Nhiều "ông lớn" ngân hàng bị sụt giảm tiền gửi trong quý 3 nhưng một nhà băng tư nhân vẫn hút thêm được hơn 7.700 tỷ đồng

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 09:09:04

Bức tranh huy động tiền gửi khách hàng của các nhà băng trong quý 3/2022 có sự phân hóa mạnh mẽ.


Thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố BCTC cho thấy, tổng số tiền gửi cuối tháng 9 đạt hơn 7,79 triệu tỷ đồng, giảm hơn 50.388 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2022, tức giảm 0,6% trong quý 3.

Có 13/28 ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng trưởng dương trong quý 3 trong khi 15 ngân hàng còn lại bị sụt giảm, thậm chí có ngân hàng sụt giảm gần 20.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng.

BIDV là ngân hàng hút thêm nhiều tiền gửi nhất trong quý 3 vừa qua. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này cuối tháng 9 đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7.900 tỷ so với cuối tháng 6 và tăng hơn 33.800 tỷ so với đầu năm. Với hơn 1,41 triệu tỷ đồng, BIDV đang là ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất trong các ngân hàng cổ phần hiện nay. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động tiền gửi của BIDV đạt 2,5%.

LienVietPostBank là ngân hàng tiếp theo có lượng tiền gửi tăng mạnh trong quý 3 khi tăng hơn 7.700 tỷ lên 193.533 tỷ đồng. Tính trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động tiền gửi của LienVietPostBank đạt 7,4%, cao hơn so với trung bình toàn ngành.

Những ngân hàng nằm trong top hút mạnh tiền gửi quý 3 còn có thể kể đến TPBank (tăng hơn 6.300 tỷ lên hơn 162 nghìn tỷ), ACB (tăng gần 3.900 tỷ lên hơn 392 nghìn tỷ), Eximbank (tăng hơn 3.700 tỷ lên hơn 145 nghìn tỷ),….

Vietcombank cũng tiếp tục tăng trưởng huy động vốn, tuy nhiên chỉ tăng thêm hơn 1.700 tỷ đồng tiền gửi trong quý 3, tốc độ chậm lại đáng kể so với 2 quý trước. Số dư tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này cuối tháng 9 đạt hơn 1,197 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm.

Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng huy động vốn chậm lại kể từ tháng 7 và thậm chí có nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh tiền gửi trong quý 3.

Tại MB, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 9 còn 377 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 19.700 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Mức giảm này cũng đánh bay nỗ lực tăng trưởng của 2 quý trước đó, khiến MB ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm 2% trong 9 tháng đầu năm.

Nguyên nhân sụt giảm tiền gửi ở MB trong quý 3 là do tiền gửi không kỳ hạn (giảm mạnh từ 166,3 nghìn tỷ xuống hơn 147,6 nghìn tỷ đông) trong khi tiền gửi có kỳ hạn vẫn tăng trưởng dương.

Tương tự, VPBank ghi nhận tiền gửi trong quý 3 giảm 18 nghìn tỷ đồng xuống mức 277 nghìn tỷ. Tuy nhiên, nhờ nửa đầu năm đã tăng trưởng mạnh mẽ nên tính chung 9 tháng, tăng trưởng tiền gửi tại VPBank vẫn đạt 14,7%, là một trong những mức tăng cao nhất hệ thống.

“Ông lớn” VietinBank cũng ghi nhận tiền gửi sụt giảm trong quý 3, từ 1,205 triệu tỷ đồng xuống 1,189 triệu tỷ đồng, tức giảm hơn 15.800 tỷ (-1,3%). Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng này đạt 2,4%.

Hàng loạt ngân hàng khác cũng sụt giảm trong quý 3 như VIB, NamABank, HDBank, VietCapitalBank, SeABank, Techcombank, VietBank,…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn do các ngân hàng hết hạn mức đã khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân phải rút tiền gửi để phục vụ cho đầu tư và hoạt động kinh doanh, từ đó khiến tiền gửi, đặc biệt là loại tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm mạnh trong quý 3.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng kỳ vọng, tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng sẽ khởi sắc hơn trong quý 4 khi lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh thời gian gần đây. Sau khi NHNN thực hiện 2 lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1% từ ngày 23/9 và 24/10, lãi suất huy động đã tăng khoảng 2-2,5%/năm, trở lại mặt bằng như trước Covid-19.

Hiện lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn đã lên 1%/năm, kỳ hạn 1 tháng – dưới 6 tháng là 6%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài cao nhất trên thị trường đã lên trên 9%/năm.

Chia sẻ Facebook