Nhiều thủ đoạn rửa tiền chưa có đủ hành lang pháp lý để kiểm soát
Các vỏ bọc tài khoản ảo đang được hình thành để thuận tiện thực hiện các thủ đoạn rửa tiền, trong khi hành lang pháp lý chưa đủ kiểm soát những hành vi rửa tiền tinh vi.
Giao dịch trên nền tảng online đang ngày càng phổ biến trong ác lĩnh vực như ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử… rồi các nền tảng giao dịch tiền ảo .
Cũng từ đây, nếu không được kiểm soát, có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ, tạo điều kiện cho các hành vi rửa tiền mà chưa lường hết được. Đây là cũng chính là nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã được các đại biểu quốc hội quan tâm thảo luận.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo… Cũng từ đây toàn bộ tiền của bị hại trong tài khoản, các đối tượng sẽ chuyển sang nhiều tài khoản được mua khác nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Một nhóm lừa đảo cho biết, đã giả là người mua hàng rồi chốt đơn để lấy thông tin tên, số điện thoại và số tài khoản của người bán, sau đó soạn tin nhắn giả mạo đã chuyển tiền thành công từ dịch vụ chuyển tiền quốc tế rồi gửi cho người bán mã nhận tiền. Khi bị hại thắc mắc vẫn chưa nhận được tiền thì đối tượng lừa đảo hướng dẫn kích vào link nhận tiền trong tin nhắn, lúc này các đối tượng sẽ nắm được quyền kiểm soát toàn bộ thông tin tài khoản của bị hại để lấy cắp tiền, kể cả mã OTP.
"Những người bán hàng online thường không hiểu biết về chuyển tiền quốc tế nên tôi lợi dụng điều đấy để lừa", bị can Hoàng Vũ Cường - huyện Triệu Phong, Quảng Trị cho hay.
Không còn hoạt động nhỏ lẻ, tội phạm mạng giờ đây đã hình thành theo đường dây. Đầu tiên là nhóm tạo các đường link gắn mã độc để lấy cắp thông tin số tài khoản ngân hàng. Tiếp theo là nhóm sử dụng công nghệ tiếp cận bị hại để lừa đảo và cuối cùng là nhóm rửa tiền.
Toàn bộ tiền của bị hại trong tài khoản, các đối tượng sẽ chuyển sang nhiều tài khoản được mua khác nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Số tiền lừa đảo được các đối tượng sẽ chia theo tỷ lệ: Nhóm tạo đường link 20%, nhóm trực tiếp lừa đảo 70% và nhóm rửa tiền 10%.
Có thể thấy, nền tảng giao dịch trên không gian mạng, ngân hàng số nở rộ vì thế mà các vỏ bọc tài khoản ảo được hình thành để thuận tiện thực hiện các thủ đoạn rửa tiền. Trong khi hành lang pháp lý vẫn chưa đủ kiểm soát những hành vi rửa tiền tinh vi như vậy, vậy đâu là kẽ hở? Cần cân nhắc bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo như thế nào?
Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có những phân tích, bình luận xung quanh các vấn đề trên.