Nhiều người Mỹ không có tiền dành cho chi phí khẩn cấp
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người Mỹ đã cảm thấy sốc về tài chính do thu nhập của họ bị giảm đột ngột.
Nhiều người Mỹ không có tiền dành cho chi phí khẩn cấp
Theo một cuộc thăm dò do Bipartisan Policy Center, Funding Our Future và Morning Consult thực hiện, nếu có một sự kiện tương tự xảy ra vào hôm nay, nhiều người vẫn sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Hơn nữa, các chương trình hỗ trợ do Chính phủ cung cấp - cụ thể là các tấm séc từ gói kích thích và thanh toán tín dụng thuế trẻ em hàng tháng - không còn khả dụng để giúp hạn chế tình trạng túng quẫn.
Tuy nhiên, theo báo cáo, có một giải pháp có thể giúp ích, đó là các kế hoạch tiết kiệm khẩn cấp được cung cấp thông qua người sử dụng lao động.
Người Mỹ đang gặp khó khăn như thế nào?
Cuộc khảo sát cho thấy 42% người Mỹ có việc làm cảm thấy rất hoặc phần nào không an toàn về tài chính. Ngoài ra, 24% không có khoản tiết kiệm nào dành cho chi phí khẩn cấp.
Đáng chú ý, cuộc thăm dò trên không bao gồm 40% người trưởng thành không có việc làm. Nếu đưa số người này vào, sự thiếu hụt tiền tiết kiệm dành cho chi phí khẩn cấp có thể còn rõ rệt hơn.
Một phần ba số người trưởng thành đang đi làm nói họ sẽ rất hoặc hơi khó thanh toán cho khoản chi phí khẩn cấp 400 USD , và 8% cho biết không đủ khả năng chi trả.
Đồng thời, 30% người Mỹ cho biết chỉ có thể sống được một tháng hoặc ít hơn nếu thu nhập của họ biến mất.
Đối tượng có nhiều khả năng gặp khó khăn bao gồm những người làm cha làm mẹ, cũng như công nhân có thu nhập dưới 50,000 USD/năm.
Những người trưởng thành có việc làm phải chật vật suốt 12 tháng qua trong chuyện trả bớt nợ, 47% số người được hỏi cho biết. Các con số tiếp theo lần lượt là thanh toán tiền điện nước và cước viễn thông: 46%; trả tiền thuê nhà hoặc vay mua nhà: 44%; thẻ tín dụng: 42%; thực phẩm: 41%; đi lại: 31%; quần áo: 19%; dụng cụ giải trí: 15%; khoản vay thời sinh viên: 14%; giữ trẻ hoặc học phí: 9%; và những thứ khác: 4%.
Cuộc khảo sát trực tuyến trên được thực hiện vào ngày 10/02 và bao gồm 1,600 người lớn có việc làm.
Những kế hoạch tiết kiệm khẩn cấp có thể hữu ích
Theo khảo sát, khoảng 14% người lao động đã vay hoặc rút tiền từ tài khoản hưu trí của họ trong năm qua.
Nếu người sử dụng lao động cung cấp phúc lợi khác - tài khoản tiết kiệm khẩn cấp - có thể giúp nhân viên thiết lập được “vùng đệm tài chính” và không phải rút tiền từ các khoản đầu tư dài hạn ra.
Giống như kế hoạch nghỉ hưu, các tài khoản tiết kiệm khẩn cấp sẽ được liên kết với bảng lương. Người lao động có thể chọn dành một phần sau thuế của tiền lương cho quỹ tiết kiệm khẩn cấp của họ. Nếu một sự kiện bất ngờ phát sinh, họ có thể sử dụng khoản tiền này mà không bị phạt.
Cuộc khảo sát cho thấy 60% người trưởng thành có việc làm sẽ quan tâm đến lựa chọn này.
Hiện tại, chỉ có 21% người lao động cho biết chủ dành cho họ một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp tại nơi làm việc.
Theo cuộc nghiên cứu, mối quan tâm dành cho các phúc lợi tiềm năng này đặc biệt cao ở những người lao động trẻ, người gốc Phi và người nói tiếng Tây Ban Nha, cũng như những người làm cha làm mẹ.
Trên thực tế, đạo luật Tăng cường an ninh tài chính thông qua các tài khoản tiết kiệm ngắn hạn do Thượng nghị sĩ Cory Booker, D-N.J., đưa ra vào năm ngoái sẽ giải quyết được vấn đề đó. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu đề xuất này có tiến triển thêm hay không.
Đạo luật này đề xuất một tỷ lệ phần trăm thu nhập nhất định hoặc một số tiền cố định - do người sử dụng lao động quyết định, sẽ được tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm mỗi kỳ lương. Số tiền trong tài khoản sẽ không vượt quá 10,000 USD và sẽ được điều chỉnh hàng năm theo lạm phát.
Nhã Thanh (Theo CNBC)