Nhiều sinh viên cuối cấp khốn đốn vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Chia sẻ Facebook
03/07/2023 21:27:59

Để xét tốt nghiệp, sinh viên năm cuối tại các trường đại học không chỉ phải đáp ứng kết quả các môn chuyên ngành mà còn đảm bảo đạt chuẩn đầu ra tin học và ngoại ngữ. Tuy nhiên, ngoại ngữ đang là “nỗi sợ” với không ít sinh viên.


Xã hội ngày càng phát triển, việc có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho sinh viên. Đã có những hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất nghiệp của Cột sống Gen Z do không đáp ứng được trình độ ngoại ngữ, tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng ý thức được điều này. Một số bạn ra trường rồi lại hối hả đăng ký học tiếng Anh. Không ít tân cử nhân đã đánh mất những cơ hội việc làm chỉ vì vốn tiếng Anh quá nghèo nàn.


Chật vật với ngưỡng cửa ngoại ngữ

Suốt những năm ở bậc THPT, Ngọc Anh, sinh viên ngành Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng được mệnh danh là “chiến thần” khối C. Nữ sinh đã từng gặt hái nhiều giải thưởng môn Lịch sử của thành phố Hà Nội nhưng môn Tiếng Anh lại là ác mộng của cô gái này.

Ngoại ngữ là nỗi ám ảnh của nhiều người. (Ảnh minh họa: Báo Sức Khỏe Và Đời Sống)


Hiện tại, để kịp hoàn thiện chứng chỉ ngoại ngữ để tốt nghiệp, Ngọc Anh phải dành ra 3 buổi/tuần để học tiếng Anh với gia sư. “Vì bị mất gốc nên việc học tiếng Anh với mình thực sự rất áp lực. Mình phải tìm gia sư riêng để học vì sợ không thi được chứng chỉ rồi còn kịp ra trường”, nữ sinh viên năm cuối chia sẻ.

Cũng giống như Ngọc Anh, Gia Hưng, sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hàng tuần dành 3 buổi tối học tại trung tâm với mục tiêu thi đạt chứng chỉ HSK cấp độ 4 (chứng chỉ đánh giá trình độ tiếng Trung dành cho người nước ngoài, gồm 6 cấp độ). Tổng số tiền mà nam sinh chi ra đến thời điểm này để học tiếng Trung là 14 triệu đồng.

Ôn thi cấp tốc để kịp ra trường đúng hạn. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Đây là chứng chỉ Hưng cần đạt được nếu muốn tốt nghiệp vào năm tới, bởi chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Học viện với sinh viên ngành Báo chí là chứng chỉ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR). Nam sinh chọn tiếng Trung, trong khi phần lớn bạn bè chọn thi các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC.

Với Gia Hưng, chứng chỉ HSK 4 (tương đương trình độ trung cấp) khá nặng. Nam sinh lo lắng khi thấy nhiều anh, chị khoá trước phải ra trường muộn vì không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Vừa học ở trường, vừa đi làm thêm, nam sinh đang phải nỗ lực "bơi" để hoàn thành chứng chỉ vào tháng 4 năm sau.

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp trễ vì ngoại ngữ. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)

Éo le hơn Ngọc Anh và Gia Hưng, dù bạn bè đã tốt nghiệp năm 2022 nhưng Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên trường Đại học Điện Lực vẫn phải “ở lại” do chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Sau nhiều lần đi thi nhưng chưa đủ điểm nên Hoàng Nam vẫn lỡ hẹn ra trường.

Hiện nay, tại nhiều trường đại học đang xảy ra tình trạng nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn do còn “nợ” lại chứng chỉ ngoại ngữ.


Học ngoại ngữ là cả một quá trình lâu dài

Một trong những điều kiện xét tốt nghiệp của các trường đại học là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, TOEFL. Điều này đã dẫn đến một áp lực vô hình cho nhiều sinh viên, khi ngoại ngữ không phải là thế mạnh.

Áp lực khi ngoại ngữ không phải là thế mạnh. (Ảnh minh họa: VTC News)

Chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường Hạnh Linh (22 tuổi) theo học là mức B1 hoặc chứng chỉ tương đương. Sinh viên tùy ý học 14 tín chỉ ngoại ngữ và thi tại trường, hoặc thi chứng chỉ bên ngoài nộp về phòng đào tạo.

