Nhiều nước lo ngại các vụ thử tên lửa của Triều Tiên
Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn trước vụ thử tên lửa thứ 18 của Triều Tiên ngày 5/6.
Trong vụ thử mới nhất này, Bình Nhưỡng đã phóng 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Seoul và Washington sau đó đã phóng 8 tên lửa đất đối đất thuộc hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân để đáp trả.
Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc kết luận rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là "phép thử và thách thức" đối với khả năng sẵn sàng phòng thủ của chính quyền mới ở Seoul.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra lệnh duy trì vững chắc trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong mọi lúc. "Các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng phức tạp, họ đã phóng nhiều tên lửa trong ngày 5/6. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang tiến tới mức đe dọa không chỉ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên , mà còn của cả khu vực Đông Bắc Á và thế giới".
Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức cách đây 1 tháng, Hội đồng An ninh quốc gia nước này đã phải tổ chức họp khẩn 3 lần sau các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói: "Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã liên tiếp phóng các tên lửa đạn đạo, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Một loạt các hành động của Triều Tiên đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế".
Giới chức Nhật Bản nhận định vụ phóng tên lửa với số lượng lớn từ ít nhất 3 địa điểm trong khoảng thời gian rất ngắn của Triều Tiên như vậy là "bất thường". Theo Tokyo, trong số 8 tên lửa lần này của Triều Tiên, ít nhất một tên lửa có quỹ đạo thay đổi, điều này cho thấy nó có thể né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Triều Tiên hiện chưa thông tin về vụ thử tên lửa mới nhất này. Tuy nhiên, hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ tăng cường năng lực hạt nhân của nước này với "tốc độ nhanh nhất," đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng sử dụng sức mạnh răn đe hạt nhân bất cứ lúc nào.
Thách thức an ninh khu vực
Các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên có thể nói là một thách thức đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Hiện chính quyền của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên, nhưng lại chưa đưa ra được biện pháp nào thực sự hiệu quả để thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Nếu không xử lý tốt vấn đề Triều Tiên, sự tín nhiệm của người dân đối với chính quyền ba nước Mỹ, Nhật, Hàn có thể suy giảm, gây bất lợi cho việc thực hiện các chính sách khác, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol chỉ mới thành lập, trong khi Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden đều có các cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 7 và tháng 11 tới.
Khả năng nối lại đàm phán với Triều Tiên
Kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, Triều Tiên đã tỏ ra không mặn với việc nối lại đàm phán.
Theo nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chính sách mà Mỹ và các đồng minh đang theo đuổi là thiếu công bằng và không thiện chí đối với Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un cho rằng đề nghị đối thoại gần đây của Washington là vỏ bọc cho chính sách đối đầu, khi mà các biện pháp trừng phạt khắt khe chống lại Triều Tiên do Mỹ khởi xướng không có dấu hiệu được nới lỏng. Và như đã nói, các vụ thử vũ khí liên tiếp do Triều Tiên thực hiện trong thời gian gần đây được coi là "một phép thử" đối với Mỹ và các đồng minh, buộc các nước này phải có cách tiếp cận phù hợp và công bằng hơn theo quan điểm của Triều Tiên, trước khi đàm phán được nối lại.
Ngày 5/6 có thể là vụ thử với nhiều vũ khí nhất trong 1 ngày từ trước đến nay của Triều Tiên. Còn từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt các vụ phóng tên lửa, từ vũ khí siêu thanh đến các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của nước này Hwasong-17. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên làm gia tăng bất ổn trong khu vực, nhưng sự kiện này không gây ra mối đe dọa ngay lập tức.
Tuy nhiên đã có cảnh báo từ giới chức Mỹ và Hàn Quốc rằng Triều Tiên đã hoàn thành quá trình chuẩn bị để có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân vào bất cứ lúc nào. Đây sẽ là thách thức đối với các chính quyền mới ở Đông Bắc Á, nhất là khi tiến trình đàm phán đã bế tắc lâu nay. Vào ngày 8/6, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ có cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao để tiếp tục bàn thảo vấn đề này.