Nhiều rủi ro tiềm ẩn khi dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Trước những tác hại không nhỏ của hàng trôi nổi, hàng giả, mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng việc tìm đến các sản phẩm chính hãng từ các cửa hàng có uy tín. Không nên lựa chọn sản phẩm chỉ vì có người quen giới thiệu hoặc qua quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội hay chỉ vì thấy sản phẩm được quảng cáo với nhiều công dụng, thần tốc, hình ảnh bắt mắt, giá rẻ dẫn đến tiền mất tật mang.
Đã gần 2 tháng nay, chị Lê Thị Yến (huyện Anh Sơn, Nghệ An ) phải đi lại khám chữa da ở phòng khám. Đây là hậu quả sau một lần chị mua kem làm trắng da không rõ nguồn gốc trên mạng về sử dụng. Vừa bôi kem dứt đã thấy tình trạng châm chích, ửng đỏ ở da, ngày hôm sau mặt nổi đầy mụn li ti. Lo lắng, chị không dám bôi thêm lần nào nữa, đồng thời đến khám ở phòng khám da liễu.
Mỗi tháng, phòng khám da liễu Việt Đức, Hà Nội tiếp nhận trung bình khoảng 15-20 trường hợp bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ phải chữa trị trong thời gian dài để phục hồi tình trạng da ban đầu với chi phí không hề nhỏ. Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc sẽ khiến cho việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn bởi không rõ thành phần chứa những chất gì.
Chị Nguyễn Thu Hằng - bác sĩ phòng khám da liễu Việt Đức, Hà Nội - cho biết: 'Khi khách hàng bị dị ứng sẽ đem sản phẩm đến cho bác sĩ, bác sĩ sẽ test và biết được bệnh nhân dị ứng gì từ đó tránh về sau".
Những tháng cuối năm là thời điểm diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có mỹ phẩm giả. Mới đây, lực lượng chức năng tại Bình Định đã lập hồ sơ xử lý vụ phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm là kem trộn, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bao bì hàng hóa. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên sự lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng mỹ phẩm bán online - một hình thức phổ biến, được nhiều người ưa chuộng bởi tính tiện ích nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Sản xuất, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bao bì hàng hóa. Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính theo quy định. Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Cơ sở sản xuất mỹ phẩm này đã bị lực lượng chức năng tạm giữ gần 18 nghìn hộp kem trộn, rất nhiều tem nhãn và các tang vật có liên quan quan đến hoạt động sản xuất kem trộn để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Không chỉ trên mạng xã hội, mỹ phẩm gắn mác hàng xách tay được rao bán tràn lan trong các khu chợ cho sinh viên.
Một hộp phấn thương hiệu của Hàn Quốc có giá từ 700-800.000 đồng nhưng tại đây chỉ có giá 150.000 đ. Nguồn gốc của những loại mỹ phẩm này cũng được thoải mái chia sẻ.
Điều kiện kinh doanh không khắt khe như đối với thực phẩm, dược phẩm nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng, thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã triệt xóa 03 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng lớn trên địa bàn Bắc Ninh, thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm vi phạm trị giá gần 13 tỷ đồng, đồng thời chuyển giao hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục xem xét xử lý hình sự.
Trước những mối nguy hại tiềm ẩn từ mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đến sức khỏe người tiêu dùng, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, từ đó kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.