Nhiều người dân tiếp tục tố cáo ngân hàng ép hoặc lừa mua bảo hiểm, trái phiếu
Hàng loạt vụ người dân khiếu nại và tố cáo ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm hay tư vấn sai lệch để khách hàng đến gửi tiền mua các sản phẩm đầu tư tài chính như: bảo hiểm nhân thọ, tiết kiệm đầu tư, tiết kiệm trái phiếu linh hoạt,… Nhiều tên gọi sản phẩm mập mờ khiến nhiều người mắc bẫy.
Theo ghi nhận, tình trạng người vay tiền ở ngân hàng luôn bị các tư vấn viên bằng cách này, hay cách khác “ép” mua các gói bảo hiểm kèm theo để khoản vay được duyệt nhanh hơn phổ biến ở Việt Nam đã lâu. Điều này làm gia tăng chi phí đi vay, cũng như làm cho người vay thêm phần khó khăn tài chính.
Ở chiều ngược lại, người đi gửi tiền vào ngân hàng thời gian qua đã bị phía ngân hàng kết hợp cùng các công ty bảo hiểm chào bán các sản phẩm đầu tư tài chính với nhiều tên gọi khác nhau, khiến nhiều người lầm tưởng rằng vẫn đang gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, v.v…
Tối 21/2, Bộ Tài chính có văn bản gửi cơ quan báo chí về việc quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Theo Bộ này, có hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, theo Tuổi Trẻ .
Do đó, hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Nhiều người đã gửi đơn tố cáo sự việc trên, trong đó nhiều người lớn tuổi cho biết bị nhân viên ngân hàng lừa gửi “tiết kiệm đầu tư để lãi hơn” nhưng kết quả lại thành mua “bảo hiểm nhân thọ”. Chị Đỗ Như Hương lần đầu biết tới sản phẩm “Tâm An đầu tư” khi đến chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tại Hà Nội đáo hạn sổ tiết kiệm, báo Vnexpress đưa tin.
Chị kể lại lúc đó được nhân viên SCB gợi ý chuyển sang hình thức tiết kiệm đầu tư linh hoạt kỳ hạn 6 năm, được rút trước hạn và hưởng lãi suất cao hơn. Chị Hương đã nhiều lần tỏ ý nghi ngờ, nhân viên SCB vẫn khẳng định “sản phẩm này không phải là bảo hiểm nhân thọ mà là tiết kiệm kết hợp đầu tư”.
Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng đã chuyển sang hình thức này vì tỷ suất sinh lời tốt và dòng tiền linh hoạt hơn tiền gửi thông thường theo lời nhân viên ngân hàng tư vấn.
Tới khi nhận thông báo từ hãng bảo hiểm Manulife yêu cầu đóng thêm khoản phí 50 triệu đồng để duy trì hợp đồng bảo hiểm, chị mới hay “không có khoản tiết kiệm nào ở đây”.
Số tiền 110 triệu đồng này đã được bỏ vào sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư của Manulife, trong đó 50 triệu đồng là khoản phí bảo hiểm cơ bản đóng hàng năm, 60 triệu còn lại phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư. Tất cả những tin nhắn từ nhân viên ngân hàng, chị Hương vẫn lưu lại làm bằng chứng.
Chị Hương là một trong hàng loạt khách hàng của SCB ở khắp các tỉnh thành, như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Gia Lai, Nghệ An, Bắc Ninh, v.v… đang làm đơn khiếu nại vì “tiết kiệm đầu tư biến thành bảo hiểm”. Trong đó, nhiều khách hàng là người cao tuổi.
Chị Đỗ Hồng Anh (Hà Nội) là một khách hàng đã tham gia bảo hiểm Sun Life qua tư vấn của TPBank, cũng đã khiếu nại lên Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Chị cho rằng nhân viên tư vấn không trung thực khi giao kết hợp đồng.
Theo đơn tố cáo của chị Hồng Anh, nhân viên tư vấn nói đây là sản phẩm đầu tư liên kết giữa TPBank với công ty bảo hiểm Sun Life, tên là Sun Sống sung túc, sau 6 năm sẽ được nhận gốc lẫn lãi với mức sinh lời 8,7% một năm. Tiền sẽ được đem đầu tư lấy lãi, khi cần có thể rút trước một khoản từ năm thứ tư.
Chị Hồng Anh cho biết không hề được nhắc đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong suốt thời gian tư vấn. Tuy nhiên, tới sau này, chị Hồng Anh mới biết toàn bộ 90 triệu chị bỏ vào là khoản phí bảo hiểm, không hề có bất kỳ khoản tiền nào phân bổ vào đầu tư.
Về vấn đề trên, Bộ Tài chính cho hay người dân có thể gọi vào đường dây nóng 024.22208018 hoặc email [email protected] để phản ánh và ghi nhận sự việc.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng.
Bình luận trên tờ Tuổi Trẻ, độc giả Trần Tường Vy nói: “Thật ra nhân viên ngân hàng chỉ là người làm thuê, bị bắt buộc phải thực hiện việc ép khách hàng vay mua bảo hiểm. Muốn xử lý tận gốc cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các ngân hàng cũng như sự liên kết ăn chia với công ty bảo hiểm. Chỉ cần cấm ngân hàng không được thực hiện chức năng bán bảo hiểm thì mọi việc ổn thôi”.
Còn bạn daodanhson than thở trên tờ Vnexpress: “Covid hay không Covid, bất động sản sôi động hay trầm lắng ngân hàng vẫn lãi khủng. Đi vay là đi xin nên ngân hàng nói gì cũng nghe. Quả thực không còn gì để nói nữa”.
Tài khoản Ahihi nhận xét: “Toàn lừa người già, người đi vay vốn. Đạo đức nghề nghiệp không có thì hỏi sao dân họ ghét”.
Bạn Giang Chu tiết lộ: “Cái này diễn ra bao nhiêu năm rồi các bác ạ. Cách đây gần chục năm tôi cũng bị vài ngân hàng chào mời kiểu này. Tuy nhiên là 1 người làm công việc liên quan đến tài chính nên sau khi hỏi lại nhân viên tư vấn tôi hiểu ra vấn đề và từ chối ngay. Chứ ban đầu nhân viên ngân hàng cũng nói kiểu rất nhập nhằng. Nhưng tôi hỏi thẳng lại thì ấp úng trả lời. Do đó với các cụ già thì chắc chắn không thể hiểu đc bản chất dịch vụ này. Đề nghị xử lý thật nghiêm vì đây chính là 1 hình thức lừa đảo công khai mà các ngân hàng cố tình vi phạm”.
Tuấn Minh
Từ gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm, trái phiếu,... Gian nan đòi lại số tiền
Vì nhiều nguyên nhân, người dân mua phải các sản phẩm như: Chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm,... nhưng vẫn lầm tưởng là "gửi tiết kiệm".