Nhiều vùng ở Trung Quốc kéo dài phong tỏa chống dịch, Nhật Bản 3 tuần liên tiếp có số ca mắc mới cao nhất thế giới
Đến sáng 13/8, thế giới có trên 593,66 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,45 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 94,51 triệu ca mắc và hơn 1,061 triệu trường hợp tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, cơ quan này không còn khuyến nghị thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm tại các trường học hoặc nhà trẻ đối với những học sinh phơi nhiễm COVID-19. Đồng thời cơ quan này không còn khuyến nghị những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 cách ly sau khi phơi nhiễm vì khoảng 95% dân số Mỹ đã được tiêm phòng, hoặc đã mắc COVID-19, hoặc cả hai.
CDC đã cập nhật khuyến cáo những người phơi nhiễm COVID-19 đeo khẩu trang chất lượng cao trong 10 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau khi phơi nhiễm, bất kể đã tiêm chủng hay chưa.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 12/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,22 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 526.900 trường hợp thiệt mạng.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong bối cảnh nước này đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong 2 tuần qua. Theo sắc lệnh của Chính phủ, những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại thủ đô sẽ bị phạt 500 Rupee (tương đương 140.000 đồng).
Ấn Độ đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới COVID-19. Giới chức y tế Ấn Độ cho rằng số ca nhiễm mới gia tăng gần đây là do người dân mất cảnh giác và không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
Trong 24 giờ qua, Pháp , điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới, ghi nhận hơn 153.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,19 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Nga đã xác nhận 6 trường hợp mắc chủng Deltacron , là biến thể lai giữa hai biến chủng Delta và Omicron của virus SARS-COV-2. Giới chức y tế Nga cho biết, hiện biến thể lai Deltacron mới này chưa lây lan rộng. Có 5 trường hợp phát hiện ở thành phố Saint-Petersburg, một trường hợp ở Moscow. Tình trạng của các bệnh nhân nhiễm Deltacron ở mức độ nhẹ, không cần phải nhập viện.
Nhìn chung, sự xuất hiện của biến thể lai không phải là một hiện tượng cá biệt bởi quá trình này mang tính đặc trưng đối với nhiều loại virus và là một trong những cơ chế tiến hóa - thích nghi của virus. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân không vì thế mà lơ là cảnh giác, bởi nguy cơ xuất hiện làn sóng COVID-19 mới vẫn luôn hiện hữu.
Theo cuộc khảo sát do Bộ Y tế Indonesia và Khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Indonesia thực hiện, một bộ phận lớn người dân Indonesia đã có kháng thể phòng chống lây nhiễm COVID-19. Cuộc khảo sát cho thấy tính đến tháng 7, 98,5% dân số Indonesia đã có kháng thể phòng chống COVID-19, tăng so với khoảng 88% dân số trong một nghiên cứu phát hiện vào tháng 12/2021.
Trong khi đó, Malaysia , nước láng giềng của Indonesia, đang khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 2. Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, Bộ này đang nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng bày tỏ hy vọng các bác sĩ sẽ tiếp tục khuyến khích những bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tiêm mũi tăng cường thứ hai.
Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết tháng 7, 5% số người dân ở nước này từ 70 - 79 tuổi đã tiêm nhắc lại lần thứ 2, trong khi con số này chỉ là 4,5% ở những người từ 80 tuổi trở lên. Bộ trưởng Jamaluddin cho biết, con số này vẫn còn khá thấp và Bộ sẽ khuyến nghị và khuyến khích những người trên 50 tuổi và có vấn đề về sức khỏe nên thực hiện mũi tiêm thứ hai.
Các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất thế giới trong tuần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần từ ngày 1 đến 7/8, Nhật Bản ghi nhận gần 1,5 triệu ca nhiễm mới, tăng 9% so với một tuần trước đó và chiếm hơn 20% trong tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu.
Tổng số người tử vong do dịch COVID-19 ở Nhật Bản là hơn 1.000 người, tăng 53 người so với một tuần trước đó, cao thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Brazil và Italy. Riêng trong ngày 11/8, Nhật Bản có hơn 240.000 ca mắc mới và 206 người tử vong. Ngày 12/8, con số này lần lượt là 224.929 và 214.
Dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 7 hiện nay ở xứ sở mặt trời mọc.
Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em là khá lớn khi tỷ lệ tiêm chủng ở lứa tuổi này vẫn còn thấp. Do đó, Nhật Bản đã khuyến cáo người dân nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn cho trẻ trong làn sóng dịch hiện nay. Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản đã đưa ra khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ. Hiệp hội này đã đưa ra những bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, tiêm vaccine sẽ mang lại lợi ích vượt trội, khi khả năng phòng chủng mới Omicron có thế lên tới 68% và có khả năng ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng là từ 40 đến 80% tùy vào số mũi tiêm và thời gian tiêm vaccine. Về phản ứng phụ, nếu tiêm vaccine thường chỉ xuất hiện những phản ứng phụ thông thường như đau ở chỗ tiêm hoặc sốt, nhưng sẽ thuyên giảm sau 1 đến 2 ngày, phản ứng phụ nặng là viêm cơ tiêm là phản ứng phụ hiếm gặp, tỷ lệ xuất hiện chỉ từ 2 - 3 trường hợp trên 1.000.000 mũi tiêm.
Hiện tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ tại Nhật Bản là khá lớn, trong khi tỷ lệ tiêm phòng vaccine đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo thống kê đến cuối tháng 7, trong số 7,41 triệu trẻ từ 5 -11 tuổi, chỉ có 1,43 triệu trẻ được tiêm một mũi vaccine, chiếm tỷ lệ 19,3% và 1,33 triệu trẻ được tiêm 2 mũi vaccine, chiếm 17,9%.
Theo nghiên cứu tại Nhật Bản, chủng mới Omicron có xu hướng gây sốt cao ở trẻ em, dễ dẫn đến các biến chứng, đặc biệt là trẻ có bệnh lý nền về tim, phổ. Do đó, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa các nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong trong làn sóng dịch hiện nay.
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Hàn Quốc trong ngày 12/8 đã giảm ngày thứ 2 liên tiếp, nhưng số ca bệnh nặng vẫn ở mức cao nhất trong 3 tháng qua. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, nước này đã ghi nhận thêm 128.671 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Số ca mắc mới giảm so với ngày 11/8, nhưng vẫn cao hơn so với mức của một tuần trước đó.
Số bệnh nhân thể nặng hiện là 453 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 58 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên trên 25.499 trường hợp.
Chính quyền một số thành phố của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vào ngày 12/8 quyết định gia hạn phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 đến hết cuối tuần này, trong khi chính quyền thành phố Lhasa của khu tự trị Tây Tạng tăng cường các biện pháp hạn chế sau khi phát hiện những ổ dịch mới.
Tại thành phố Dongfang và Chengmai của tỉnh Hải Nam, chính quyền thông báo sẽ phong tỏa 1 tuần, thay vì 3 hoặc 4 ngày như kế hoạch trước đó. Chính quyền thành phố Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam, quyết định thực hiện phong tỏa toàn thành phố 2,9 triệu dân này trong khoảng từ 7h đến 16h (theo giờ địa phương), sau khi áp dụng các biện pháp hạn chế trong giờ trọng điểm 3 ngày trước.
Trong khi đó, hàng triệu người dân ở các thành phố khác của Hải Nam cũng đang phải thực hiện các lệnh phong tỏa vô thời hạn. Tại Khu tự trị Tây Tạng, chính quyền thành phố Lhasa kêu gọi người dân từ ngày 12/8 đến 15/8 không ra ngoài đường trừ các trường hợp khẩn cấp.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc áp dụng linh hoạt các biện pháp hạn chế, theo đó thực hiện phong tỏa thời gian ngắn hơn để đảm bảo các hoạt động không bị đình trệ quá lâu.
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 11/8, Trung Quốc đại lục có 1.851 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm 648 ca có triệu chứng và 1.203 ca không triệu chứng. Ngày 12/8, số mắc mới có triệu chứng là 704 người.