Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, đề nghị xem xét lại chính sách tiền lương
Cử tri đề nghị Chính phủ thực hiện phù hợp hơn chính sách tiền lương, tránh tình trạng nhiều nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng nay (20/10) nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến ngành y tế.
Trình bày báo cáo, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các dịch bệnh như: Đậu mùa khỉ, cúm A, dịch sốt xuất huyết, bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Adeno... Đặc biệt, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 toàn quốc đạt được hiệu suất sử dụng vaccine và tỷ lệ bao phủ cao.
Tuy nhiên, cử tri băn khoăn hiện dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khó lường, khó dự đoán, còn tâm lý chủ quan trong thực hiện tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 và cho trẻ em ở nhiều nơi chưa đạt dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh.
Nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề di chứng sức khỏe hậu COVID-19 trong bối cảnh thời gian gần đây, Việt Nam vẫn ghi nhận trung bình từ hơn 1.000 đến hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong khi nhiều viên chức trong ngành y tế chưa yên tâm công tác, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Đặc biệt, cử tri cũng thể hiện sự lo lắng khi thời gian gần đây tình trạng nhiều nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ thực hiện phù hợp hơn chính sách tiền lương sau khi Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế.
Cử tri mong Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Y tế đánh giá đầy đủ, toàn diện về công tác tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương giải quyết những bất cập, vướng mắc giữa ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng các cơ sở khám và điều trị bằng thuốc bảo hiểm y tế thiếu thuốc, thanh toán chế độ bảo hiểm y tế không hợp lý, không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
"Nhà nước cần quan tâm mở rộng danh mục thuốc trong khám, chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế và nâng số tiền thuốc mà cơ sở y tế đã đề nghị thanh toán cho bệnh nhân; quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, quan tâm hơn về chất lượng khám, điều trị bệnh, về trang thiết bị y tế, giường bệnh các trạm y tế nhất là các trạm y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa", báo cáo nêu lên mong muốn của cử tri.
Cử tri kiến nghị Bộ Y tế nên xây dựng, ban hành cẩm nang sức khỏe để các địa phương gửi đến từng hộ gia đình trong việc phòng và điều trị bệnh tại gia đình trong các trường hợp có thể điều trị tại nhà; sớm có hướng dẫn về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi.
Thay mặt Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến kiến nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành trung ương khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, ông nhấn mạnh.
Trong Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá, tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế.
Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công và gây lo ngại cho dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19.
Ủy ban Kinh tế đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.
Ông cũng đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.