Nhiều trẻ nhập viện vì viêm phổi do phế cầu
Đầu năm đến nay, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận gần 30 trường hợp bệnh nhi vào viện vì viêm phổi do phế cầu.
Điển hình trường hợp bệnh nhi H.P.A. (5 tháng tuổi, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) vào viện trong tình trạng ho nhiều, sốt cao, khò khè, thở nhanh kèm sổ mũi.
Trước đó, người nhà đã tự đi mua thuốc cho bệnh nhi uống nhưng không đỡ nên đã đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để kiểm tra.
Tại đây, bệnh nhi được bác sĩ thăm khám và chỉ định làm xét nghiệm nuôi cấy dịch tỵ hầu (dịch mũi họng) mọc vi khuẩn phế cầu, được điều trị theo đúng phác đồ.
Theo các bác sĩ, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loại vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus. Vi khuẩn này trú ngụ ở vùng mũi họng của tất cả những người khỏe mạnh bình thường. Có đến gần 50% trẻ khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong mũi họng, chỉ chờ gây bệnh ngay khi có điều kiện thuận lợi.
Phế cầu gây ra các bệnh phế cầu xâm lấn (viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi) có tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề và phế cầu không xâm lấn có tần suất mắc cao, ảnh hưởng nặng nề sự phát triển và tương lai của trẻ em. Viêm phổi đang gây ra mối đe dọa trên toàn cầu cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gặp chủ yếu vào mùa đông xuân.
Viêm phổi do phế cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch; trẻ mắc các bệnh mạn tính về gan, tim, phổi, lách; trẻ có đeo máy trợ thính... Bệnh có thể lây qua đường ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh; dùng chung đồ dùng với người bệnh.
Bệnh viêm phổi do phế cầu khởi phát thường đột ngột cấp tính với các triệu chứng: Sốt cao, ớn lạnh; Quấy khóc kích thích; Đau ngực; Ho nhiều, ho có đờm; Thở nhanh, thở gấp hoặc khó thở; Trẻ lớn sốt cao, ho dữ dội, ớn lạnh, đau tức ngực, đau đầu, cứng cổ, đau tai.
Viêm phổi do phế cầu thường diễn tiến nhanh có thể dẫn tới suy hô hấp, thở máy và nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Biến chứng tại chỗ: Tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim. Biến chứng xa: Viêm màng não, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn thần kinh, mù, điếc.
Chẩn đoán viêm phổi do phế cầu thường dựa vào biểu hiện lâm sàng, X-quang điển hình, cấy dịch tỵ hầu có kết quả vi khuẩn phế cầu và kháng sinh đồ nhạy kháng sinh để điều trị bệnh. Tuy nhiên, điều đáng nói, viêm phổi do phế cầu không những tiến triển nhanh, biến chứng nặng nề, tiến triển phức tạp mà ngày nay phế cầu đã kháng rất nhiều loại kháng sinh gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Việc phòng ngừa tránh mắc phải phế cầu là điều rất quan trọng. Do đó, cần cho trẻ bú đầy đủ bằng sữa mẹ; môi trường sống lành mạnh, tránh khói bụi, thuốc lá; rửa tay thường xuyên với nước ấm, xà bông; tránh tiếp xúc với những người bị bệnh; thực hiện chế độ dinh dưỡng lành; giữ trẻ tránh tiếp xúc những người bị cảm lạnh hoặc cúm.
Đặc biệt, tiêm phòng vaccine phế cầu là biện pháp phòng ngừa sớm và tốt cho trẻ, giảm triệu chứng khi trẻ nhiễm phế cầu. Tiêm phòng vaccine phế cầu đã được đưa vào lịch tiêm chủng mở rộng.
Hiện, Việt Nam đang có 2 loại vaccine phòng bệnh phế cầu là vaccine Synflorix (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và vaccine Prevenar 13 (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi.