Nhiều phương thức xét tuyển: lưu ý gì?
Với quy định mới trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nếu thí sinh không hiểu rõ và không thực hiện đúng thì dù đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn bị rớt đại học.
Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 có nhiều điều chỉnh về kỹ thuật, trong đó có quy định hoàn toàn mới so với trước đây là thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.
Dù thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nhiều phương thức nhưng nếu không đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung của bộ sẽ không được trúng tuyển bất kỳ phương thức nào.
TS NGUYỄN TRUNG NHÂN
(trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Không được yêu cầu xác nhận nhập học sớm
Quy chế quy định việc xét tuyển năm nay được các trường thực hiện với 3 nội dung: tổ chức đăng ký và xét tuyển thẳng; tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm; đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung.
Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT lưu ý các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung, dù thí sinh trúng tuyển phương thức nào.
Theo các chuyên gia, quy định trên của Bộ GD-ĐT nhằm thực hiện việc lọc ảo chung tất cả phương thức trên cùng hệ thống.
Đối với xét tuyển thẳng, các trường tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố kết quả theo kế hoạch chung. Thí sinh trúng tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm (khi đủ điều kiện), hoặc theo kế hoạch chung như thí sinh khác.
Thí sinh trúng tuyển thẳng chưa xác nhận nhập học vẫn được sử dụng quyền đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung để có thêm cơ hội trúng tuyển như những thí sinh khác.
Với xét tuyển sớm, các trường có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh, đồng thời tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển.
Các trường công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các trường. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Phải đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung
Thí sinh Nguyễn Văn Linh (Thái Bình) thắc mắc: "Em đã tốt nghiệp THPT, năm nay muốn thi đại học lại. Hiện em đã đăng ký xét học bạ vào một số trường và vẫn muốn dùng điểm thi THPT để xét vào các trường đại học khác. Vậy lúc đăng ký nguyện vọng em có cần ghi các trường em đã xét bằng học bạ vào không?".
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trường hợp này là thí sinh tự do, để được dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 lấy điểm để xét tuyển đại học, thí sinh này phải đăng ký dự thi (hiện đã hết hạn).
Nếu đã đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được dự thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các trường xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Đối với xét tuyển học bạ, các trường sẽ tổ chức xét tuyển và công bố kết quả xét tuyển sớm. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ vẫn được phép tiếp tục đăng ký xét tuyển phương thức xét điểm thi THPT.
Trường hợp thí sinh đã được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).
Trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống" - ông Hạ cho hay.
TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết thêm quy chế quy định đối với đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung thí sinh dự tuyển đợt 1 (gồm cả thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
"Trên thực tế có những thí sinh dự tuyển bằng nhiều phương thức (học bạ, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển...) sẽ được các trường xét tuyển sớm. Theo quy chế năm nay, thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT" - ông Nhân lưu ý.
Lưu ý đăng ký nguyện vọng
* Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng
cao nhất);
* Lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường);
* Lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo (mã ngành);
* Lựa chọn phương thức tuyển sinh (mã phương thức);
Lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học cấp THPT.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quy định trên và quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Những quy định về tuyển sinh đại học cần đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn, ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.