Nhiều nhà máy điện kêu khó triển khai nhưng chủ đầu tư không dừng dự án
Cả nước có 39 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, 12 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai xây dựng. Trong đó có 5 dự án khó khăn trong triển khai, thu xếp nguồn vốn song không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án.
Bộ Công Thương vừa rà soát các dự án nhiệt điện than trong cả nước và tờ trình gửi Chính phủ liên quan đến Quy hoạch điện VIII. Trong đó, đến hết tháng 9, cả nước có 12 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 13.792MW đã giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai.
Cụ thể, hiện có 7 dự án với tổng công suất 6.992MW đang xây dựng, gồm Thái Bình 2, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2, An Khánh, Na Dương 2.
Trong đó, một số dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn sẽ đưa vào vận hành (Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2), còn Long Phú 1 đang đàm phán với tổng thầu để triển khai tiếp, 2 dự án An Khánh và Na Dương 2 đã có phương án vay vốn trong nước để triển khai tiếp.
Còn 5 dự án với tổng công suất 6.800MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm Sông Hậu 2, Nam Định 1, Vĩnh Tân 3, Quảng Trị 1, Công Thanh. Bộ Công Thương cho biết đã làm việc và gửi văn bản cho chủ đầu tư các dự án nguồn điện than gặp khó khăn để yêu cầu báo cáo.
Trong báo cáo của các chủ đầu tư, có các dự án mà liên danh chủ đầu tư đã rút khỏi dự án, như với dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (1.800MW), Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương - Pacific (chiếm 22%); một trong hai cổ đông đầu tư nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 (1.200MW) là Công ty ACWA Power đã rút khỏi dự án; dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 (1.200MW) do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư, được Chính phủ giao từ năm 2013 nhưng đến nay đang tạm dừng đàm phán bộ hợp đồng dự án, việc đàm phán vốn vay cũng gặp khó và đang phải tạm dừng.
Còn dự án nhiệt điện Công Thanh (600MW) không thu xếp được vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị chuyển đổi sang sử dụng LNG, tăng công suất lên 1.500MW.
Bộ Công Thương cho hay trong 5 dự án nhiệt điện than trên, có 4 dự án BOT, chủ đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài (Sông Hậu 2, Vĩnh Tân 3, Nam Định 1, Quảng Trị) và dự án do doanh nghiệp trong nước (Công Thanh), đều có khó khăn trong triển khai hoặc thu xếp vốn.
Tuy nhiên, theo các văn bản gửi Bộ Công Thương gần nhất, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án.
Vì vậy, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục để trong Quy hoạch điện VIII các dự án này, nhất là các dự án BOT có chủ đầu tư nước ngoài.
Nhiệt điện than chiếm 31% công suất, song lại chiếm 50% sản lượng
Theo Bộ Công Thương, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342MW (số liệu đến cuối năm 2020). Trong đó, tổng công suất thủy điện là 20.993MW (30,3% công suất, 29,6% sản lượng), nhiệt điện than 21.383MW (30,8% công suất, 50% sản lượng); tua bin khí 9.025MW (13,1% công suất, 14,6% sản lượng); điện gió 538MW (0,8% công suất, 0,4% sản lượng), điện mặt trời 16.506MW (23,8% công suất, 3,7% sản lượng), nguồn khác 325MW, nhập khẩu 572MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới.