Nhiều nơi báo cáo 'trời quang mây tạnh', Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, lơ là
Nhiều nơi báo cáo 'trời quang mây tạnh', Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, lơ là
Phát biểu mở đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão Noru (bão số 4).
Trước lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng nhắc cơn bão Durian (bão số 9) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó). Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp và có các chỉ đạo ứng phó bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Thủ tướng cũng vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai có văn bản gửi Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Định, đề nghị đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 26/9, có 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 4. Trong đó, Đà Nẵng 7 tàu/45 ngư dân, Quảng Nam 18 tàu/213 ngư dân, Quảng Ngãi 87 tàu/684 ngư dân, Bình Định 65 tàu/456 ngư dân.
Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá nêu trên di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 26/9, bão số 4 trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Ảnh hưởng của bão, từ chiều 27/9 đến ngày 28/9, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Từ ngày 28/9, mưa lớn xu hướng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Nguyễn Huệ/VTC