Nhiều ông lớn công nghệ gặp "sóng gió" trong nửa đầu năm 2022

Chia sẻ Facebook
04/06/2022 14:54:00

VTV.vn- Nửa đầu năm 2022 đã qua, khi thế giới quay trở lại nhịp sống bình thường sau đại dịch thì những tập đoàn công nghệ lớn và nhỏ trên thế giới lại gặp phải khá nhiều sóng gió.


EU siết chặt kiểm soát các công ty công nghệ lớn


Tại châu Âu, sức ép với các hãng công nghệ lớn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Hồi tháng 1, Google tuyên bố kháng cáo lên tòa án công lý châu Âu về mức phạt chống độc quyền lên tới 2,8 tỷ USD. Chỉ 1 tháng sau đó, công ty Mỹ lại phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền trị giá 2,4 tỷ USD từ một công ty Thụy Điển. Google cũng phải chấp nhận trả tiền cho hơn 300 nhà xuất bản tin tức tại châu Âu nhằm khép lại cuộc chiến bản quyền dai dẳng với ngành công nghiệp báo chí.

Một tên tuổi lớn khác là Apple cũng lao đao. Hồi tháng 3, Táo khuyết đã đối mặt với án phạt lên tới 55 triệu USD tại Hà Lan với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Đến đầu tháng 5, giới chức EU lại giáng một đòn mạnh nữa, khi cáo buộc Apple lạm dụng vị thế thống trị trong lĩnh vực thanh toán di động, kèm theo đó là nguy cơ đối mặt khoản phạt lên tới 10% doanh thu mỗi năm trên toàn cầu, tương đương với hàng chục tỷ USD.

Bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói: "Bằng cách loại trừ những công ty khác, Apple đã tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho ví điện tử Apple Pay của hãng. Nếu được xác nhận, đây có thể coi là hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường. Điều này là bất hợp pháp theo quy định của châu Âu".

Bên cạnh các án phạt riêng lẻ, EU cũng đẩy mạnh các nỗ lực pháp lý, nhằm đưa các hãng công nghệ lớn vào khuôn khổ. Hồi tháng 3 vừa qua, EU đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) - một động thái mang tính bước ngoặt để hạn chế quyền lực của những "đại gia" công nghệ. Dự kiến, DMA sẽ được áp dụng cho các công ty có giá trị vốn hóa thị trường 75 tỷ Euro, doanh thu hàng năm 7,5 tỷ Euro và ít nhất 45 triệu người dùng hàng tháng.

Ông Thierry Breton, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách Thị trường Nội bộ nhận định: "Một số người đã ví thị trường như miền tây hoang dã, nơi hoàn toàn thuộc về các công ty công nghệ. Chúng tôi đã giành lại quyền kiểm soát và nói với họ rằng, các bạn vẫn được chào đón trong thị trường EU và giờ là thị trường kỹ thuật số nhưng phải tuân theo các quy định của chúng tôi".

Dự kiến, DMA sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2023. Những công ty công nghệ vi phạm sẽ đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm, và có thể lên tới 20% nếu tái phạm.


Nhiều công ty công nghệ lao đao về cổ phiếu

Không chỉ gặp rắc rối với chính phủ, những tháng qua chúng ta còn chứng kiến một loạt các công ty công nghệ lớn khác cũng lao đao về cổ phiếu, về lượng người đăng ký dịch vụ.

Ví dụ như Netflix, tháng 4 vừa rồi cổ phiếu Netflix giảm 40%, thổi bay gần 60 tỷ USD vốn hoá hay như công ty mẹ Meta của Facebook. Chỉ trong một ngày đầu tháng 2, Meta mất tận 230 tỷ USD vốn hoá vì cổ phiếu giảm 20%.

Công ty thương mại điện tử Amazon phiên giao dịch 29/4 cũng lao dốc 14%, ngày giao dịch đen tối nhất kể từ năm 2006. Bên cạnh đó, công ty còn vướng phải lùm xùm cho người lao động nghỉ việc hàng loạt với lý do bộ máy quá thừa nhân lực.

Vậy, chuyện gì đang xảy ra với nhóm cổ phiếu công nghệ? Phải chăng nhóm này không còn là bất bại nữa. Để trả lời câu hỏi này, phóng viên VTV Digital đã liên lạc với ông Raj Shah, một chuyên gia về chuyển đổi số của tập đoàn Publicis Sapient tại Mỹ. Ông Shah có một vài ý kiến rất đáng chú ý về giai đoạn mà ông gọi là "đoạn đường gập ghềnh của giới công nghệ."

Cảm ơn ông Shah đã tham gia phỏng vấn với VTV Digital. Chuyện gì đang xảy ra với nhóm cổ phiếu công nghệ thưa ông? Tại sao những tháng đầu năm lại khó khăn đến thế?


Ông Raj Shah, Trưởng bộ phận Viễn thông và công nghệ khu vực Bắc Mỹ, Tập đoàn Publicis Sapient: Có rất nhiều sức ép đến từ nhiều phía nhưng quan trọng nhất là dòng vốn. Trong thời kỳ của COVID-19, các nền kinh tế được bơm rất nhiều tiền để có thể vượt qua đại dịch và một phần lớn của số tiền đó chảy vào cổ phiếu các tập đoàn công nghệ, những startup công nghệ. Nhưng bây giờ, những nhà đầu tư cổ phiếu bắt đầu đặt câu hỏi: Bao giờ thì khoản đầu tư của họ mới sinh lời?

Trong khi đó, người dân các nước bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường mới. Nên nhiều dịch vụ công nghệ như Netflix hay Zoom hay Peloton bắt đầu mất khách hàng. Chiến sự Nga- Ucraina khiến vật giá hàng hoá tăng lên. Những nhà đầu tư càng sốt ruột hơn về khoản tiền của mình đổ vào các công ty công nghệ. Những công ty công nghệ buộc phải đưa ra con số lợi nhuận, doanh thu tốt, và họ chưa sẵn sàng làm điều đó. Theo tôi, đây là nguyên nhân khiến đà tăng trưởng của các công ty công nghệ bị kìm hãm lại phần nào.

Với tư cách là một nhà đầu tư, tôi vẫn chưa thấy thoả mãn với lời lý giải của chuyên gia. Netflix hay Zoom thì quá rõ, đại dịch qua đi, cuộc sống bình thường trở lại, họ mất khách. Ví dụ như Meta - công ty mẹ của Facebook thì sao ạ? Vì lý do gì mà mất tới 230 tỷ USD chỉ trong 1 ngày?


Ông Raj Shah, Trưởng bộ phận Viễn thông và công nghệ khu vực Bắc Mỹ, Tập đoàn Publicis Sapient: Không nên coi các tập đoàn công nghệ như một khối liền mà phải nhìn cụ thể từng công ty. Họ có chiến lược và mô hình kinh doanh khác nhau. Có những công ty lớn như Microsoft hay Amazon, dịch vụ của họ đi vào từng ngóc ngách cuộc sống nên thị trường có chao đảo thì cổ phiếu của họ vẫn trụ vững. Bảng cân đối kế toán của họ vẫn tốt, doanh thu, lợi nhuận ổn. Còn Meta của Facebook, họ đang tiên phong trong một lĩnh vực mới - đó là Metaverse. Nhưng họ vốn đã thống trị lĩnh vực mạng xã hội. Nhà đầu tư sẽ thấy hơi hoang mang, nghi ngại vì không biết hướng đi mới này có đem lại lợi nhuận nhanh chóng không. Đây là lý do mà cổ phiếu của Meta sẽ bước vào một chặng đường gập ghềnh không bằng phẳng tí nào và Meta cũng sẽ khó huy động vốn để đổ vào dự án mới hơn trước kia.

Theo chuyên gia Raj Shah, đầu tư vào cổ phiếu công nghệ nên là một chặng đường dài chứ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Tất nhiên những cổ phiếu của các tập đoàn mà dịch vụ của họ luôn luôn cần thiết, như Microsoft hay Amazon, sẽ là một lựa chọn ít rủi ro. Còn nếu đầu tư vào những mô hình công nghệ mới mẻ hơn, thì cần nhìn vào khả năng sinh lời của công ty và phải xem nó có đang ở giai đoạn ngốn tiền không.

Chia sẻ Facebook