Nhiều vi phạm trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại Học viện Khoa học xã hội, như học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác, sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh...
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) giai đoạn 2015-2019.
Theo kết luận, hằng năm Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đào tạo trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.
Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sai quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.
Cụ thể, nhiều vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như: quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn.
Đáng chú ý, theo kết luận, chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót, có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm trong công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phụ trách công tác đào tạo và Học viện Khoa học xã hội thời kỳ 2015-2019.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ trong giai đoạn 2015-2019.
Yêu cầu Học viện Khoa học xã hội bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo; kiểm tra, làm rõ những trường hợp tẩy xóa, sửa chữa trên sổ cấp phát văn bằng, xử lý theo quy định nếu có sai phạm.
Một số đề tài không có đóng góp về khoa học cho xã hội
Cũng theo kết luận, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung còn nhiều bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của Luật khoa học và công nghệ, quy chế quản lý khoa học.
Trong đó có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ…
"Nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm) không đúng quy chế quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra" - kết luận nêu.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng quy trình thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ không đúng quy định, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Viện hàn lâm phụ trách lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Ban quản lý khoa học và các đơn vị trực thuộc có khuyết điểm, sai phạm trong thời kỳ 2015-2019.
Đó là nội dung cuộc tòa đàm giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các trường ĐH về nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ do Bộ GD-ĐT phối với với báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra từ 8g30 sáng nay 10-11.