Nhiều thủ tục vẫn đòi sổ hộ khẩu

Chia sẻ Facebook
05/10/2022 19:30:59

Khi tái cấu trúc thủ tục hành chính theo hướng bỏ sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin cư trú khỏi thành phần hồ sơ, các bộ ngành cần sớm chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, hộ tịch. Vì hiện nay còn nhiều thủ tục khi đi làm vẫn phải có hộ khẩu.

Nhiều thủ tục vẫn đòi sổ hộ khẩu

Từ 1.7.2021, ngành công an thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công sang công nghệ thông tin (CNTT). Công an cả nước sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu (HK) bản giấy khi người dân đăng ký thường trú. Những sổ cấp trước thời gian này vẫn có giá trị sử dụng đến hết năm 2022. Do vậy, khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác, trong đó có HK. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều cơ quan vẫn yêu cầu người dân xuất trình sổ HK để làm thủ tục hành chính (TTHC), khiến nhiều người thắc mắc.

Vì sao còn đòi sổ hộ khẩu?


Sáng 4.10, tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng UBND Q.Phú Nhuận ( TP.HCM ), nhiều người đến làm hồ sơ nhà đất, xây dựng, khai tử, đăng ký kết hôn… Tại đây, công chức lĩnh vực đất đai cho biết các thủ tục đăng bộ, cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đều yêu cầu sổ HK là thành phần hồ sơ. Nếu người dân đã nộp lại HK khi thay đổi thông tin cư trú thì cung cấp biên bản thu hồi sổ HK hoặc CCCD gắn chip.

Nhiều người dân cầm theo sổ hộ khẩu khi làm CCCD gắn chip tại Công an Q.3, TP.HCM (ảnh chụp 4.10.2022). Nhật Thịnh

Trong khi đó, công chức tư pháp - hộ tịch thì cho hay các thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn đều phải cung cấp HK để xác định được thông tin cư trú của công dân. Đơn cử như thủ tục đăng ký kết hôn, quy định yêu cầu phải thực hiện tại nơi thường trú, nên nếu không có HK thì công chức không thể xác định được nơi thường trú của công dân. Nếu không còn sổ HK, người dân phải nộp thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), loại giấy tờ này do công an phường cấp. Thông báo này thể hiện các thông tin cá nhân như năm sinh, mã số định danh, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, cha mẹ. Nếu được cấp quyền truy cập vào CSDLQGVDC, công chức hộ tịch sẽ xác định được nơi cư trú của người dân mà không cần yêu cầu sổ HK.

Trên thẻ CCCD đã có thông tin nhân thân của công dân, do vậy khi công dân xuất trình CCCD thì không được phép yêu cầu xuất trình bất cứ giấy tờ nào khác để chứng minh nhân thân.

Lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư


PV đặt giả thiết nếu người dân không mang theo bản giấy mà xuất trình hình ảnh lưu trên điện thoại thì có được không, công chức hộ tịch giải thích người dân phải nộp bản giấy vì đó là một thành phần của hồ sơ, bản này sẽ lưu giữ tại cơ quan nên không chấp nhận hình ảnh trên điện thoại. Tại TP.HCM , công chức mới chỉ khai thác được dữ liệu hộ tịch từ 12,8 triệu hồ sơ đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con của công dân trên địa bàn.

Nhiều người dân cầm theo sổ hộ khẩu khi làm CCCD gắn chip tại Công an Q.3, TP.HCM (ảnh chụp ngày 4.10). NHẬT THỊNH

Tại Hà Nội, hiện hồ sơ làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ vẫn yêu cầu có sổ HK. Tuy nhiên, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết Sở đang nghiên cứu, rà soát lại theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về việc bỏ sổ HK khi thực hiện các TTHC.

Với các thủ tục được thực hiện trên Cổng dịch vụ công như đăng ký khai sinh, khi làm thủ tục online người dân cần khai các thông tin cơ bản gồm họ tên, số điện thoại, email, thông tin CMND/CCCD. Trong đó, người yêu cầu khai sinh có thể lựa chọn đăng ký thông tin qua một trong các loại giấy tờ như CMND hoặc CCCD, sổ HK... Tuy nhiên, khi nhận kết quả giấy khai sinh trả trực tiếp, nhiều phường, xã vẫn yêu cầu người dân mang theo các giấy tờ gốc như HK, CMND/CCCD.

Theo Công an TP.Hà Nội, người dân khi đi đăng ký xe máy/ô tô không cần trình sổ HK, chỉ cần CCCD, do thông tin của người dân đã có trong CSDL.

Ngày 2.6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản về việc triển khai ngay các nhiệm vụ của Đề án 06 (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia) trên địa bàn TP từ nay đến hết năm 2022. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ đưa vào vận hành chính thức hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP, trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công TP và Hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp của TP. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở ngành rà soát, tái cấu trúc các TTHC, đặc biệt lưu ý việc bỏ thành phần hồ sơ là CMND, CCCD và HK giấy, sổ tạm trú giấy trong các TTHC.

Thiếu đồng bộ, chia sẻ dữ liệu


Về lý do chưa bỏ sổ HK trong các TTHC, UBND TP.HCM giải thích hầu hết các TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành. Kết quả rà soát cho thấy yêu cầu sổ HK là điều kiện cần được nêu trong 12 văn bản quy phạm pháp luật. UBND TP.HCM đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 văn bản, gồm: Thông tư 08/2017 và Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp; Thông tư 24/2014, Thông tư 33/2017 và Thông tư 09/2019 của Bộ TN-MT. Dù vậy, đến nay các văn bản nêu trên vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung.


