Nhiều 'ông lớn' FDI muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Theo chuyên gia, việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp FDI.
Hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Apple của Mỹ hay Samsung của Hàn Quốc đã có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam và vừa có thêm 1 "ông lớn" nữa cũng tuyên bố nhắm đến thị trường Việt Nam, đó là tập đoàn sản xuất máy bay Boeing.
Tập đoàn Boeing muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, tái lập hiện tượng Samsung, Intel. Đây là những nội dung nổi bật đã được truyền thông nước ngoài nhắc đến khá nhiều trong tuần qua, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trang retailnews.asia của HongKong (Trung Quốc) đã trích dẫn phát biểu của ông Michael Nguyễn, Tổng Giám đốc Boeing Việt Nam, cho biết trong 30 năm tới, các chuyên gia tin rằng Đông Nam Á sẽ cần đến 4.000 máy bay. Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu trong việc đáp ứng nhu cầu như vậy.
Hãng này cho biết tất cả các máy bay Boeing đều có các bộ phận được sản xuất tại Việt Nam, chẳng hạn như cánh cửa hoặc tay nắm cửa. Tuy nhiên, gã khổng lồ Mỹ tin rằng công nhân và chuyên gia Việt Nam có thể phát triển hơn nữa và sản xuất các linh kiện khác theo đúng hướng dẫn, vì vậy hãng muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam…
Còn trang Sputnik của Nga phiên bản tiếng Việt trích dẫn phỏng vấn ông Craig Abler, Giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng khu vực châu Á của Boeing, cho biết tập đoàn cũng sẽ tổ chức đến thăm các nhà máy tiềm năng và xây dựng đội ngũ để hỗ trợ phát triển nhà cung ứng tại Việt Nam.
Đại diện của hãng cho rằng, nhân viên và chuyên gia người Việt sẽ phát triển tốt với tố chất cần cù vốn có nếu được quan tâm đúng mức. Giống như Samsung và Intel, Boeing sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
"Chúng ta đang nhìn thấy làn sóng đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Điều này diễn ra bởi vì Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, một yếu tố nữa là chi phí sản xuất ở Việt Nam, lao động thấp hơn nếu so sánh với nhiều nước khác trên thế giới, điều này khiến Việt Nam hấp dẫn FDI.
Tôi nghĩ điều bạn có thể thấy từ nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhiều công ty. Bạn thấy gần đây CEO Tim Cook của Apple đề cập đến Việt Nam như một trong những thị trường tăng trưởng chính. Do đó bạn thấy, Việt Nam không chỉ là một thị trường mới nổi, thú vị mà đã trở thành một trong những thị trường chính đối với các công ty sản xuất toàn cầu", ông Thue Quist Thomasen, Chủ tịch Điều hành Phòng thương mại Bắc Âu tại Việt Nam (Nordcham), đánh giá.