Nhiều ruộng hoa héo khô chết rũ, người trồng hoa ở Nghệ An lo mất Tết
Mưa ngập, nắng lên khiến hàng chục hecta trồng hoa Tết ở Nghệ An héo khô, chết rũ. Nhiều người trồng hoa tại Nghệ An lo “mất Tết”.
Thời gian qua, một đợt mưa lớn bất thường tại Nghệ An đã khiến nhiều vùng trồng hoa Tết của người dân ở các xã Hưng Đông, Nghi Liên, Nghi Ân, thành phố Vinh, Nghệ An ngập sâu. Sau khi nước rút đi, thời tiết lại nắng gắt khiến nhiều ruộng hoa Tết của người dân bắt đầu héo khô, chết rũ ngay tại ruộng.
Ông Nguyễn Ngọc Đức - Chủ tịch UBND xã Nghi Liên, thành phố Vinh cho biết, đợt mưa lũ vừa qua khiến hơn 10 ha hoa Tết của người dân trên địa bàn mất trắng. Hiện tại, thời gian đã cận Tết, nếu trồng lại cũng không kịp để bán.
Hơn 1 tháng trước, gia đình ông Thái Phi Dũng (trú xóm Trung Liên, xã Nghi Liên, TP.Vinh, Nghệ An) xuống giống trồng hoa cúc chuẩn bị cho vụ hoa Tết trên diện tích hơn 1.000m2. Thời tiết thuận lợi, hoa sinh trưởng tốt. Song chỉ sau một trận mưa kéo dài 3 ngày, toàn bộ ruộng hoa Tết của gia đình bị nhấn chìm trong nước suốt 2 ngày, công sức của gia đình ông xem như bỏ không.
Tết là vụ hoa chính của người dân nơi đây, người trồng hoa đều mong có một cái Tết đủ đầy nhờ những ruộng hoa nhưng giờ đây tất cả đều đã mất trắng. “Năm ngoái dịch bệnh khó bán nhưng trừ chi phí còn lãi gần 30 triệu. Năm nay hết dịch, tưởng sẽ thắng lợi, nhưng giờ chắc không còn hoa để bán. Giờ trồng lại cũng không kịp nữa”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Nước lũ rút, nắng lên khiến những luống hoa cúc đang xanh mơn mởn dần khô héo, héo quắt lại và rũ xuống. Bị ngâm nước quá lâu, nay trời lại nắng gắt nữa nên khả năng sẽ chết hết. Toàn bộ rễ cây đã bị thối.
Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân trồng hoa ở xã Nghi Liên, nơi được xem là vựa hoa Tết lớn nhất thành phố Vinh. Lũ rút, nhiều người dồn sức cứu hoa, cây cảnh nhưng cũng không còn hy vọng gì.
Theo người dân địa phương, để trồng 1ha hoa cúc, người dân phải bỏ ra chi phí đầu tư 120-130 triệu đồng; còn như hoa ly cao hơn nhiều, từ 200-300 triệu đồng. Anh Phạm Trung Kiên cho hay, sau trận mưa lớn hiếm gặp mùa đông, 1 vạn cây hoa cúc của gia đình đã chết gần hết, 1 vạn cây hoa ly còn lại cũng sinh trưởng kém, xuất hiện cháy lá. Sau mưa, rất nhiều nấm, vi khuẩn gây hại tấn công cây hoa. Sợ rằng không chết nhưng cũng khó phát triển để kịp bán vụ hoa Tết.
Tại các vùng trồng hoa Tết lâu năm ở xã Nghi Ân, Hưng Đông (TP.Vinh) và Nghi Long (huyện Nghi Lộc), Kim Liên (huyện Nam Đàn)… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo người dân, vụ hoa Tết năm nay giống hoa tăng, phân bón tăng nên mỗi sào (500m2) hoa đầu tư hết 7-8 triệu đồng. Tết là vụ hoa chính, đem lại thu nhập cao cho người trồng hoa, song năm nay phần lớn đều khó có hoa để bán.