Nhìn chúng bạn khoe lương cao, giới trẻ lại... quay cuồng làm việc
Ngoài yếu tố tài chính và phát triển bản thân, sự bận rộn còn dần trở thành một biểu tượng địa vị xã hội.
Công nghệ thông tin phát triển tạo thêm những áp lực mới. Mạng xã hội xuất hiện càng đẩy mạnh hành vi tự so sánh giữa người với người. Các tỉ phú ủng hộ việc hy sinh giấc ngủ để làm việc. Rồi dịch bệnh COVID-19 xóa nhòa ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Hết dịch, chưa kịp ổn định thì giá xăng tăng, lạm phát khiến cuộc sống người trẻ khó khăn hơn.
Những điều trên đang đẩy người trẻ, từ học sinh, sinh viên đến người đi làm, đều phải làm việc thật nhiều, thật nhanh, thật năng suất. Một số làm vì thu nhập, vì để thỏa mãn cái tôi, đặc biệt là vì áp lực từ những người đồng trang lứa, và cảm giác thành tựu.
Thu nhập cao, cơ hội mở rộng
Nguyễn T.M., hiện làm trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, đảm đương 4 công việc cùng lúc. Ngoài việc chính là phóng viên cho một trang thông tin điện tử, anh còn quản lý truyền thông cho nghệ sĩ, chuyên viên quan hệ công chúng, và đào tạo nội bộ cho một tổ chức.
Ngày làm việc của anh bắt đầu từ 7h và kết thúc vào 3h sáng hôm sau, trung bình 20 tiếng. Có lúc M. làm việc liên tục 3 ngày không ngủ. Đảm đương nhiều đầu việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể - khoảng 40 triệu đồng - cho một sinh viên sắp tốt nghiệp.
T.Q. làm trong lĩnh vực marketing, phụ trách lên kế hoạch và điều phối nội dung tiếp thị cho 3 dự án khởi nghiệp cùng lúc. Hiện Q. sở hữu mức thu nhập khá cao - 18 triệu đối với một sinh viên mới ra trường. Cô cho hay việc đảm đương nhiều việc, làm việc quá giờ mang lại cho cô nhiều kinh nghiệm làm việc và khả năng chịu áp lực cao.
"Làm nhiều việc tạo cơ hội tiếp xúc nhiều người, xây dựng mạng lưới mối quan hệ. Thu nhập từ 3 dự án cũng giúp mình tự chủ tài chính khi chưa ra trường", . thông tin.
Còn Phạm P.N. ngay từ năm hai đã đồng thời làm 3 công việc thời vụ riêng biệt, song song việc học. N. cho hay điều này giúp cô sớm trải nghiệm nhiều môi trường làm việc, đa nhiệm và dạn hơn trong xã hội.
Địa vị và áp lực đồng trang lứa
Mạng xã hội phát triển càng thúc đẩy hành vi tự so sánh của bạn trẻ, khi hình ảnh và thông tin trên dễ được tiếp cận hơn. Từ đó khiến họ buộc phải nỗ lực để bắt kịp bạn bè.
Q. chia sẻ: "Mình nghĩ một trong những nguyên nhân để mình làm việc nhiều giờ, không kể ngày nghỉ, là vì áp lực từ chúng bạn. Nhìn bạn nhận lương 2x-3x, người khởi nghiệp, khiến mình phải tăng tốc để bắt kịp".
Tăng ca (OT) dần trở nên bình thường trong môi trường làm việc, đặc biệt là ở các công ty truyền thông.
L.C., làm tại một công ty truyền thông và quảng cáo, cho biết giờ tan làm quy định là 18h, nhưng hiếm khi mọi người về đúng giờ. Việc này khiến cô cũng không dám về, dù đã xong việc. Thường C. sẽ ngồi làm gì đó cho đến khi văn phòng vãn bớt rồi về. Cô cho hay: "Đi về khi mọi người còn nỗ lực làm việc khiến mình cảm giác bản thân lười nhác, dù đã xong việc".
Hệ lụy và sự khác biệt
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra làm việc quá sức liên hệ mật thiết tới các vấn đề tim mạch, nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý khác. Khái niệm burnout ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Burnout (Burnt-out) có thể hiểu là trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần, xảy ra khi căng thẳng kéo dài lúc làm việc, hoặc khi lao động thể lực hay tinh thần quá lâu.
T.M. chia sẻ: "Việc burnt-out là điều không thể tránh trong ngành tôi làm. Tôi cũng là một nạn nhân. Lần gần đây nhất là cuối tháng 4, khối lượng công việc tăng đột ngột theo dòng sự kiện khiến tôi bị choáng ngợp, gồng mình rồi burnt-out luôn. Lúc đó, tôi cảm thấy ép buộc bản thân quá".
Điều khác biệt giữa người trẻ ngày nay và các thế hệ trước là họ có nhiều thông tin, nhận thức tốt hơn về tình trạng kiệt sức, và sẵn sàng lên tiếng vì điều đó.
M. xả bớt năng lượng tiêu cực dưới nhiều phương thức giải trí, như chơi game, gặp gỡ bạn bè để tránh xa màn hình. Thời gian sau, "sếp cũng giảm bớt cường độ công việc, tôi cũng có thêm thời gian chữa lành bản thân", anh nói.
Trước khi tới công việc hiện tại, T.Q. cũng thẳng thắn trải lòng về sự mệt mỏi của cô với cấp trên, rồi xin nghỉ việc. Cô cho hay: "Lúc đó sếp cũng xin lỗi, bày tỏ ý tăng lương và điều chỉnh lại cường độ, khối lượng việc, nhưng mình vẫn xin nghỉ".
Thức đêm để chạy deadline, ám ảnh với thành công của người khác, bỏ bữa vì công việc... là chuyện như cơm bữa của nhiều bạn trẻ. Vậy nên 'yêu bản thân' là cụm từ nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực tế không có nhiều người làm được.