Nhiều trẻ bị chó cắn nhập viện

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 20:31:16

Từ đầu hè đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Hầu hết các trường hợp đều có vết thương rách sâu, phức tạp vùng mặt.


Theo thông tin từ Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khoa vừa tiếp nhận trường hợp bé gái L.N.T.(xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng hoảng loạn sau khi bị chó cắn , có nhiều vết thương lớn ở vùng thái dương phải, mi trên mắt phải, môi trên, mặt sưng nề vùng quanh mắt phải.

Gia đình bé T. cho biết: Khi bé sang nhà hàng xóm chơi thì bất ngờ bị con chó lao ra tấn công. Nghe tiếng la hét của bé, gia đình lập tức đưa bé đến trạm xá gần nhà sơ cứu tạm thời rồi tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.

Được biết, đây là con chó vừa mới sinh con xong, gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, con vật đang được thả rông (không xích, không rọ mồm).

Gia đình phát hiện sau khi cắn bé, chó lên cơn dại, bé được gia đình đưa đi tiêm huyết thanh kháng dại.

Một vụ việc đau lòng khác tương tự đã xảy ra tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, khi bé H.G.H (sinh năm 2019) đang ngồi chơi dưới sàn nhà thì bị một con chó lao vào tấn công. Nghe tiếng la hét của bé, người mẹ đang ở trong nhà chạy ra, tìm cách xua đuổi con chó. Người dân ở gần nghe tiếng kêu cứu cũng chạy đến hỗ trợ.

Sau khi giải cứu được bé, người dân đã đánh chết con chó hung dữ. Bé được đưa đến Trạm y tế trong tình trạng nhiều vết thương hở vùng miệng, mặt, đầu, tai, tinh thần hoảng loạn và tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Theo các bác sĩ, hàng năm, nước ta xảy ra nhiều vụ chó tấn công trẻ em. Trẻ khi bị chó cắn không chỉ phải chịu những tổn thương ở bên ngoài cơ thể mà còn đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Thậm chí là tử vong do đa chấn thương nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của hàng xóm. Hầu hết, các trẻ bị chó tấn công đều trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân. Tình trạng trẻ bị chó tấn công trong thời gian qua đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng.

Việc nuôi chó để giữ nhà, làm cảnh ở các gia đình từ thành thị đến nông thôn tương đối phổ biến, nhưng hầu như chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ như nhốt, xích lại trong nhà mà để chó thả rông chạy tự do ngoài đường.

Nhiều chủ nuôi không tiêm phòng cho chó dẫn tới tình trạng chó dễ bị mắc bệnh dại. Ngoài nỗi lo chó cắn người truyền bệnh dại thì chó thả rông còn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt và đưa ngay bệnh nhi đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo...

Chia sẻ Facebook