Được biết, từ cấp ba, năng lực tiếng Anh của nữ sinh ở dạng khá, không quá kém. Ngay từ năm nhất, cô lựa chọn học và thi tại trường, nghĩ sẽ tiện hơn và có thể hệ thống lại kiến thức. Tuy nhiên, sau khi học 9 tín, Linh quyết định dừng dù chỉ còn 5 tín là đủ điều kiện thi chuẩn đầu ra. Cô không còn đủ kiên nhẫn và hứng thú chương trình tiếng Anh tại trường. Thời gian học một buổi quá dài (5 giờ/buổi), diễn ra trong một kỳ học (15 tuần). Phương pháp giảng dạy cũng không phù hợp, quá nhàm chán. Sinh viên khó tiếp thu được nhiều.

Không còn đủ kiên nhẫn với việc học. (Ảnh minh họa: VUS)

Gần cuối kỳ 2 năm thứ 4, khi chuẩn bị ra trường, Linh lựa chọn ôn tại trung tâm trong 2 tuần, thi lấy chứng chỉ APTIS bên ngoài và nộp về trường để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Việc này được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng, thời gian học ngắn hơn. Tuy nhiên, việc học này chỉ mang tính chất học “xổi”, theo mẫu để đi thi, kiến thức thu lại không nhiều hơn là bao so với học ở trường, chỉ có điều thời gian được tiết kiệm.

Tổng chi phí để Linh đạt đủ điều kiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ là 7,5 triệu đồng, bao gồm cả việc học ở trường, ôn tập ở trung tâm và thi bên ngoài. Tuy nhiên, vì nộp chứng chỉ muộn, quá thời hạn hậu kiểm tại trường (mỗi năm 2 đợt), nữ sinh phải chịu cảnh tốt nghiệp muộn.

Chi nhiều tiền đến các trung tâm ngoại ngữ. (Ảnh minh họa: Học Anh Văn)


"Sinh viên vào trường nhưng không chắc ra trường được, chuẩn ngoại ngữ tiếng Anh là rào cản khá lớn", ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, nói. Vài năm gần đây, sinh viên của trường tốt nghiệp đúng hạn thường đạt khoảng 60%. 40% sinh viên còn lại phải kéo dài đến năm thứ năm, thứ sáu mới có thể ra trường do nợ chứng chỉ tiếng Anh B1.

Tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, theo ông Lê Hoàn, cán bộ phòng đào tạo của trường, số sinh viên nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ TOEIC 450 có nhưng không nhiều.

Ông Hạ và ông Hoàn nhận định nhiều em không đạt do gần tốt nghiệp mới nhớ đến điều kiện tiếng Anh đầu ra. Ngoài ra, ông Hạ cho rằng nhiều em yếu ngoại ngữ từ đầu vào, lại vừa học vừa làm thêm, không sắp xếp thời gian khoa học và chưa cố gắng hết mình. Sinh viên tốt nhất nên có lộ trình ôn luyện cụ thể bắt đầu từ năm nhất.

Tốt nhất nên có lộ trình ôn luyện cụ thể ngay từ đầu. (Ảnh minh họa: IUHers)

Các trường đều đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ là công cụ cho sinh viên tham gia tự tin vào thị trường lao động, ứng tuyển được các vị trí có mức lương cao hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.


Vì thế, để không bị tốn kém cũng như phải vất vả để trả nợ môn, các thầy cô cho rằng, học ngoại ngữ là cả một quá trình. Các bạn sinh viên, độc giả của YAN cần phải chăm chỉ để tích luỹ kiến thức dần dần. Có như thế, việc học ngoại ngữ mới thực sự có ý nghĩa, vừa có kiến thức thật sự và vừa không phải chạy đôn chạy đáo để lo đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra.

Có thêm nhiều cơ hội việc làm nhờ ngoại ngữ tốt. (Ảnh minh học: Hoteljob)

Hiện nay, xu hướng tuyển lao động có trình độ tiếng Anh tốt ngày càng phổ biến với nhiều tiêu chuẩn khác nhau như chứng chỉ B1 Châu Âu, TOEIC, EILTS... Nâng cao kĩ năng tiếng Anh là yêu cầu cần thiết đối với sinh viên để không bỏ lỡ cơ hội được tuyển dụng vào những vị trí công việc tốt.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Trong đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu. Tuy nhiên, tùy theo từng trường sẽ có những yêu cầu khác nhau.

Đáng nói, dù chuẩn đầu ra ở mức độ cao hay thấp thì vẫn là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên năm cuối gần như bất lực trước thời hạn xét tốt nghiệp khi ngoại ngữ không phải là thế mạnh.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook