước Nga. Họ đã thành công trong việc cô lập chính mình chứ không thể cô lập chúng tôi"
"Chúng tôi kêu gọi một số quốc gia kiềm chế không đổ thêm dầu vào lửa phục vụ cho lợi ích địa chính trị của riêng mình, không thúc đẩy các nước đứng về phía nào, để tránh làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và đối đầu trong cộng đồng quốc tế"
Chiến sự chưa kết thúc nhưng cấu trúc an ninh châu Âu đã bắt đầu thay đổi. Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố gia nhập NATO, kết thúc chính sách trung lập duy trì suốt 70 năm. Giới chuyên gia quân sự đánh giá, cuộc chiến ở miền Đông Ukraineđã bước vào giai đoạn tiêu hao, gây tổn thất nặng nề về binh lực và khí tài cho cả hai bên, khiến xung đột có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.
Chặng đường còn xa để Ukraine gia nhập
Có 5 nước đã có quy chế ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu nhưng nay vẫn chưa thể biết khi nào các nước này mới thỏa mãn các tiêu chuẩn ngặt nghèo trong hầu hết mọi lĩnh vực. Gần đây nhất, Croatia đã phải mất tới 9 năm.
Ngay với một quốc gia trong thời bình, có nền kinh tế phát triển bình thường, gia nhập châu Âu cũng là rất khó thì với Ukraine, trong điều kiện thời chiến, làm thế nào cải cách được nền hành chính, luật pháp, thị trường… cho phù hợp với chuẩn mực của Liên minh châu Âu? Chưa kể xuất phát điểm của Ukraine khá thấp. Quy chế ứng viên do vậy có giá trị tinh thần trước mắt, từ quy chế này có ra được kết quả mong muốn hay không thì còn quá sớm để thảo luận.
Hiệp ước tạo lập Liên minh châu Âu có điều khoản về bảo vệ lẫn nhau. Điều 42.7 quy định, các nước thành viên phải có nghĩa vụ hỗ trợ một nước thành viên bị tấn công quân sự. Đây chính là yếu tố đã thúc đẩy 3 nước Ukraine, Moldova và Gruzia vội vàng nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu chỉ vài ngày sau khi quân đội Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Liên minh châu Âu không phải là một liên minh quân sự hưng hỗ trợ một nước bảo vệ lãnh thổ nước mình, không chỉ là cung cấp khí tài hay hậu cần quân sự, mà còn theo nghĩa rộng hơn và dài hạn hơn, ví dụ hỗ trợ phát triển công nghiệp quốc phòng hay hạ tầng phòng thủ… theo tiêu chuẩn chung.
Cuộc cạnh tranh sức bền giữa phương Tây và
Lần gần nhất Tổng thống Joe Biden công du châu Âu là vài tuần sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Nhiệm vụ khi đó là tập hợp một liên minh nhằm chống lại Nga.
Nhưng lần quay trở lại này, ông Biden đối mặt nhiệm vụ mới khó khăn hơn. Đó là củng cố những cam kết của EU trong chính sách chống Nga. Tổng thống Mỹ thừa nhận, xung đột tại Ukraine có thể trở thành một cuộc cạnh tranh sức bền giữa Nga và châu Âu.
"Tôi thực sự nghĩ vào một thời điểm nào đó, một phần của cuộc chơi sẽ là chờ đợi. Chờ đợi những gì người Nga có thể chịu đựng và những gì châu Âu sẽ sẵn sàng chịu đựng"
Đang có những lo ngại về sự rạn nứt trong cách tiếp cận tổng thể của phương Tây đối với xung đột giữa Nga và Ukraine. Việc Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt tự nhiên cho thấy châu Âu đã "ngấm đòn" trước con bài năng lượng của Nga.
Khi các nền kinh tế chật vật phục hồi sau đại dịch, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy lạm phát vốn đã ở cao tại châu Âu lên mức kỷ lục hồi tháng 5, với dự báo giá năng lượng sẽ có tốc độ tăng hàng năm nhanh nhất. Và đó là mức trước thời điểm Liên minh châu Âu thông qua quyết định loại bỏ phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Viễn cảnh về một cuộc xung đột kéo dài đã đặt ra câu hỏi rằng liệu tâm lý chán chường, mệt mỏi do chiến tranh, cùng với lạm phát tăng vọt, có thể làm suy giảm dần ý chí chính trị của châu Âu trong nỗ lực duy trì áp lực lên Nga hay không.
"Các biện pháp trừng phạt đã trở thành con dao hai lưỡi. Các chính trị gia châu Âu đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế của chính họ với những bất ổn về kinh tế và xã hội tại châu Âu và Mỹ. Giá hàng hóa, thực phẩm, điện, nhiên liệu đang gia tăng. Mức sống của người dân châu Âu đang đi xuống. Các doanh nghiệp của họ đang mất đi khả năng cạnh tranh. Tổng thiệt hại với EU từ các lệnh trừng phạt trong năm tới có thể lên tới 400 tỷ USD"
Về mặt chính trị, những bất lợi với chính sách của Mỹ là một số đồng minh thân cận nhất đã phải hứng chịu những thất bại gần đây. Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa phải trải qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron gặp thất bại ở Nghị viện. Điều này có thể làm phức tạp thêm quyết tâm của hương Tây trong sách lược đối phó với Nga.
Cuộc đối đầu Nga - Ukraine càng kéo dài và sự can dự của phương Tây càng sâu hơn thì việc mở lối đi đến hòa bình càng phức tạp. Quyết định nằm ở trong tay các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine nhưng tác động vào các cuộc đàm phán thì rộng hơn rất nhiều. Thật khó để Mỹ và châu Âu thừa nhận những rạn nứt trong liên minh ủng hộ Ukraine ở hai Hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Nhưng trong từng nước thành viên của châu Âu, nhất là các nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, sức ép đang gia tăng trong nội bộ về việc phải tìm ra một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến này.