Đánh giá việc kết nối CSDL chuyên ngành với CSDLQGVDC là tiền đề để cắt giảm yêu cầu cung cấp sổ HK, sổ tạm trú và giấy tờ xác nhận về cư trú, UBND TP.HCM cho hay nhiều sở, ngành vẫn chưa thể kết nối liên thông với hệ thống CSDLQGVDC. Bên cạnh đó, số lượng máy tính tại các đơn vị chưa đạt yêu cầu chung về kỹ thuật, an ninh, an toàn thông tin, cấu hình lạc hậu.

Lý giải vấn đề này, một lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc Cục Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an) cho biết một phần là do các bộ, ngành chưa được kết nối với CSDLQGVDC, phần còn lại do bộ ngành đó chưa thay đổi các quy định liên quan về thủ tục, nên yêu cầu người dân xuất trình sổ HK.

“Họ chưa sửa nên họ vẫn thực hiện các quy định đó. Vừa rồi, chúng tôi đã có yêu cầu, văn bản gửi UBND các tỉnh thành rà soát. Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các UBND cấp tỉnh, bộ, ngành đều phải rà soát theo hướng một nghị định sửa nhiều nghị định để cho đồng nhất, đảm bảo việc thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện dịch vụ công và đồng nhất ở nước mình. Khi thủ tục được sửa đổi, bỏ đi thì lúc đó sẽ không yêu cầu xuất trình sổ HK nữa”, lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cho hay.

CCCD đã có thông tin công dân, đâu cần giấy tờ khác


Trong báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây, UBND TP.HCM cho biết trước khi luật Cư trú 2020 ban hành, có 24 TTHC yêu cầu người dân cung cấp HK, sổ tạm trú; trong đó, 7 thủ tục lĩnh vực hộ tịch, 14 thủ tục lĩnh vực đất đai, 3 thủ tục lĩnh vực BHYT. Từ ngày 1.7.2021, UBND TP.HCM đã đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm một số thủ tục yêu cầu công dân xuất trình HK, sổ tạm trú như cấp CCCD gắn chip, đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh, tạm trú, xác nhận thông tin cư trú, đăng ký xe mô tô ở cấp xã, cấp hộ chiếu, cấp giấy phép lái xe... do dữ liệu chuyên ngành đã kết nối với CSDLQGVDC. Mặt khác, các thủ tục này do ngành công an thực hiện nên dễ dàng khai thác thông tin nhân thân trên CSDLQGVDC.

Dù vậy, đến nay vẫn còn nhiều TTHC yêu cầu cung cấp sổ HK, sổ tạm trú hoặc giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về cư trú là điều kiện thực hiện TTHC, cụ thể: vay vốn ngân hàng, đăng ký nhập học, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đăng ký biến động về QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…


Trong bối cảnh phát triển ứng dụng CNTT, nhất là sau khi Bộ Công an vận hành CSDLQGVDC và Chính phủ ban hành Đề án 06, việc cắt giảm yêu cầu cung cấp sổ HK, sổ tạm trú sẽ tạo thuận lợi cho người dân, nhất là thủ tục về hộ tịch, đất đai. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp, Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành các nghị định; ban hành các thông tư quy định về TTHC, trong đó không quy định các loại giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú là điều kiện để thực hiện TTHC.


Đồng thời, các bộ, ngành sớm hướng dẫn việc kết nối, khai thác CSDL chuyên ngành với CSDLQGVDC để giải quyết TTHC mà không cần giấy tờ xác nhận về cư trú. TP.HCM đề xuất triển khai theo hướng công dân chỉ cần cung cấp CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân khi làm thủ tục. UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, đánh giá hệ thống dữ liệu chuyên ngành để tích hợp dữ liệu dùng chung, kết nối với CSDLQGVDC. Đây là điều kiện để người dân chỉ phải kê khai thông tin duy nhất một lần khi thực hiện TTHC.

Theo vị lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, có rất nhiều cách để xác thực thông tin của công dân. Nếu các bộ ngành đã được kết nối với CSDLQGVDC thì sử dụng dữ liệu này, chưa kết nối thì có thể sử dụng thẻ CCCD hoặc mã định danh để xác thực. Bên cạnh đó, Trung tâm đã có hướng dẫn UBND các địa phương về việc sử dụng máy đọc mã QR-code trên CCCD gắn chíp. UBND các tỉnh thành phải căn cứ vào thống kê của các văn phòng công chứng, cơ quan trên địa bàn để thực hiện mua sắm, sử dụng máy đọc này.

“Trên thẻ CCCD đã có thông tin nhân thân của công dân, do vậy khi công dân xuất trình CCCD thì không được phép yêu cầu xuất trình bất cứ giấy tờ nào khác để chứng minh nhân thân”, lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư nói.

11 bộ, ngành đã được kết nối với CSDLQGVDC

Trong báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết tính đến 5.8, công an toàn quốc đã cấp được gần 68 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân, đồng thời đưa hệ thống định danh điện tử (CCCD điện tử) đi vào hoạt động.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQGVDC với các CSDL khác, tính đến hết tháng 7, CSDLQGVDC đã được kết nối chính thức với một số CSDL của 11 bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ KH-ĐT, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ TN-MT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tư pháp, Bộ TT-TT, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội VN); 4 doanh nghiệp nhà nước (Điện lực VN, Viettel, Vinaphone, Mobifone) và 14 địa phương, trong đó có Hà Nội (riêng TP.HCM chưa có).

Theo báo cáo, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được khai thác thông tin trong CSDLQGVDC phục vụ giải quyết TTHC. Để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân, hệ thống CSDLQGVDC đã được phê duyệt hệ thống an ninh an toàn cấp độ 4. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền khai thác thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa CSDLQGVDC và các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương.

Trần Cường

Mai Hà


Thanh niên

Chia sẻ Facebook