Nhiều người bị chó cắn khi đi chúc Tết

Chia sẻ Facebook
03/02/2023 01:50:36

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, rất đông người bị chó mèo cắn đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiêm vắc xin phòng dại.


Theo báo Tiền Phong , số bệnh nhân đến tiêm vắc xin ngừa dại trong dịp Tết nguyên đán vừa qua trên địa bàn Tp.HCM tăng vọt so với ngày thường. Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân bị chó cắn khi đi chúc Tết.


Ngày mùng 2 Tết, anh N.V.H (32 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM) cùng gia đình sang thăm nhà và chúc Tết người họ hàng. Thấy cửa nhà đang mở, anh cất cao giọng chúc mừng năm mới gia chủ thì bị con chó đang nuôi con nằm trong góc nhà lao ra cắn vào chân phải.

Vết cắn do chó gây ra không gây nguy hiểm nhưng chảy máu và khiến anh H. đau nhức nhưng do chủ nhà không nhớ được thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nên để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, sau khi sơ cứu, khử trùng vết thương, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Tp.HCM tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Cụ thể, ca bệnh điển hình trong số hàng loạt người bị chó cắn trong dịp Tết nguyên đán. Ngày 31/1, BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, kỳ nghỉ Tết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp, đa phần là bị chó cắn. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, hầu hết bệnh nhân bị chó tấn công khi đi chúc Tết bà con lối xóm và họ hàng.


Thông tin trên Zing , theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải được điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại. Khoảng 60.000-70.000 người chết vì căn bệnh này, chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.

Từ năm 1920, vắc-xin phòng dại cho vật nuôi đã ra đời, giúp căn bệnh này gần như không còn xuất hiện ở các nước phát triển. Song, bệnh dại vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ và một số khu vực châu Phi.


Tại Việt Nam , bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết tỉnh/thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Nhờ các biện pháp tăng cường chống bệnh dại từ năm 1996 tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại giảm rõ rệt. Song, từ năm 2004, số ca bệnh tăng lên, tập trung ở một số địa phương nhất định.

Những vết thương do súc vật cắn có nguy cơ nhiễm trùng rất cao, có thể gây bệnh uốn ván hoặc bệnh dại.

Virus dại lây nhiễm sau khi động vật mang bệnh cào, cắn vật chủ mới. Người mắc bệnh dại sẽ bị tổn thương não, dây thần kinh. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ (NHS), một khi người mắc xuất hiện triệu chứng, gần như khả năng cứu chữa là bằng 0.

Bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, vắc xin thế hệ mới hoàn toàn không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Tiêm phòng dại là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook