Nhiều nước có nguy cơ cao bùng phát đợt dịch mới, COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại tại Ấn Độ
Đến sáng 20/6, thế giới có trên 544,23 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,34 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 , hiện Mỹ ghi nhận trên 88 triệu ca mắc và hơn 1,038 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 14.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Hội đồng Cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã bỏ phiếu về việc khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng tuổi. Kết quả là tất cả 12 phiếu ủng hộ. Với sự thông qua của CDC, Mỹ có thể triển khai khai tiêm phòng trên toàn quốc cho trẻ từ 6 tháng bắt đầu vào tuần tới.
Trước đó, vào ngày 17/6, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã nhất trí tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trong khi đó, vaccine của Pfizer sẽ dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Ước tính có khoảng 18 triệu trẻ em Mỹ đủ điều kiện tiêm.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 19/6, nước này ghi nhận trên 14.300 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng cộng trên 43,31 triệu người nhiễm, bao gồm hơn 524.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Tình hình dịch COVID-19 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang phức tạp trở lại khi số ca mắc mới liên tiếp ghi nhận hơn 1.500 ca/ngày trong 4 ngày qua. Số ca mắc mới theo ngày trên cả nước cũng có xu hướng tăng, chạm hoặc vượt mức 13.000 ca/ngày vào ngày thứ hai liên tiếp. Một trong các nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng nhanh trở lại được cho là do người dân không đeo khẩu trang, không chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội. Điểm tích cực là, dù số ca nhiễm tăng nhanh nhưng các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, hồi phục nhanh hơn.
Trước đó, thủ đô New Delhi từng là một trong những địa phương tại Ấn Độ chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong 2 năm qua với số ca mắc cao nhất và ca tử vong cao nhất.
Brazil vẫn là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 669.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,69 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Theo số liệu của Viện Sức khỏe cấp cao Italy (ISS), tỷ lệ mắc COVID-19 tại nước này đã tăng 2 tuần liên tiếp sau một thời gian giảm. Cụ thể, tỷ lệ nhiễm trong tuần tính đến ngày 16/6 là 310 ca trên 100.000 dân, tăng so với 222 trường hợp trong tuần trước đó, cao hơn con số 207/100.000 dân của tuần trước đó.
Tỷ lệ Rt, phép đo cho thấy mức độ lây lan của dịch, đã tăng so với tuần trước, đạt 0,83 trong tuần từ ngày 10 - 16/6, cao hơn mức 0,75 trong tuần trước đó. Mức 0,80 là ngưỡng để một bệnh được xếp vào dịch quốc gia. Tỷ lệ Rt cao hơn 1 nghĩa là bệnh không được kiềm chế và đang lây lan. Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị tích cực giảm xuống còn 1,9% trong tuần qua, từ mức 2% trong tuần trước và 2,3% tuần trước đó.
Lần đầu tiên ISS cho biết, 100% trong số 572.000 ca đang điều trị COVID-19 là ca nhiễm biến thể Omicron. Theo ISS, biến thể dòng phụ BA.2 đang là chủng virus chủ đạo ở Italy, chiếm khoảng 23,3% tổng số ca.
Trong 24 giờ qua, Italy đã ghi nhận hơn 35.500 ca nhiễm mới, tăng so với 21.500 ca trong tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn thời điểm đỉnh dịch là 200.000 người/ngày hồi giữa tháng 1. Ngoài ra, cả nước ghi nhận 18 trường hợp tử vong vì COVID-19. Số liệu của Chính phủ Italy cho thấy, 90,1% dân số trên 12 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết, nước này đang tích cực chuẩn bị kế hoạch đối phó với nguy cơ bùng phát làn sóng đại dịch COVID-19 mới trong mùa hè và mùa thu tới. Bộ trưởng Lauterbach nhận định, một làn sóng lây nhiễm mới hoàn toàn có thể xảy ra trong mùa hè này. Kinh nghiệm từ Nam Phi cho thấy, dù nhiệt độ mùa hè ở mức cao nhưng các biến chủng Omicron vẫn lây lan nhanh chóng, do đó cần phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lauterbach cũng thể hiện sự lạc quan do nước Đức đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mọi tình huống.
Về việc tiêm mũi vaccine thứ tư cho nhóm người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, Bộ trưởng Lauterbach khuyến cáo nên tiếp tục tiêm phòng vì mũi vaccine này làm giảm nguy cơ biến chứng nặng và kéo dài. Theo Bộ trưởng Lauterbach, ngay cả những người chưa bị nhiễm COVID-19 và đã tiêm 3 mũi vaccine cũng nên cân nhắc tiêm chủng mũi thứ 4 nếu người đó thuộc nhóm có nguy cơ cao. Các trung tâm tiêm chủng sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân tiêm chủng.
Đến nay, Đức ghi nhận trên 27,2 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm hơn 140.292 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias tuyên bố, nước này sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho toàn dân, có thể là vào cuối năm nay. Tương tự nhiều quốc gia khác, Tây Ban Nha đã tiêm mũi vaccine thứ tư cho nhóm người cao tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, với 93% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ liều.
Từ tháng 3/2022, Tây Ban Nha bắt đầu coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, loại bệnh nhẹ hơn, thường xuyên xảy ra như bệnh cúm, và chuyển khỏi hệ thống theo dõi chi tiết đã được áp dụng khi đại dịch bùng phát. Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng trên 12,56 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 107.482 người tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020.
Các kết quả phân tích mới nhất ở Australia cho thấy, những bang có tỷ lệ tiêm mũi vaccine tăng cường cao hơn có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn rõ rệt tính trên bình quân đầu người.
Hiện bang Tây Australia là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng tăng cường cao nhất ở Australia (80,2%), tiếp theo là Vùng thủ đô (ACT, 79,3%), bang Nam Australia (68,4%), bang Victoria (68,1%), bang New South Wales (64,1%) và bang Queensland (58,1%).
Tính từ ngày 8/2 đến nay, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng tăng cường cao nhất ghi nhận tỷ lệ tử vong thấp nhất. ACT có tỷ lệ tử vong thấp nhất với 11/100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở Tây Australia là 15/100.000 người, chỉ bằng gần một nửa so với New South Wales và Victoria, hai bang có tỷ lệ tử vong là 27/100.000. Các bang Nam Australia và Queensland có tỷ lệ tử vong lần lượt là 24/100.000 và 20/100.000.
Ủy ban cố vấn vaccine của Colombia đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa COVID-19 cho người từ 12 - 49 tuổi dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Colombia Fernando Ruiz cho biết, mũi tăng cường thứ hai (tức mũi vaccine thứ 4) hiện đang được áp dụng với người có hệ miễn dịch kém, người ghép tạng và người có bệnh nền, cũng như người từ 50 tuổi trở lên.
Theo Bộ trưởng Ruiz, "ủy ban chuyên gia đã khuyến nghị tiếp tục áp dụng mũi vaccine tăng cường đầu tiên (mũi thứ ba) cho tất cả những người đã tiêm đủ các mũi cơ bản và tiêm mũi tăng cường thứ hai cho những người có bệnh nền". Bộ trưởng Ruiz kêu gọi người trung niên và trẻ em cần tiêm vaccine theo lịch trình của lứa tuổi mình vì những người chưa được miễn dịch là đối tượng có nguy cơ cao nhất.
Số liệu của Bộ Y tế Colombia cho biết, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 13.810 ca nhiễm mới và 24 người tử vong trong tuần qua, nâng tổng số ca mắc lên trên 6,13 ca, trong đó có 139.918 người thiệt mạng vì COVID-19.
Ai Cập đã quyết định dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập cảnh liên quan tới dịch COVID-19 áp dụng đối với cả công dân Ai Cập và người nước ngoài. Theo người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad, quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Thủ tướng Mostafa Madbouly với Ủy ban tối cao Ai Cập về quản lý đại dịch và dựa trên diễn biến thực tế của dịch COVID-19 tại Ai Cập cũng như trên thế giới.
Những tuần gần đây, Ai Cập đã chứng kiến số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm mạnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Ai Cập, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở nước này hiện giảm xuống chỉ còn 1 con số. Ngoài ra, Ai Cập cũng đã tiêm hơn 86 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó có khoảng 4,5 triệu liều vaccine tăng cường. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi này cũng đang dự trữ khoảng 57,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng trong thời gian tới.
Giới chức thành phố Bắc Kinh ( Trung Quốc ) cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố này đang được cải thiện sau khi cắt đứt chuỗi lây nhiễm liên quan tới một quán bar trong thành phố. Trong thông cáo báo chí, người phát ngôn chính quyền thành phố Bắc Kinh Xu Hejian xác nhận, số ca mắc mới COVID-19 ở thành phố này đang trên đà giảm trong 4 ngày liên tiếp. Thành phố này không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào trong 3 ngày qua.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Bắc Kinh Liu Xiaofeng, thành phố ghi nhận 369 ca mắc COVID-19 từ ngày 9/6 đến 15h ngày 18/6. Bắc Kinh ngày 17/6 ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 và 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng không có biểu hiện bệnh.
Từ ngày 19/6, tất cả các ga tàu điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh đã hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngừng để phòng dịch COVID-19. Thông báo của Cơ quan Giao thông công cộng Bắc Kinh cho biết, các dịch vụ xe bus bị tạm dừng trước đó ở quận Phong Đài cũng đã nối lại hoạt động. Nhiều dịch vụ xe bus sẽ hoạt động trở lại khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Đại diện chính quyền thành phố Bắc Kinh khẳng định, ngành y tế thủ đô đã gần như cắt đứt chuỗi lây nhiễm của ổ dịch COVID-19 liên quan đến một quán bar và tình hình dịch bệnh trong thành phố đang được cải thiện.
Ngày 19/6, chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) đã quyết định tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực này sau khi phát hiện ít nhất 12 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng vào ngày 18/6. Toàn bộ người dân Macau và những người đang có mặt ở Macau đều phải thực hiện xét nghiệm trong 2 ngày.
Theo quy định mới, từ ngày 19/6, người dân xuất cảnh từ nhiều cảng khác nhau ở Macau phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ mới được thông quan. Macau cũng ra văn bản yêu cầu trường học ở tất cả các cấp tạm dừng việc giảng dạy trực tiếp cho đến khi có thông báo mới. Công viên và khu vui chơi giải trí sẽ tạm thời đóng cửa.
Chính quyền thành phố này cho biết không loại trừ khả năng có các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Ngoài Macau, tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), đại dịch COVID-19 cũng đang có dấu hiệu quay trở lại khi khu vực này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm/ngày trong 4 ngày liên tiếp sau 2 tháng chỉ ghi nhận ở mức 200 - 300 người nhiễm/ngày. Riêng trong ngày 18/6, Hong Kong ghi nhận thêm 1.160 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 116 trường hợp nhập cảnh.
Hiện tại, chính quyền Hong Kong vẫn đang tiếp tục truy vết COVID-19 thông qua giám sát nước thải bằng việc phân phát bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân, nhân viên vệ sinh và người quản lý các tòa nhà tại những khu vực có mẫu nước thải cho kết quả xét nghiệm có tải lượng virus SARS-CoV-2 cao nhằm xác định người mắc bệnh. Ngoài ra, hàng ngày giới chức Hong Kong vẫn đưa nhiều địa điểm vào danh sách kiểm tra bắt buộc để truy vết các ca mắc mới.
Để sớm ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm vô hình, chính quyền đã yêu cầu các cơ quan và ban, ngành tăng cường cho nhân viên xét nghiệm nhanh. Số lượng nhân viên cần được xét nghiệm mỗi ngày sẽ nhanh chóng tăng từ khoảng 78.000 người vào giữa tháng 4 đến hơn 106.000 người, chiếm 60% nhân viên chính quyền. Bên cạnh đó, hơn 35.000 người cũng cần thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên tùy theo tính chất công việc. Để giảm thiểu dòng người di chuyển trong các tòa nhà và văn phòng, chính quyền Hong Kong kêu gọi người dân sử dụng các dịch vụ cần thiết qua đường bưu điện, email hoặc dịch vụ trực tuyến.
Trước đó, từ ngày 16/6, tất cả những người vào các quán bar và quán rượu, câu lạc bộ đêm đều phải trình kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trong 24 giờ.